Đế chế hàng tỷ USD của bóng đá Trung Quốc bên bờ sụp đổ sau 5 năm
Năm 2016, CLB Jiangsu gây sốc khi “cướp” được ngôi sao Alex Teixeira từ tay Liverpool với sự hỗ trợ của Tập đoàn bán lẻ Suning có trị giá hàng tỷ USD. Sau đó, các CLB Trung Quốc thay nhau vung tiền trên thị trường chuyển nhượng để mua các ngôi sao hàng đầu thế giới từ các giải vô địch châu Âu.
Những thương vụ đình đám có thể kể đến Oscar, Ramires, Hulk, Carlos Tevez, Axel Witsel, Yannick Carrasco, Marouane Fellaini, Alexandre Pato, Paulinho hay Jackson Martinez. Các ngôi sao hàng đầu giúp giải vô địch Trung Quốc trở nên hào nhoáng hơn trong mắt người hâm mộ nhưng thực ra bên trong lại hoàn toàn trống rỗng.
Chất lượng của giải vô địch Trung Quốc không được cải thiện nhiều khi họ chỉ mua được một số ngôi sao mà không cải thiện công tác đào tạo trẻ. Các cầu thủ Trung Quốc cũng không tiến bộ như kỳ vọng và nước này vẫn phải nhập tịch cho cầu thủ nước ngoài để tăng cường sức mạnh cho đội tuyển quốc gia.
Do đó, nhiều người dự đoán “bong bóng” của bóng đá Trung Quốc sẽ sớm vỡ tan khi các CLB liên tục chi tiền tỷ để mua sắm các ngôi sao và trả lương hậu hĩnh, dù Liên đoàn bóng đá Trung Quốc có quy định để giới hạn mức lương. Lời tiên đoán đã ứng nghiệm khi Jiangsu Suning gây sốc với tuyên bố ngừng hoạt động và chuẩn bị giải thể chỉ sau 3 tháng vô địch Trung Quốc.
CLB Tianjin Tigers cũng đang nợ cầu thủ 10 tháng lương và dự kiến sẽ tuyên bố phá sản trong vài ngày tới. Năm ngoái, Tianjin Tianhai đã phải giải thể dù từng có điều kiện tài chính mạnh mẽ để chiêu mộ cả HLV Fabio Cannavaro và 2 ngôi sao Alexandre Pato, Axel Witsel. Ngoài ra, CLB Shandon Luneng cũng bị Liên đoàn bóng đá châu Á cấm tham dự AFC Champions League vì nợ tiền lương nhân viên.
Carlos Tevez từ chối mức lương hậu hĩnh ở Trung Quốc để trở về quê nhà Argentina vì chê các CLB Trung Quốc thiếu chuyên nghiệp. Ngoài ra, một loạt ngôi sao khác cũng rời Trung Quốc để trở lại châu Âu sau khi vỡ mộng làm giàu ở phương Đông như Axel Witsel (Dortmund), Carrasco (Atletico Madrid), Gervinho (Parma), El Shaarawy (Roma)…
Đáng chú ý, sự sụp đổ của bóng đá Trung Quốc cũng ảnh hưởng mạnh đến bóng đá châu Âu. Inter Milan đang gặp nguy hiểm khi Tập đoàn Suning tuyên bố rút khỏi tất cả các hoạt động ngoài kinh doanh bán lẻ sau thất bại ở CLB Jiangsu.
Năm ngoái, Ban tổ chức Premier League buộc phải đưa ra lệnh cấm phát sóng các trận đấu của Ngoại hạng Anh tại Trung Quốc vì Tập đoàn Suning từ chối thanh toán gần 180 triệu euro tiền bản quyền truyền hình.
Trước đó, Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc PPTV cũng mất quyền phát sóng các trận đấu tại Serie A vì Suning chây ì trả tiền bản quyền cho Tập đoàn IMG.
Ngoài tập đoàn Suning, một số tỷ phú và các doanh nghiệp Trung Quốc cũng thử cố gắng thâm nhập thị trường châu Âu bằng cách mua lại cổ phần của các CLB nhưng chưa thu về thành công.