Điểm mặt chỉ tên những siêu CLB thao túng bóng đá châu Âu
UEFA cảnh báo rằng, 9 CLB giàu có nhất châu Âu đang bỏ xa những đội bóng khác và "sự mất cân đối trầm trọng này không có dấu hiệu dừng lại".
Báo cáo chính thức mới nhất từ UEFA cho biết, một nhóm ưu tú gồm 9 “siêu CLB” châu Âu, trong đó có 5 từ Premier League, đã đạt tới mức giàu có mà không đội bóng nào khác có cơ hội bắt kịp về tài chính.
Man Utd, Man City, Arsenal, Chelsea và Liverpool cùng với hai gã khổng lồ Tây Ban Nha Real Madrid và Barcelona, Bayern Munich của Đức và PSG của Pháp chính là "bộ 9 siêu đẳng" ấy.
Những CLB này nằm trong danh sách “các thương hiệu toàn cầu” vốn kiếm tiền từ số lượng người hâm mộ khổng lồ trên toàn thế giới theo cách chưa từng có từ trước tới nay.
Trong điều kiện kinh tế khó khăn, trong 6 năm qua, các CLB nói trên vẫn đảm bảo khoản thu nhập hàng năm của mình vào khoảng 100 triệu bảng chỉ từ khía cạnh thương mại - chủ yếu là nhà tài trợ CLB và áo đấu.
Cần biết rằng, sự gia tăng doanh thu trung bình đối với hầu hết các CLB khác trong Top 700 thuộc hạng đấu cao nhất ở châu Âu trong cùng khoảng thời gian chỉ dưới mức 1 triệu bảng.
Trong báo cáo thường niên mới nhất của UEFA, Chủ tịch Aleksander Ceferin đã cảnh báo về những mối nguy hiểm mất cân bằng này có thể mang lại.
“Là cơ quan giám hộ thi đấu ở châu Âu, UEFA phải tiếp tục cảnh giác và chú ý tới những xu hướng kém tích cực nêu trong báo cáo, chẳng hạn như việc quay trở lại với tốc độ tăng lương cao và mức độ ngày càng tăng của nhà tài trợ và doanh thu thương mại dồn vào một số ít CLB”, Ceferin nói.
Sức mạnh tài chính có ảnh hưởng vô cùng lớn đến sự thành công trên sân cỏ. Những thành công mang tính dị biệt ít xảy ra hơn, như phép lạ của Leicester tại Premier League mùa giải trước.
Nhưng đó là một ngoại lệ hiếm hoi và ở giải đấu cấp câu lạc bộ cao nhất là Champions League, các đội bóng giàu có đã thống trị suốt nhiều năm và ngày càng đi theo xu hướng như vậy.
Báo cáo của UEFA chỉ ra rằng, các “siêu CLB” đã kiếm bộn tiền từ số lượng người hâm mộ rất lớn của mình. Nó luôn được mở rộng trên phạm vi toàn cầu và có thể thực hiện một cách tốt hơn thông qua các phương tiện truyền thông xã hội hơn là qua tiếp thị truyền thống trong quá khứ.
Và dù UEFA đã đạt được thành công nhất định trong lĩnh lực kiểm soát một phần căn bản tài chính của những CLB, thông qua Luật công bằng tài chính (FFP), sự chênh lệch vẫn tồn tại.
Nhưng sự chệnh lệch thể hiện ở chỗ, 20 CLB Premier League đạt thu nhập mỗi năm tương đương gần 4 tỷ bảng, nhiều hơn 597 CLB ở 48 giải đấu nhỏ nhất của châu Âu cộng lại.
Sự khác biệt đó sẽ tiếp tục tăng khi các giao dịch về bản quyền truyền hình mới tại Premier League giai đoạn 2016-19 có giá tới 8,3 tỷ bảng càng làm giàu hơn cho các đội bóng Anh.
Ngay cả một đội bóng thuộc nhóm cuối Premier League mùa này cũng kiếm được nguồn thu được chia chủ yếu từ tiền bản quyền truyền hình (khoảng 105 triệu bảng) nhiều hơn so với ngay cả nhiều CLB lớn ở châu Âu.
Bất chấp những nỗ lực của UEFA nhằm tạo ra sự công bằng hơn cho các CLB nhỏ, một thực tế không thể chối cãi là nhóm “ưu tú” châu Âu đã tạo nên một thế giới hoàn toàn khác biệt so với phần còn lại.
Đấy là lý do mà các CLB lớn từng đòi ly khai ra để lập giải Super League, điều khiến cho UEFA phải nhượng bộ bằng cách hứa cải tổ lại thể thức Champions League theo hướng trở thành một giải đấu giống như ý tưởng Super League, nơi mà những đội bóng sẽ nhận được nguồn lợi doanh thu lớn hơn nữa và đặc biệt, sẽ được ưu ái góp mặt thường xuyên bất kể thành tích ở giải quốc nội ra sao.