Dư âm vụ khủng bố tại Pháp: Djibril Cisse thoát chết nhờ... bóng đá
Một đêm kinh hoàng của Cisse
Nhà hát Bataclan, một địa điểm thưởng thức nghệ thuật nổi tiếng tại Paris là một trong những nơi xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng của những kẻ khủng bố trong đêm thứ Sáu ngày 13/11 tuần trước. Khi đám đông khán giả đang chăm chú theo dõi buổi biểu diễn của ban nhạc rock Eagles of Death Metal thì 3 tên khủng bố mặc áo chống đạn, tay cầm súng AK-47 lao vào hội trường hét lên “Allah Akbar” (tiếng Ả Rập, nghĩa là “Thánh Allah vĩ đại”) rồi liên tục xả đạn vào đám đông. Tiếng súng vang lên không ngớt, xen lẫn là tiếng gào thét và tiếng thân người đổ gục xuống sàn nhà. 15 phút sau, cả khán phòng biến thành “biển máu”, hơn 80 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị bắt giữ làm con tin cho đến khi cảnh sát xông vào tiêu diệt những tên khủng bố để giải thoát họ.
Nhưng ngay cả khi đã an toàn thì những người may mắn sống sót trong vụ thảm sát kinh hoàng tại Bataclan vẫn không thể giấu nổi cảm giác sợ hãi tột cùng. Isabel Bowdery, cô gái thoát hiểm sau hơn 1 giờ giả chết chia sẻ trên Facebook: “Hình ảnh của những kẻ khủng bố vây quanh như một lũ kền kền sẽ ám ảnh tôi trong suốt phần đời còn lại”. Tuy nhiên, không chỉ các con tin may mắn thoát nạn mà cả những người dân sống gần nhà hát Bataclan cũng sẽ không thoát khỏi cảm giác bị ám ảnh bởi hành động vô nhân tính của bọn khủng bố. Một trong số này là Djibril Cisse, cựu tiền đạo Liverpool và đội tuyển Pháp.
Cisse vừa chia sẻ trên Twitter hình ảnh đường phố Paris vắng tanh cùng dòng tâm sự: “Quả thực là một cú sốc lớn khi nhìn thấy cảnh tượng khủng khiếp này từ cửa sổ nhà tôi. Mọi tâm trí của tôi đang hướng về các nạn nhân. Cầu nguyện cho Paris”. Cựu tuyển thủ Pháp cũng thú nhận anh chưa dám ra khỏi nhà nửa bước kể từ khi xảy ra vụ tấn công khủng bố tại Paris. Cisse đã bị sang chấn tâm lý nặng nề.
“Nhà tôi chỉ cách nhà hát Bataclan đúng một con đường”, Djibril Cisse chia sẻ trên kênh truyền hình RTL bằng một giọng run run, “Nếu ngày hôm qua tôi vẫn đi ra ngoài uống nước như thường lệ, tôi có thể đã là một trong số những nạn nhân thiệt mạng. Thật là điên rồ phải không? Tôi có thể đã đậu xe ngay trước nhà hát Bataclan và nhận một viên đạn từ những tên khủng bố... Nhưng tôi đã không có mặt gần nhà khi vụ tấn công xảy ra. Đây quả thực là một điều cực kỳ may mắn. Bây giờ, tôi mới biết rằng mình hạnh phúc biết bao khi vẫn còn được sống”.
Thời điểm bọn khủng bố tiến hành vụ thảm sát tại nhà hát Bataclan, Djibril Cisse vẫn đang ngồi trên khán đài sân Stade de France thưởng thức trận giao hữu giữa tuyển Pháp và Đức. Cisse chỉ nhận được thông báo khủng bố đang tấn công Paris sau khi trận đấu kết thúc. Anh lưu lại sân vận động đến sáng ngày hôm sau và trở về nhà vào buổi trưa. Từ đó, người ta không còn nhìn thấy Cisse bước ra ngoài đường nữa.
Thoát nạn nhờ đến sân Stade de France
Djibril Cisse quả thực vô cùng may mắn, bởi ngay cả khi không xuất hiện gần nhà hát Bataclan thì cựu tuyển thủ Pháp vẫn có thể mất mạng nếu bọn khủng bố thực hiện thành công kế hoạch dự kiến ban đầu của chúng. Nguồn tin của tờ The Wall Street Journal khẳng định, một tên khủng bố đã có vé vào sân theo dõi trận giao hữu Pháp – Đức để đánh bom tự sát vào đúng thời điểm diễn ra trận đấu nhằm gây thương vong lớn, đồng thời kích động những vụ chen lấn, giẫm đạp chết người. Nhưng thảm kịch trên đã không thể trở thành hiện thực khi một nhân viên an ninh tên Zouheir kịp thời ngăn chặn tên khủng bố, buộc đồng bọn của hắn phải kích nổ quả bom trên người tại cổng J của sân Stade de France khiến 3 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Khác với Cisse, 2 tên tuổi nổi tiếng khác của làng bóng đá thế là Xavi Hernandez và Emmanuel Petit lại tránh được nguy cơ khủng bố nhờ hủy bỏ chuyến đi đến sân Stade de France vào phút chót vì những lý do khác nhau. Xavi quyết định ở lại khách sạn vì bà xã Nuria Cunillera cảm thấy mệt mỏi trong những ngày cuối cùng của thai kỳ. Mặc dù vậy, vợ chồng anh vẫn có thể cảm nhận được không khí hỗn loạn của vụ tấn công thông qua tiếng bom vang trời từ sân Stade de France. Ngay chiều hôm sau, Xavi dẫn vợ rời khỏi Paris để đảm bảo tính mạng.
Trong khi đó, Petit cũng quyết định xem trận đấu qua truyền hình vì cảm thấy mệt mỏi. “Các nhà hàng bị tấn công chỉ cách nhà tôi 10 phút đi bộ. Tôi rất lo sợ bởi nhiều bạn bè của tôi đang dùng bữa tối ở đó khi tiếng bom nổ vang lên. Tôi cố gắng liên lạc với mọi người và thật may là họ đều bình an”, cựu tuyển thủ Pháp chia sẻ trên tờ Closer, “Khi nghe được tiếng nổ trên truyền hình, tôi đã biết đó không phải là pháo hoa. Sau đó, vợ tôi chạy đến và nói cho tôi biết những điều khủng khiếp đang xảy ra. Tôi cảm thấy mình thật may mắn vì đã không đến sân”.
Người Pháp có một câu ngạn ngữ nổi tiếng là “Với một chữ nếu, người ta có thể nhét cả Paris vào một cái chai”. Và nếu được cho một chữ “nếu”, chắc hẳn Djibril Cisse, Emmanuel Petit và nhiều người Pháp khác sẽ ước rằng thảm kịch kinh hoàng ở Paris vào ngày 13/11/2015 chưa bao giờ xảy ra. Tiếc rằng, lịch sử vốn không có chữ nếu.
Massimiliano Natalucci, một người đàn ông 45 tuổi quốc tịch Italia có thể được coi là một trong CĐV may mắn nhất trong lịch sử bóng đá thế giới.
Ông Natalucci đã 5 lần đối mặt với tử thần nhưng đều thoát nạn, 2 trong số này là thảm họa Heysel (29/5/1985) và vụ thảm sát tại nhà hát Bataclan. Trong cuộc chia sẻ với tờ La Gazzetta dello Sport, Massimiliano Natalucci tiết lộ, sự may mắn của ông đến từ việc ông được Giáo hoàng John Paul II ban phép lành tại quảng trường Thánh Pietro ở Vatican vào năm 8 tuổi.
Nhà hát Bataclan nằm cách văn phòng cũ của tạp chí biếm họa Charlie Hebdo – địa điểm bị tấn công khủng bố vào tháng 1 năm nay, chưa đầy 200m.