GĐĐH Bundesliga: Ai mà chẳng thích Super League!
Thực tế thì ý định thành lập Super League đã được nhóm các CLB lớn ở Anh, TBN, Italia, Đức và Pháp nhen nhóm từ lâu. Và đại diện công khai đưa ra ý tưởng này chính là Hiệp hội các CLB bóng đá châu Âu (ECA), nơi quy tụ hơn 200 đội bóng mà nòng cốt trong số đó đương nhiên là những đại gia ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Tiền thân của ECA là G-14, tổ chức quy tụ 14 CLB hàng đầu châu lục từng tồn tại trong giai đoạn từ 2000 đến 2008, trước khi giải tán để dẫn tới sự ra đời của ECA. Nhưng dù là G-14 hay ECA thì đó vẫn là “cái gai trong mắt UEFA” bởi những tranh cãi liên quan đến việc đòi tổ chức một Siêu giải đấu. Ai cũng hiểu, nếu ECA tổ chức Super League thì Champions League - cỗ máy hái ra tiền của UEFA có nguy cơ sụp đổ. Những tưởng đó chỉ là vấn đề tranh cãi giữa UEFA và ECA thì giờ áp lực càng trút nặng lên UEFA, bởi đại diện của 1/5 giải VĐQG hàng đầu châu lục cũng đã lên tiếng ủng hộ ECA về việc thành lập Super League.
“Nếu Super League được thành lập theo đúng những chuẩn mực và hoạt động hiệu quả, hợp lệ, nó có thể giúp ích cho Bundesliga. Super League sẽ giúp thương hiệu Bundesliga trở nên giá trị, nổi bật hơn, vì những CLB của chúng tôi cũng góp mặt ở Siêu giải đấu đó”, GĐĐH giải đấu cấp cao nhất của nước Đức, Christian Seifert tâm sự trên hãng thông tấn AP. “Tôi không muốn bàn về những xung đột lợi ích ở cấp độ châu lục. Đó là công việc của UEFA, ECA và các nhà làm luật. Họ hiểu rõ hơn ai hết. Còn nhìn từ cấp độ các giải VĐQG có CLB góp mặt tại Super League, tôi nghĩ mọi người đều thấy giá trị giải đấu quốc nội sẽ được nâng cao hơn nữa. Với riêng Bundesliga, điều này có thể thấy ngay. Và bởi cơ hội được góp mặt ở Super League, nó sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh cùng những đội bóng có tiềm lực khác, không chỉ mỗi Bayern hay Dortmund được biết đến. Điều này cũng sẽ giúp tăng chất lượng của Bundesliga”.
Được biết, động thái mới nhất được cho là có liên quan đến việc thành lập Super League chính là việc nhóm các quan chức cấp cao của 5 đội bóng hàng đầu giải Ngoại hạng là Man Utd, Chelsea, Arsenal, Liverpool và Man City đã tới khách sạn Dorchester (London) để họp bàn. Nhóm Big Five này chắc chắn sẽ có tên trong giải đấu Super League một khi nó thành lập. Còn xa hơn, hồi tháng 01 vừa qua Chủ tịch Bayern Munich, Karl-Heinz Rummenigge cũng từng chia sẻ trên mặt báo rằng: “Một Siêu giải đấu ngoài Champions League sẽ được thành lập. UEFA hoặc các CLB góp mặt sẽ quản lý giải đấu”. Còn trong cuộc họp nội bộ ECA hồi đầu tháng trước, Phó Chủ tịch tổ chức này, Umberto Gandini cũng từng tâm sự: “Chúng tôi đang kết hợp với UEFA nghiên cứu lại cách thức tổ chức và hiệu quả của Champions League. Sẽ có sự thay đổi không chỉ ở cách vào chơi ở Champions League mà còn nhiều khía cạnh khác”.
Rõ ràng, ECA muốn những CLB hàng đầu ở 5 giải VĐQG quan trọng nhất châu Âu phải thường xuyên được góp mặt tại Champions League bất kể thành tích quốc nội ra sao và quyền lợi doanh thu của những đội bóng này cũng được đảm bảo nhiều hơn. Điều này chẳng khác nào dồn UEFA vào thế bị động. Nhưng nếu phản ứng thì UEFA có thể còn đối mặt nguy cơ nhìn thấy “đứa con vàng bạc” Champions League hy sinh một khi Super League ra đời.
Thực tế, ECA chưa thể thành lập ngay Super League trong 1-2 năm tới. Và những thay đổi về thể thức, phân chia lợi nhuận ở Champions League cũng chỉ được xem xét sau khi chu kỳ 3 năm hiện tại kết thúc vào mùa 2017/18. Nhưng như thế viễn cảnh Super League ra đời vào mùa 2018/19 là hoàn toàn có thể xảy ra.