Hôm nay bầu chọn Chủ tịch FIFA : Không cải tổ, FIFA sẽ bị xóa sổ
Như đã biết, “đại hội đặc biệt” này chắc chắn sẽ không diễn ra và Blatter sẽ tiếp tục nhiệm kì mới mà ông chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu vào giữa tháng 5 năm ngoái nếu không có cuộc bắt giữ hàng loạt quan chức FIFA tại Thụy Sĩ của phía Mỹ chỉ sau đó 2 tuần. Đến tháng 6, Blatter bất ngờ thông báo ông sẽ rút lui sau 18 năm giữ chức chủ tịch, trước khi bị FIFA cấm tham gia các hoạt động bóng đá trong 8 năm cùng với chủ tịch UEFA, Michel Platini vì khoản tiền 1,3 triệu bảng không rõ ràng.
Án phạt trên giờ đã được giảm xuống còn 6 năm nhưng một điều chắc chắn là ở Zurich ngày hôm nay, cả Blatter và Platini đều không được phép có mặt khi đại hội thông qua hai vấn đề đặc biệt. Thứ nhất, các thành viên phải thông qua phương án cải tổ nhằm xóa bỏ những vấn đề đã đẩy FIFA vào cuộc khủng hoảng trong những tháng gần đây và khôi phục lại hình ảnh của tổ chức. Thứ hai là họ phải chọn ra một chủ tịch mới.
FIFA có thể bị xóa sổ
Nhìn bề ngoài, vấn đề mà tất cả đều quan tâm đến là ai sẽ thay thế Blatter, thay vì đề xuất cải tổ, trong khi đây là yếu tố quyết định đến tương lai của FIFA. Thậm chí, một quan chức của FIFA khẳng định sẽ là “thảm họa” nếu các biện pháp cải tổ FIFA không được thông qua.
Trong số những biện pháp cải tổ, một đề xuất mà FIFA muốn các thành viên chấp thuận là những đề xuất về giới hạn quyền lực của các quan chức hàng đầu cùng với việc công khai thu nhập của họ. Bên cạnh đó là quyết định giải tán “ủy ban điều hành” hay còn gọi là ExCo trước đây. Thay thế cho ExCo sẽ là một hội đồng gồm 36 thành viên, tối thiểu có 6 phụ nữ, và quyết định những vấn đề mang tính toàn cầu.
Ngoài ra, việc điều hành FIFA mỗi ngày sẽ không do các đại diện của liên đoàn quốc gia quyết định mà thuộc về một “Ban thư kí chung”, tương đương như Ban điều hành - và Tổng thư kí, tương đương như CEO...
Trong trường hợp những đề xuất cải tổ không được 209 thành viên thông qua, đây có thể được xem là một “thảm họa” của FIFA như đã nói ở trên. Lí do? FIFA hiện vẫn ở trong một tình thế hiểm nghèo khi chính quyền Mỹ và Thụy Sĩ đang tiếp tục các cuộc điều tra nhằm vào hoạt động của những quan chức trước đây và bây giờ của họ. Chẳng hạn như nếu Bộ Tư pháp Mỹ không tin FIFA có thể cải tổ hay hoạt động bình thường, họ có thể xem FIFA như một tổ chức tội phạm, nghĩa là không chỉ bắt giữ mà có quyền giải tán hoàn toàn.
Vì thế, thông qua cải tổ sẽ mang tính sống còn nếu FIFA vẫn muốn hoạt động và không bị đóng cửa. Đó là chưa kể Bộ Tư pháp Mỹ và chính quyền Thụy Sĩ còn rất quan tâm đến việc Nga và Qatar đã giành quyền tổ chức World Cup 2018 và 2022 như thế nào, dù có tin đồn bà Loretta Lynch, tổng chưởng lí Mỹ, bị gây sức ép là không nên làm quá căng vụ việc.
Dĩ nhiên, nói thế không có nghĩa là Mỹ sẽ không ra cáo trạng với các thành viên khác của FIFA và bắt giữ sau đó. Trong khi đấy, cuộc điều tra của Thụy Sĩ vào quá trình vận động đăng cai World Cup 2018 và 2022 vẫn đang diễn ra.
Ai sẽ thay Blatter?
Trong trường hợp cuộc bỏ phiếu được tiến hành, câu hỏi ai chiến thắng sẽ thu hút sự quan tâm của tất cả. Theo giới quan sát, Sheikh Salman bin Ebrahim al-Khalifa của Bahrain đang được xem là ứng cử viên nhờ hậu thuẫn của châu Á và châu Phi, hai liên đoàn khu vực có nhiều thành viên nhất. Đối thủ của Sheikh Salman là Tổng thư kí UEFA, Gianni Infantino, người có được sự ủng hộ của châu Âu, Nam Mỹ và Caribbean.
So với họ, hoàng tử Ali bin al-Hussein từng thất bại trước Blatter vào tháng 5 năm ngoái và ông này sẽ không còn nhận được sự ủng hộ của UEFA sau khi Platini, trước đó, và giờ là Infantino ra ứng cử. Tương tự như vậy là Jerome Champagne của Pháp và doanh nhân người Nam Phi là Tokyo Sexwale.
Do Kuwait và Indonesia bị cấm, cuộc bỏ phiếu bầu chọn chủ tịch FIFA sẽ chỉ có 207 phiếu hợp lệ. Theo quy định thì ở vòng đầu tiên, người thắng cần nhận được 2/3 số phiếu ủng hộ. Nếu không có ứng cử viên nào đạt được tỉ lệ này, tỉ lệ quá bán là đủ. Còn nếu vẫn không có người thắng, vòng 3 sẽ diễn ra và ứng cử viên nhận ít phiếu nhất ở vòng 2 sẽ không tham dự ở vòng này.
Dự kiến vòng bỏ phiếu đầu tiên sẽ bắt đầu vào khoảng 13 giờ 30 (giờ GMT, tương đương 20 giờ 30 giờ Việt Nam). FIFA ước tính mỗi vòng bỏ phiếu mất khoảng 1 giờ 40 phút và tối đa là 2 giờ. Nếu vậy, tên tân chủ tịch FIFA có thể được công bố vào khoảng 17:30 GMT.