Juan Sebastian Veron: Cây đũa thần vùng La Plata
“Mẹ kiếp! Veron là một gã tài năng chết tiệt”, chiến lược gia huyền thoại Sir Alex Ferguson từng phải thốt lên như vậy khi không thể nào bắt ép được ngôi sao người Argentina thay đổi phong cách chơi bóng của mình. Xuyên suốt trong sự nghiệp lẫy lừng, Juan Sebastian Veron bao giờ cũng là một kẻ tự tại, kể cả trên sân cỏ lẫn cuộc sống ngoài đời, một hình mẫu nhạc trưởng đích thực khiến cho người ta phải gọi anh bằng biệt danh “Phù thủy nhỏ”.
ĐÔI CHÂN MA THUẬT TRÊN ĐẤT Ý
Sinh ra tại La Plata, Veron ngay từ nhỏ đã được thừa hưởng những tố chất chơi bóng của cha mình, ông Juan Ramon Veron, một cựu tiền đạo ĐT Argentina. Trưởng thành trên những con phố ổ chuột Nam Mỹ bụi bặm và nhếch nhác, chàng trai sinh năm 1975 chỉ khoác áo đội trẻ Estudiantes trong vòng đúng một mùa giải (1993/94) trước khi bước lên thi đấu chuyên nghiệp. Trải qua cuộc thử việc ngắn hạn tại Panathinaikos theo lời giới thiệu của cha mình, Veron đã bị Ban lãnh đạo CLB Hy Lạp từ chối do không đủ khả năng về mặt chuyên môn, nguyên nhân khiến anh phải trở về quê hương để chơi bóng cho Estudiantes và sau này là Boca Juniors.
Cần phải nói thêm rằng, Veron xuất thân là một tiền đạo trong giai đoạn đầu của sự nghiệp. Phải đến năm 1996, khi cầu thủ người Argentina gia nhập Sampdoria thì tài năng của anh mới thực sự nở rộ dưới thời HLV Sven Goran Eriksson. Trong vai trò của một tiền vệ tổ chức thực thụ, Veron nhanh chóng thể hiện được nhãn quan chiến thuật nhạy bén cũng như khả năng sáng tạo hết sức tuyệt vời. Anh trở thành nguồn cảm hứng vô cùng quan trọng giúp Sampdoria thi đấu hứng khởi tại Serie A trước khi quyết định nói lời chia tay CLB chủ sân Luigi Ferraris vào mùa Hè 1998, để chuyển đến Parma bằng một bản hợp đồng trị giá 15 triệu bảng.
Khoảng thời gian sau đó, chàng trai đến từ vùng La Plata tiếp tục được chứng minh giá trị trong một tập thể bao gồm rất nhiều hảo thủ như Hernan Crespo, Fabio Cannavaro, Alessandro Nesta, Lilian Thuram hay Gianluigi Buffon… Mùa bóng 1998/99, Parma đoạt cú đúp danh hiệu UEFA Cup và Coppa Italia, đồng thời lọt vào đến Top 4 Serie A.
Không ai khác, chính Juan-Veron là “nhạc trưởng” dẫn dắt đội bóng xứ Emilia-Romagna tìm đến thành công. Mặc dù vậy, thay vì chấp nhận gắn bó lâu dài cùng CLB chủ sân Ennio Tardini, Veron đã quyết định cập bến Lazio để tái hợp với ông thầy cũ Eriksson.
Ngay ở lần ra mắt đầu tiên, bản hợp đồng trị giá 18,1 triệu bảng đã ghi bàn thắng duy nhất giúp Lazio vượt qua M.U trong trận tranh Siêu Cúp châu Âu, một khởi đầu tốt đẹp khiến anh nhận được vô vàn lời tán dương nhiệt liệt từ phía giới mộ điệu.
Vào thời điểm ấy, đội bóng thủ đô Italia chính là một trong những nơi “ồn ào” bậc nhất châu Âu dưới thời Chủ tịch Sergio Cragnotti, nhờ chính sách chiêu mộ ngôi sao đình đám. Đương nhiên, Veron luôn có một suất chính thức trong bộ khung của HLV Eriksson. Ngay cả khi Lazio chơi với sơ đồ chiến thuật 4-4-2 thì tiền vệ người Argentina vẫn hoàn toàn được phép thi đấu tự do để tập trung tối đa vào nhiệm vụ sáng tạo.
Sở hữu nền tảng kỹ thuật cá nhân khéo léo nên Veron rất “lười” phòng ngự, tuy nhiên cũng hiếm khi nào, anh để mất bóng nguy hiểm. Không chỉ là nhân tố trực tiếp “châm ngòi” cho những bàn thắng của đội nhà, cầu thủ người Argentina còn đặc biệt mạnh mẽ ở những tình huống sút xa trái phá từ ngoài vòng cấm. Mùa giải 1999/2000, cựu ngôi sao Estudiantes ghi tới 8 bàn tại Serie A, chỉ kém duy nhất chủ công Marcelo Salas (11 bàn), qua đó trở thành nguồn động lực vô cùng quan trọng giúp Lazio giành được danh hiệu Scudetto lịch sử.
Đặt trong một hệ thống mà Veron giữ vai trò “ông chủ” chi phối toàn bộ khu vực giữa sân, đồng thời được những vệ tinh như Matias Almeyda, Diego Simeone hay Dejan Stankovic… phục vụ, chẳng có gì quá bất ngờ khi tiền vệ này tỏa sáng rực rỡ. Anh thi đấu có chút gì đấy đủng đỉnh, chậm chạp, thậm chí đôi lúc còn hơi rườm rà và khó chịu.
Thế nhưng, Veron vẫn cứ là trung tâm, là nguồn cảm hứng trọn vẹn nhất để Lazio chinh phục Serie A. Sau mùa giải 2000/01, ngôi sao người Argentina nghe theo tiếng gọi của danh vọng để chuyển sang khoác áo M.U, một bước ngoặt đã khiến cho sự nghiệp của Veron mãi mãi chỉ là một bản nhạc dang dở không hồi kết…
NHỮNG NGÀY U ÁM TẠI XỨ SỞ SƯƠNG MÙ
Được kỳ vọng sẽ trở thành một ngôi sao lớn trong màu áo Quỷ đỏ, tuy nhiên Veron lại rơi vào trạng thái “lạc lõng” sau thời điểm cập bến sân Old Trafford.
So với Calcio, lối chơi tại Premier League dường như quá nhanh và khắc nghiệt, đòi hỏi nhiều hơn về mặt thể lực, tốc độ cũng như tinh thần “máu lửa”, thứ mà Veron chẳng bao giờ thể hiện trong suốt sự nghiệp. Khoảng thời gian tiếp theo, bản hợp đồng “bom tấn” 28,1 triệu bảng ngày càng trở nên thừa thãi trong mắt Sir Alex trước khi anh dính chấn thương vào giữa mùa giải 2002/03, điểm đen cuối cùng cho những tháng ngày chơi bóng tại M.U.
Video: 11 bàn thắng của Veron tại Man Utd
Công bằng mà nói, tài năng của Veron cũng không phải không được trọng dụng. Thế nhưng, ở một tập thể luôn đề cao tinh thần chiến đấu lên hàng đầu như Quỷ đỏ, thứ phẩm chất có phần “hào hoa và sáng tạo” của anh dường như là vô nghĩa. Chứng kiến giai đoạn Juan Veron vất vưởng tại Old Trafford, người ta lại càng thêm nuối tiếc cho những giây phút mà anh từng tỏa sáng trên đất Italia, khi đôi chân ma thuật của anh vẽ nên những đường cong tuyệt vời nhất trên bầu trời Calcio.
Trải qua thêm một mùa giải 2003/04 “ngụp lặn” trong màu áo Chelsea với chỉ vỏn vẹn 7 lần ra sân ở Premier League, tiền vệ người Argentina đành chấp nhận quay trở về Serie A để đầu quân cho Inter Milan.
Tại sân Giuseppe Meazza, các tifosi cũng phần nào được tái hiện lại hình ảnh một Veron “lãng tử” của vài năm về trước. Mặc dù vậy, sau những năm tháng khủng hoảng trên đất Anh, có lẽ Veron đã đánh mất đi niềm đam mê chơi bóng đỉnh cao. Liên tiếp hai mùa giải 2004/05 và 2005/06, Inter đều đoạt chức vô địch Coppa Italia nhưng không thể nào cạnh tranh Scudetto được với Juventus.
Trên đấu trường châu Âu, đội bóng của HLV Mancini cũng thi đấu hết sức nhạt nhòa. Mùa Hè năm 2006, sau khi phải ngồi nhà xem các đồng đội thi đấu World Cup (không được HLV Jose Pekerman triệu tập), Veron quyết định quay trở về quê hương, khoác áo đội bóng đầu đời Estudiantes.
Rất nhanh chóng, “lão tướng” sinh năm 1975 trở thành nguồn cảm hứng quan trọng giúp CLB vùng La Plata chơi bóng thăng hoa trên đấu trường châu lục. Năm 2009, Juan Veron giành Copa Libertadores (vô địch các CLB Nam Mỹ) sau thắng lợi trước Cruzeiro của Brazil. Khoảng thời gian thi đấu cho Estudiantes cũng chứng kiến ngôi sao người Argentina hai lần đoạt được danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất Nam Mỹ (2008, 2009) do tạp chí El Pais (Uruguay) bầu chọn.
CHO NHỮNG THÁNG NGÀY DANG DỞ VÀ NUỐI TIẾC
“Tôi không nghĩ rằng các cầu thủ Argentina thì không thể chơi bóng tại Anh. Hãy nhìn Carlos Tevez mà xem, cậu ấy thậm chí còn thành công hơn nhiều cầu thủ đến từ châu Âu khác. Việc tôi thi đấu không tốt trong quãng thời gian khoác áo Man United xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, chứ không đơn thuần chỉ là việc thích nghi với văn hóa Premier League”, Juan Veron chia sẻ trước báo giới khi được hỏi về những tháng ngày còn thi đấu tại xứ sở sương mù.
Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn tin rằng Veron chính là một trong những tiền vệ tổ chức hay nhất thế giới ở giai đoạn chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ. Nói gì thì nói, nếu như Veron không quá vội vàng quyết định gia nhập M.U vào thời điểm ấy, biết đâu sự nghiệp của tiền vệ người Argentina đã bước sang một ngã rẽ khác.
“Tây Ban Nha ư? Tôi không có cơ hội được chơi bóng ở đó. Trên đời này sẽ có những chuyện chẳng bao giờ xảy ra, mặc dù tôi cũng thích thi đấu cho Real Madrid hay Barcelona. Tất nhiên, tôi không hề cảm thấy nuối tiếc vì điều này”, cựu danh thủ sinh năm 1975 chia sẻ.
Trong suốt sự nghiệp đầy rẫy những thăng trầm của mình, Veron từng tham dự tổng cộng 3 kỳ World Cup (1998, 2002 và 2010), nhưng đều không giành được thành tích gì nổi bật. Thứ cá tính của một kẻ ung dung, tự tại chính là một phần nguyên nhân khiến cho ngôi sao người Argentina không bao giờ có thể phát triển tài năng đến mức cao nhất. Để rồi, giữa những đổi thay mạnh mẽ của thời cuộc, mẫu tiền vệ hào hoa và lãng mạn như Veron bỗng dưng trở nên quá đỗi xa lạ, lạc lõng và buộc phải lùi dần vào dĩ vãng.
Người ta sẽ còn nuối tiếc rất lâu cho cuộc đời và sự nghiệp dang dở của Juan Sebastian Veron, các tifosi thì sẽ còn khóc thầm cho những giây phút mà anh từng khiến cả Serie A phải “phát rồ” bởi những đường chuyền mê hoặc. Một kẻ nghệ sĩ và “viển vông” đến thế, một cây đũa thần ma thuật và dị biệt đến thế, nhưng rồi cũng chẳng thể tìm thấy một cái kết lung linh cho những giấc mơ mãi mãi không bao giờ trở thành sự thật...
“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình đã làm nên lịch sử cho thế giới bóng đá. Tôi chỉ làm nên lịch sử cho riêng mình, cho những gì mà tôi từng đam mê và khao khát trong suốt sự nghiệp”.
Từ vùng đất La Plata bình yên và xinh đẹp, “phù thủy nhỏ” Veron đã định nghĩa cuộc đời mình.
Video: 10 bàn thắng đáng nhớ trong sự nghiệp Veron