Messi-chuyền-lố-bịch vẫn đang thách thức các nhà khoa học
Messi ghi bàn đầu tiên - Messi ghi bàn thứ 2 - Messi ghi bàn thứ 3, 4, 5… Chúng ta cứ đếm, Messi cứ ghi bàn và mỗi bàn thắng của anh lại mang cốt truyện khác và luôn tạo hứng khởi.
Có một câu chuyện khác cũng hấp dẫn, hay không kém của Messi ít được kể hơn: Kiến tạo và chuyền bóng mở ra cơ hội ghi bàn.
Ở đây đang nhắc đến hai khái niệm, nhưng cùng chung đặc điểm là đặt đồng đội vào vị trí có thể ghi bàn hoặc mở ra cơ hội tiếp cận khung thành đối phương. Messi cũng là bậc thầy ở kỹ năng này.
“Đường chuyền lố bịch của Messi” - nhà phân tích Taylor Twellman của Apple TV thốt lên khi chứng kiến Messi chuyền cho Benjamin Cremaschi dẫn đến bàn thắng của M10 vào lưới New York Red Bulls.
“Lố bịch” thực sự khi camera bắt cảnh toàn của trận đấu còn không thấy Benjamin Cremaschi trong khung hình khi Messi vẩy bóng bằng má ngoài chân trái xuống khe giữa hai hậu vệ đối phương. Messi có vẻ đã chuyền hỏng.
Nhưng ở một góc máy khác, đó là đường chuyền thiên tài thể hiện nhãn quan, khả năng tư duy và đưa ra quyết định chỉ trong khoảnh khắc của Messi.
Pha tung người chuyền của Alba khiến bóng đến vị trí Messi trong vòng cấm không thực sự thuận lợi. Messi dù vậy vẫn khống chế gọn gàng, quặt bóng ngược trở ra khi nhận thấy trung vệ Peter Stroud. Lúc này, Messi đang giữa vòng vây của bốn cầu thủ đối phương. Messi bắt đầu... "lố bịch"! Thay vì đâm vào bức tường hàng thủ đối phương, anh đẩy ngang một nhịp, lắc nhẹ hông trái hướng ngược khung thành New York Red Bulls khiến cả hàng thủ đối phương bao gồm hậu vệ trái John Tolkin đang bắt đường chuyền sang Cremaschi bị hút theo hướng ra ngoài vòng cấm. Messi đã nhìn thấy Cremaschi và anh đưa ra quyết định độc đáo: vẩy má ngoài chân trái đưa bóng vào giữa khe hai hậu vệ New York Red Bulls, sửa lưng Tolkin đi đúng tầm cho Cremaschi thoát xuống.
Tất cả quá trình: nhận bóng từ Alba, xử lý bóng cận chân giữa vòng vây đối phương, quan sát rồi chuyền cho Cremaschi được Messi thực hiện chỉ trong 4 giây. Một lần nữa phải thốt lên: Thực sự lố bịch!
Messi là một cầu thủ toàn diện: ghi bàn cừ, chuyền như đặt. Anh hiện đang xếp thứ 2 trong danh sách các cầu thủ ghi bàn nhiều nhất lịch sử với 818, chỉ sau Ronaldo (847). Về khả năng kiến tạo, Messi đang dẫn đầu với 360 đường chuyền thành bàn, trong khi của Ronaldo là 236. Trong 360 pha kiến tạo của Messi, có 78 đường chuyền chọc khe cho đồng đội lập công.
Tại Ligue 1, Messi cứ trung bình một trận có gần 2 đường chuyền chọc khe mở ra cơ hội tiếp cận khung thành đối phương cho đồng đội; trong khi thống kê này tại World Cup 2022 của M10 là gần 4.
Opta định nghĩa một đường chuyền chọc khe là đường chuyền xé toang hàng thủ đối phương đưa bóng vào khoảng trống cho đồng đội thoát xuống. Chọc khe là một trong những đường chuyền khó nhất trong bóng đá bởi yêu cầu hội tụ nhiều kỹ năng: Quan sát, phán đoán, đưa ra quyết định và chuyền đúng thời điểm như bấm giờ đồng hồ. Vậy mà Messi làm đi làm lại nhiều lần trong sự nghiệp, gần nhất là đường chuyền cho Cremaschi. Thống kê cũng cho biết, ở giai đoạn gần cuối mùa giải năm ngoái Messi là cầu thủ chuyền chọc khe nhiều nhất trong 5 giải đấu hàng đầu châu Âu năm ngoái (43). Nhiều hơn Neymar (24), De Bruyne (20), Junya Ito (17), Bruno Fernandes (15); và tính "sát thương" trong các đường chuyền chọc khe của Messi chỉ đứng sau De Bruyne.
“Cậu ấy có thể nhìn ra những đường chuyền mà hầu hết người xem chỉ nhìn ra khi đang xem qua truyền hình. Bình thường đang chơi trên sân sẽ khó nhìn ra”, HLV hiện tại của Messi ở Inter Miami Tata Martino từng nói về tiền đạo người Argentina như vậy. Làm sao Messi có thể thực hiện nhiều lần đường chuyền “lố bịch” như vậy?
Các nhà khoa học đã vào cuộc, nhưng cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể và thuyết phục. “Các cầu thủ hoạt động trên mặt sân rộng lớn, phải theo dõi hoặc quan sát rất nhiều người trên sân nên chúng tôi tin rằng một cầu thủ giỏi là cầu thủ quan sát được nhiều người hơn cùng một lúc”, Giáo sư Nobert Hagemann của Đại học Kassel giải thích về cuộc nghiên cứu về Messi cách đây vài năm.
Nói một cách dễ hiểu, các nhà nghiên cứu cho rằng cầu thủ giỏi sẽ có tầm bao quát rộng hơn giúp họ nhìn được mặt sân rộng hơn cũng như vị trí của đồng đội và đối thủ tại bất kỳ thời điểm nào. Để xác thực suy đoán này, Nobert Hagemann và cộng sự đã nghiên cứu hành vi của một số cầu thủ nghiệp dư trong hàng loạt các tình huống trên sân. Kết quả lại đi ngược giả thuyết.
“Nói chung, chúng tôi không nhận thấy tầm nhìn rộng hơn của các cầu thủ có kỹ năng”, Hagemann cho biết. “Họ không trích xuất thông tin từ một vùng thị giác rộng hơn. Tuy nhiên chúng tôi tìm thấy khoảng thời gian cố định (Khoảng thời gian cố định là khoảng thời gian mắt nhìn vào một vật thể ở môi trường xung quanh thường kéo dài khoảng 250 mili giây) dài hơn. Những khác biệt về các kỹ năng liên quan trong 'chiến lược nhìn chăm chú' được cho là có tác dụng trong việc thu thập thông tin hiệu quả hơn."
Vì vậy, mặc dù những cầu thủ giỏi có thể không có tầm nhìn rộng hơn cầu thủ bình thường, nhưng họ thu thập được nhiều thông tin hơn chỉ bằng một cái liếc mắt. Phát hiện này ủng hộ 'lý thuyết phân chia', dựa trên khám phá những người chơi cờ giỏi nhất có thể nhớ một bàn cờ, không phải 32 quân cờ mà là năm hoặc sáu nhóm quân cờ.
Những cầu thủ không có năng khiếu như Messi có thể được đào tạo để cải thiện 'thời gian cố định', nhưng Hagemann không tin sẽ trực tiếp cải thiện hiệu suất của họ.
Hagemann nói: "Nếu cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất cảm nhận điều gì sắp xảy ra thì họ sẽ biết phải hướng sự chú ý của mình vào đâu. Những cầu thủ như Messi rất giỏi trong việc đưa ra quyết định. Họ có khả năng dự đoán giúp họ giải quyết các vấn đề phức tạp một cách tốt nhất."
Daniel Kahneman, nhà tâm lý học đoạt giải Nobel, có quan điểm riêng về hiện tượng này. Dựa trên kinh nghiệm của những người lính cứu hỏa, những người có thể cảm nhận được khi nào một ngôi nhà đang cháy sắp nổ tung, ông gọi đó là 'trực giác chuyên gia', một bản năng giải quyết một vấn đề cụ thể.
Nói một cách khác, cho đến giờ các nhà khoa học vẫn có những cách giải thích khác nhau về Messi. Trước khi tìm được câu trả lời cụ thể hơn, họ gọi khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp thành đơn giản của Messi là món quà trời cho. Còn với NHM, hãy tận hưởng món quà "lố bịch" này!