Michel Platini ứng cử Chủ tịch FIFA: Ôm mộng làm Vua không ngai
Dẹp bóng đá đi, đây là chính trị
Dám cá rằng, Hoàng tử Ali Bin al-Hussein của Jordan hay Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Liberia (LFA), Musa Bility, đã rất tự tin vào cơ hội chiến thắng của họ sau khi FIFA đồng ý tổ chức lại cuộc bầu chọn Chủ tịch vào tháng 2 năm sau. Cho đến lúc Platini xuất hiện.
Chỉ cách đây gần 1 năm thôi, ở Monaco, chính Platini thông báo ông sẽ không tranh cử Chủ tịch FIFA. Vào thời điểm đó, đương kim Chủ tịch UEFA cho rằng, những người ủng hộ ông muốn ông ở lại UEFA, còn những người không ưa Blatter thì muốn ông ra đối đầu. Quả là khó xử nhưng sự thực thì Platini không muốn tham gia vào một cuộc đua mà ông biết rõ mình không thể thắng bởi đây chưa phải là thời điểm thuận lợi cho ông.
Đó là trước những bản cáo trạng của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, trước cuộc đột kích vào khách sạn Baur au Lac, trước sự quay ngoắt của Chuck Blazer và trước khi Blatter nói rằng “tôi đặt vận mệnh và chiếc ghế của mình vào tay các thành viên tham dự Đại hội đồng FIFA”.
Đối với một người đơn giản, tuyên bố của Blatter có nghĩa là ông sẽ từ chức nhưng trong một thế giới đảo điên như hiện nay của FIFA, đó có thể mang một ý hoàn toàn khác. Mặc dù thế, trong bất cứ trường hợp nào, Blatter rút lui hay cố gắng xoay sở để điều hành FIFA một lần nữa sau những gì xảy ra trong vài tháng trở lại đây, chứ đừng nói gì đến 1 năm trước hay 18 năm qua, ông không còn ở cái thế “bất khả xâm phạm” được nữa.
Tình hình như vậy đã giải thích tại sao Platini đưa ra quyết định của ông và một điều quan trọng nữa là ông có sự ủng hộ của 4 trong 6 liên đoàn khu vực. Họ gồm có Sheikh Salman bin Ibrahim Al Khalifa, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), bản thân ông (UEFA), Issa Hayatou, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Phi (CAF) và có thể là khu vực CONCACAF.
Sự hậu thuẫn đó đã đặt Platini vào vị trí ứng cử viên hàng đầu, trên những đối thủ (đã thông báo ra ứng cử hoặc có khả năng ứng cử) như Ali bin Al Hussein (người từng được Platini ủng hộ trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 vừa qua), Chung Mong-joon của Hàn Quốc, Musa Bility của Liberia và huyền thoại bóng đá Brazil, Zico.
Thế nhưng, một khi bóng chưa lăn, chẳng ai dám chắc điều gì. Sau cùng thì FIFA là một thế giới chính trị thu nhỏ, là cuộc tranh giành quyền lực giữa các bên. Sheikh Salman nắm giữ một số lượng phiếu quan trọng nhưng ông cũng chỉ đại diện cho châu Á. Và ông ta cũng có thể đổi ý vào phút chót.
Trong khi đó, một bộ phận của UEFA, chủ yếu là Đông Âu, từ lâu đã không ưa gì Platini. Còn CAF vẫn là liên đoàn lớn nhất và như lịch sử chứng minh, hoặc anh phải bắt tay với Hayatou, hoặc anh sẽ không nhận được 56 phiếu. Tại CONMEBOL và CONCACAF, mặc dù bị chia rẽ vì scandal và lo sợ bị lép vế, họ có thể ủng hộ Platini nhưng vào lúc này, chưa ai dám khẳng định sẽ không có thêm một vụ bắt giữ nào nữa. Biết đâu, những người có mặt ở cuộc bỏ phiếu tới sẽ là những người hoàn toàn mới.
Còn đối với châu Đại dương và 11 phiếu bầu ở đây, Blatter từng trìu mến mà gọi rằng “my Ocean’s Eleven”.
Vì thế, khó mà nói rằng cuộc bầu cử sắp tới của FIFA sẽ diễn ra êm ả bởi vì hiện tại đã cho thấy, bất cứ ai cho rằng Platini, hay Ali bin Al Hussein và Bility, có cơ hội, thực tế sẽ không diễn ra như vậy.
Ít nhất thì UEFA của Platini không bị mục nát vì tham nhũng như FIFA của Blatter. Ông cũng không bị chỉ trích là giàu lên nhanh chóng nhờ quyền chức. Thay vào đó, Platini đã xây dựng một UEFA ổn định cùng với dự án HatTrick mang lại 500 triệu USD cho các liên đoàn thành viên trong 4 năm qua. So sánh và đối chiếu, FIFA có dự án Goal của Blatter từng nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia trong một thời gian dài.
Dù sao thì từ nay đến ngày 26/02/2016 vẫn còn nhiều thời gian để đánh giá cục diện. Với Platini, ông sẽ có một số vấn đề cần giải quyết, trong đó có việc tại sao ông lại bỏ phiếu ủng hộ Qatar đăng cai World Cup 2022 và Blatter trước năm 2011 hay phản đối việc sử dụng công nghệ trong bóng đá.
Nhưng Platini có tham vọng lớn
Phải thừa nhận trong bóng đá, ít ai từng là cầu thủ và có tham vọng chính trị lớn như Platini. Brazil có Pele và Romario, Đức có Franz Beckenbauer và Karl-Heinz Rummenigge… nhưng leo cao thì chỉ có tiền vệ từng khoác áo Juventus. Năm 2007, Platini đã trúng cử Chủ tịch UEFA và hồi tháng 3 vừa qua, ông tái đắc cử nhiệm kỳ 3. Trước đó, đội trưởng của đội tuyển Pháp từng giành chức vô địch EURO 1984 đã 3 lần đoạt Quả bóng vàng, vô địch Cúp C1, Cúp C2 hay Siêu Cúp châu Âu.
Tưởng như vinh quang và sự nổi tiếng như vậy là quá đủ cho Platini, ông còn muốn nhiều hơn chiếc ghế HLV đội tuyển Pháp ở EURO 1992 hay Chủ tịch Uỷ ban điều hành World Cup 1998.
Nói gì thì nói, chiếc ghế Chủ tịch FIFA vẫn hấp dẫn và cứ nhìn vào Blatter thì rõ. Blatter không phải là một vị Vua. Ông cũng không phải là Thủ tướng hay phó vương và không phải là nghị sĩ quốc hội hay là người đại diện của nhân dân…Trên giấy tờ, ông chỉ là một Chủ tịch, Chủ tịch của FIFA, tổ chức bóng đá lớn nhất hành tinh. Mặc dù vậy, trên thế giới, không có một vị Chủ tịch nào có quyền lực như ông. Hãy nghĩ một cách đơn giản như thế này: có bao nhiêu người đã đến được hầu hết các quốc gia, không được đón tiếp theo nghi thức ngoại giao nhưng họ vẫn có thể gặp được các nguyên thủ, nhà lãnh đạo?
Blatter thì có thể. Ông đã gặp Chủ tịch Cuba, Thủ tướng Guinea, Tổng thống Nam Phi…Nghĩa là vai trò và vị thế của ông cũng quan trọng như một nguyên thủ, còn FIFA giống như một quốc gia có chủ quyền. Thậm chí, FIFA cũng có cờ và bài hát chính thức riêng…
Và xét về quy mô, FIFA với 209 thành viên còn lớn hơn cả Liên hiệp quốc với 193 thành viên. Không có gì ngạc nhiên khi Blatter được tạp chí Forbes xếp ở vị trí thứ 70 trong danh sách 72 nhân vật quyền lực nhất thế giới, bên cạnh những nhà lãnh đạo như Tổng thống Nga, Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ, Barack Obama. Ông cũng là quan chức thể thao duy nhất có mặt, dù danh sách có cả những ông trùm sở hữu các CLB bóng đá lớn như tỷ phú của Mexico Telecom, Carlos Slim Helu (đứng thứ 14), sở hữu các công ty có cổ phần ở giải vô địch Mexico; Khalifa bin Zayed al-Nahyan, người liên quan đến ông chủ của Man City, Sheikh Mansour, đứng thứ 37; Martin Winterkorn (Chủ tịch của Volkswagen Group sở hữu Wolfsburg) đứng thứ 58; Alisher Usmanov, cổ đông lớn ở Arsenal, đứng thứ 61.
Mạnh Hào
Michel Platini là ai?
1984 – Đội trưởng đội tuyển Pháp vô địch EURO 1984.
1988-1992 – HLV đội tuyển Pháp, giành danh hiệu HLV xuất sắc nhất năm 1991.
1998 – Đứng đầu Uỷ ban tổ chức World Cup.
2002 – Là thành viên của Uỷ ban điều hành FIFA.
2007 – Giữ chức Chủ tịch UEFA.