Nguy hiểm khi đánh đầu: Chuyện mà ai cũng biết!
Vậy mà theo Trung tâm Phòng chống bệnh ở nước này, từng có 18 cầu thủ thiệt mạng trong giai đoạn từ 1979-93 do… đâm đầu vào cột dọc. Bên cạnh đó, những cảnh báo về nguy cơ chấn thương ở não do đánh đầu gây ra đã xuất hiện từ rất lâu. Bởi ngay từ tháng 6/1927, tờ The New York Times từng nhắc tới sự cố của một cầu thủ trong đội bóng của Palestine gặp New York Giants thuộc giải vô địch Mỹ. Theo HLV của đội này tiết lộ, học trò của ông “bị tổn thương nhẹ ở não do thường xuyên đánh đầu với quả bóng nặng chịch vì thấm nước mưa”. Đến năm 1972, vấn đề này lại được phân tích trong bài nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học Anh có tựa đề "Chứng đau nửa đầu của cầu thủ”.
Đến năm 1989, một nghiên cứu khác phát hiện “sự gia tăng đáng kể tỷ lệ rối loạn điện não đồ” khi kiểm tra não của 69 cầu thủ nhà nghề tại Na Uy. Sự hiểu biết về nguy cơ này càng lan rộng với nghiên cứu năm 1998 liên quan đến 53 cầu thủ chuyên nghiệp ở Hà Lan cho thấy “thể hiện về trí nhớ, lập kế hoạch… có tỷ lệ nghịch với số lần bị choáng khi thi đấu bóng đá và thường xuyên đánh đầu”. Đến năm 1999, nghiên cứu liên quan tới 33 cầu thủ nghiệp dư Hà Lan cho thấy có dấu hiệu giảm trí nhớ và lên kế hoạch kém nếu đánh đầu nhiều. Còn trong nghiên cứu năm 2003 về 60 cầu thủ ở Florida từ 18-29 tuổi, kết luận cho biết những cầu thủ thường đánh đầu đều có dấu hiệu bị… tưng tửng. Sau đó, nghiên cứu trên 10 cầu thủ bóng đá học đường năm 2007 khẳng định cu cậu nào càng khoái đánh đầu thì càng giảm khả năng sáng tạo.