Khủng bố sân Stade de France: "Bom hẹn giờ” tại các SVĐ
Hiện IS - Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng - được nhiều quốc gia nhận diện là “tổ chức khủng bố”, đã nhận trách nhiệm vụ tấn công man rợ ở Paris, trong đó có vụ đánh bom hụt sân , nơi diễn ra trận giao hữu Pháp - Đức và có sự tham dự của Tổng thống Francois Hollande. Còn nhớ cách đây gần 1 năm rưỡi, IS từng tuyên bố sẽ “san phẳng World Cup 2022” nếu Qatar không hủy đăng cai giải đấu.
Khi đó, tờ Al-Watan của Ai Cập đã đăng nguyên thông điệp mà IS gửi tới Chủ tịch FIFA, Sepp Blatter, cảnh báo về việc sẽ cho “nổ tung World Cup 2022”. Thậm chí, những kẻ khủng bố khẳng định sẽ dùng … tên lửa hành trình Scud tấn công các SVĐ nơi diễn ra các trận đấu tại Qatar 2022. Chưa biết những lời hăm dọa khủng bố như trên xác thực đến đâu. Nhưng với những gì vừa xảy ra ở Paris, chắc chắn an ninh cho EURO năm sau sẽ ở trong mức cảnh báo cao nhất.
Và càng khó mường tượng ra những cấp độ hệ thống an ninh dày đặc cũng như chi phí đắt đỏ vận hành nó chỉ để đảm bảo an toàn cho ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh tại Qatar sau đây 7 năm. Chẳng nhẽ, ngoài lực lượng cảnh sát bảo vệ vòng trong vòng ngoài xung quanh các SVĐ, khu Fanzone, trung tâm thành phố, nhà ga, sân bay, hay trực thăng chiến đấu quần thảo trên trời, phải cần tới những hệ thống tên lửa đánh chặn tối tân được bố trí quanh các sân bóng. Như thế, đi xem bóng đá đâu còn là tận hưởng niềm vui, tinh thần thể thao đúng nghĩa mà khác nào dấn thân vào… trận địa.Tất nhiên, từ giờ đến Qatar 2022 là hành trình dài, nhưng vụ đánh bom hụt ở Stade de France có thể xem như lời cảnh báo cho những sân bóng trên khắp châu Âu, đặc biệt là những sân bóng lớn thường được chọn làm địa điểm thi đấu cho các ĐTQG hay sân nhà của CLB lớn. Có thể kể ra ở đây như các sân Bernabeu, Nou Camp ở TBN, Amsterdam ArenA tại Hà Lan, Olympia, Allianz Arena, Signal Iduna Park ở Đức, Olympico, San Siro tại Italia hoặc Wembley ở Anh.
Được biết, sân Roi Baudoin, nơi diễn ra trận giao hữu giữa Bỉ và TBN rạng sáng mai đã được đặt trong tình trạng an ninh nghiêm nhất, còn hơn cả thời điểm Bỉ tổ chức EURO 2000. Tại Đức, để đảm bảo an toàn cho sự hiện diện của Thủ tướng Angela Merkel khi dự khán trận Đức - Hà Lan, an ninh được chia làm nhiều vòng quanh sân Hannover. Và đặc biệt, ở Wembley, CĐV được khuyến cáo đến sớm để trải qua các vòng kiểm tra an ninh gắt gao, khi Tuyển Anh đón tiếp những tuyển thủ Pháp vừa trải qua thời khắc tồi tệ vì phải chứng kiến vụ khủng bố ở quê nhà.
Khi an ninh được siết chặt chưa từng thấy, gần như không thể có chuyện khủng bố ôm bom tiến sát tới các SVĐ, giống như ở Stade de France, trong loạt trận ĐTQG rạng sáng mai. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu tình trạng đảm bảo an ninh như thế có thể duy trì liên tục trong bao lâu, vì chi phí tốn kém, và đâu phải ngoài các SVĐ lớn hay ĐTQG mà mỗi tuần có hằng nghìn trận đấu lớn nhỏ cấp CLB diễn ra ở rất nhiều sân bóng trải khắp châu Âu, với các sức chứa khác nhau, bé thì cũng vài nghìn khán giả và lớn có thể lên tới 7-8 vạn người?
Lời cảnh báo rằng bóng đá nói riêng và thể thao nói chung sẽ trở thành mục tiêu tấn công của những khủng bố hồi giáo thực tế đã lần đầu tiên xuất hiện vào ngày 19/03 năm ngoái. Khi đó, tạp chí online có tên “Inspire” của tổ chức khủng bố Al Qaeda đã nhận diện các mục tiêu tấn công mới, trong đó có các sự kiện thể thao. Chỉ 4 ngày sau đó, một thông tin gây sốc được hé lộ đó là những kẻ khủng bố đã nhắm đến “một số trận đấu tại Premier League cũng như vài sự kiện thể thao có sự tham dự của cả Nữ hoàng Anh”.
Còn vụ đánh bom tự sát khiến 31 người thiệt mạng ở một SVĐ tại Iraq vào cuối tháng 4/2014 là lần đầu tiên ghi nhận hiểm họa khủng bố đối với thế giới bóng đá. Và với những gì mới xảy ra ở Stade de France, giờ bóng đá phải đối mặt với thực tế, những kẻ khủng bố man rợ sẵn sàng đặt bom ở những sân bóng và hàng nghìn CĐV vô tội có thể thiệt mạng dù họ chỉ đơn giản đến sân để thỏa niềm đam mê cũng như cháy hết mình với tình yêu bóng đá.
Rõ ràng, không thể biến các sân bóng thành những boong-ke để đối phó với những kẻ khủng bố, bởi như thế chẳng khác nào quẳng những trận đấu vào trận địa ngột ngạt. Và thực tế càng không thể biến tất cả những sân bóng, dù chỉ tầm trung trở lên xét về sức chứa, thành những lô cốt bất khả xâm phạm. Vấn đề an ninh cho các SVĐ và CĐV cần sự giải quyết từ gốc rễ, ở quy mộ rộng hơn là khía cánh thể thao nói chung. Đó giờ không còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân bóng đá nữa...
Cuối tháng 4 vừa qua Hãng CNN đã phát một phóng sự điều tra có nhan đề: “Cách thức IS kiểm soát cuộc sống, từ chuyện sinh đẻ cho tới bóng đá”. Trong đó các chuyên gia nhận định, đã đến lúc phải có sự chuẩn bị về mặt tâm lý trước những khả năng thảm họa khủng bố tấn công vào bóng đá.
Chi phí dành cho công tác an ninh của một trận đấu ở Stade de France, ví như trận giao hữu Pháp - Đức vừa qua, tốn khoảng 120.000-140.000 euro và dự kiến ở EURO năm sau con số này có thể tăng gấp... 10 lần. Tất nhiên doanh thu từ các nguồn khác như tiền vé, quảng cáo... thừa sức bù đắp ở một trận giao hữu như thế. Nhưng ở cấp CLB là vấn đề không nhỏ. Hiện ở Premier League bình quân mỗi CLB phải chi trả hàng trăm nghìn, thậm chí cả triệu bảng/mùa giải cho lực lượng cảnh sát địa phương để họ hỗ trợ bảo vệ an ninh cho các trận đấu diễn ra trên sân nhà. Còn tại Italia, năm ngoái đạo luật mới về an ninh cho các SVĐ được chính quyền thông qua. Nó buộc các CLB phải chi trả thêm tiền cho cảnh sát làm nhiệm vụ ở các sân. Khi đó các đội bóng kêu trời vì trong tình cảnh tài chính eo hẹp, phải cõng thêm chi phí có thể khiến họ phá sản.