Phía sau thành công của Sevilla (Kỳ 1): Monchi - Khổng Minh Gia Cát của Sevilla
Dani Alves, Freddie Kanoute, Luis Fabiano, Julio Baptista, Enzo Maresca, Sergio Ramos, Antonio Reyes, Andres Palop, Adriano, Renato, Gary Medel, Geoffrey Kondogbia, Jesus Navas, Alvaro Negredo, Seydou Keita, Diego Perotti, Alberto Moreno, Carlos Bacca, Diego Lopez, Aleix Vidal và Ivan Rakitic. Đến từ rất nhiều quốc gia, nhưng điểm chung giữa họ là đã từng chơi cho Sevilla ít nhất một lần trong sự nghiệp.
Và thêm một điểm chung, những cái tên kể trên từ vô danh nay đã trở thành siêu sao đều nhờ bàn tay của một người, đó là Ramon Rodriguez Verdejo, hay vẫn được gọi bằng cái tên thân mật Monchi, và được xem là bộ não phía sau những thành công vang dội của Sevilla. Vậy, hãy xem Monchi đã làm được những gì.
Mùa 1999/00 là một mùa giải kỳ lạ của La Liga. Deportivo vượt qua Barcelona để lên ngôi vô địch, Real Madrid chỉ cán đích ở vị trí thứ 5 và ba trong số những đội bóng nhẵn mặt với sân chơi này là Betis, Atletico và Sevilla cùng dắt tay nhau xuống hạng. Đó là mùa giải thảm họa với Sevilla khi họ biết mình sẽ phải chơi tại Segunda B trước 3 vòng đấu.
Thực ra, thời điểm đó Sevilla cũng chắc khác nào kẻ "sống mòn" tại La Liga khi chỉ vừa mới trở lại hạng đấu cao nhất Tây Ban Nha sau khi xuống hạng cách đó 3 năm. Điều đó khiến giới chủ của CLB vô cùng hoang mang và quyết định đi một nước cờ mạo hiểm khi bổ nhiệm Monchi vào vị trí Giám đốc thể thao.
Là cựu thủ môn của chính Sevilla trong suốt thập niên 90 của thế kỷ trước, Monchi nhìn ngay ra được vấn đề của đội bóng và quyết tâm tạo ra một cuộc cải tổ mạnh mẽ, bắt đầu bằng việc thay vì chiêu mộ những ngôi sao đã thành danh như Davor Suker hay Diego Simeone sang chú trọng vào công tác đào tạo trẻ cũng như đầu tư mạnh cho đội ngũ săn lùng tài năng trên toàn thế giới.
Sự thay đổi trong cách làm của đội bóng dưới bàn tay chỉ đạo của Monchi mang đến thành công tức thì. Chỉ sau đúng một mùa giải phải chơi tại Segunda B, Sevilla thăng hạng ngay mùa sau đó với vị trí trong Top 8. Từ đó đến nay, Sevilla chưa bao giờ nằm ngoài nửa trên của BXH La Liga khi kết thúc mùa giải. Còn tính riêng trong một thập kỷ qua, chỉ có đúng 2 mùa Sevilla không có tên trong Top 5. Cùng thời gian đó, phòng truyền thống của CLB có thêm 8 danh hiệu lớn nhỏ, trong đó có 4 chiếc cúp UEFA Cup/Europa League và 1 Siêu cúp châu Âu. Nên biết, Sevilla đã hoàn toàn trắng tay kể từ khi giành được cúp nhà Vua năm 1948!
Nói qua một chút về những thương vụ đình đám do Monchi "đạo diễn". Hè 2004, Antonio Reyes sang Arsenal với giá 20 triệu euro. Một năm sau, Sergio Ramos gia nhập Real Madrid với giá 27 triệu euro. Sau đó, Jesus Navas và Alberto Moreno lần lượt cập bến nước Anh với tổng trị giá 38 triệu euro. Tính ra, Sevilla đã thu lời tới 85 triệu euro chỉ riêng việc bán 4 cầu thủ theo diện "cây nhà lá vườn" này. Còn nếu gộp cả những thương vụ chuyển nhượng của Dani Alves, Julio Baptista và mới đây là Ivan Rakitic và Carlos Bacca, số tiền lãi mà Sevilla thu về gần đạt đến con số 300 triệu euro. Nếu so sánh với doanh thu hàng năm của CLB chỉ khoảng 100 triệu euro thì mới thấy con số này lớn đến chừng nào. Trung bình, mỗi mùa Sevilla chi 24 triệu euro euro vào thị trường chuyển nhượng và thu về số tiền lên tới 33,8 triệu euro.
Những thương vụ nổi tiếng của Sevilla dưới thời Monchi (đơn vị: triệu euro):
Dani Alves: Mua 0,5 bán 35,5 (lãi gấp 70 lần)
Geoffrey Kondogbia: Mua 4 bán 31 (lãi gấp 8 lần)
Carlos Bacca: Mua 7 bán 30 (lãi gấp 4 lần)
Ivan Rakitic: Mua 2,5 bán 18 (lãi gấp 7 lần)
Julio Baptista: Mua 3,5 bán 20 (lãi gấp 6 lần)
Aleix Vidal: Mua 2,5 bán 17 (lãi gấp 5 lần)
Adriano: Mua 2,1 bán 9,5 (lãi gấp 5 lần)
Người ta đặt ra câu hỏi, tại sao Sevilla cứ qua mỗi mùa lại "bán máu" mà họ vẫn sống khỏe như vậy. Câu trả lời đó là Monchi và những người trợ lý đắc lực của ông tập trung vào những thị trường ít nổi tiếng hơn nhưng lại không thiếu những tài năng. Reyes ra đi, Sevilla lập tức mang về Adriano, cầu thủ của Barcelona hiện tại. Ramos đến Real, Sevilla thay thế bằng Julien Escude. Hay như sự chia tay của Dani Alves là sự xuất hiện của Sebastien Squillaci, người mà sau đó lại được Sevilla bán cho Arsenal.
Tuy nhiên, không phải kể từ khi Monchi lên nắm quyền, Sevilla lúc nào cũng gặt hái được những thành công trên cả thương trường lẫn sân cỏ. Đã từng có thời điểm, sau khi chia tay một loạt những hảo thủ như Kanoute, Fabiano, Adriano, Palop và mất mát rất lớn đến từ sự ra đi của cầu thủ đầy tài năng Antonio Puerta cộng thêm việc phải gánh những khoản nợ rất lớn từ ngân hàng, Monchi không còn sự lựa chọn nào buộc phải "bán lúa non" và đánh đổi bằng thành tích sa sút.
Nhưng chỉ một vài thời điểm khó khăn không thể đánh gục được Monchi cũng như Sevilla. Sau khi tình hình tài chính dần đi vào ổn định cùng với những điều chỉnh rất kịp thời, Sevilla lại bắt đầu gặt hái được những vinh quang.
Đã từng có một giai thoại như thế này. Vung tiền tấn để mang về David Beckham, Michael Owen, Robinho, Gonzalo Higuain và Marcelo nhưng thành tích lại không tương xứng, BLĐ Real Madrid, đứng đầu là Chủ tịch Florentino Perez mới nhận ra được tầm quan trọng của việc phải có một người có tầm nhìn chiến lược tài ba mới giúp đội bóng thành công. Và thế là Real quay sang ve vãn Monchi. Khi đó, tưởng như Real đã lôi kéo được Monchi khỏi sân Sanchez Pizjuan, nhưng các CĐV Sevilla sẽ phải cảm ơn thượng đế vì cuối cùng Monchi đã quyết định ở lại.
Kỳ chuyển nhượng Hè 2015 vừa qua, Monchi lại giúp Sevilla thắng lớn khi có được sự phục vụ của Michael Krohn-Dehli, Evgen Konoplyanka và Fernando Llorente mà chẳng mất một xu.
Và cũng chính Monchi là người có tiếng nói quyết định trong vụ Sevilla "bốc" HLV Unai Emery về Tây Ban Nha từ nước Nga năm 2013.