Quyền lực của địa lý trong bóng đá (Kỳ 2): Khi bờ biển là thiên đường bóng đá
Sự vượt trội của những vùng ven biển
Như đã nói ở kỳ trước, một vị trí gần bờ biển là lợi thế rất lớn đối với việc phát triển bóng đá dù là ở bình diện quốc gia hay CLB, đặc biệt là ở những khu vực bên ngoài Tây Âu. Tây Âu là nơi có mạng lưới giao thông đường bộ phát triển nhất thế giới, vượt qua cả Bắc Mỹ (vốn tương đối kém trong giao thông đường sắt) và ngay cả khi không nằm giáp biển thì các đất nước như Thuỵ Sĩ hay Áo cũng không gặp quá nhiều bất lợi trong giao thông và trao đổi thông tin. Trên thực tế, bóng đá đã du nhập vào Áo hay Thuỵ Sĩ ngay từ cuối thế kỷ 19, tức cũng không chậm hơn là bao so với Pháp, Đức hay Italia.
Tuy nhiên không phải nơi nào cũng có được điều kiện giao thông thuận lợi như thế, và kể cả ở những nước công nghiệp phát triển như Mỹ hay Australia thì các khu vực gần biển vẫn có trình độ phát triển bóng đá cao hơn rất nhiều so với những vùng nằm sâu trong lục địa. Phần lớn các CLB tham dự giải MLS nằm ở hai dải bờ biển phía Đông và Tây của Mỹ, trong khi tất cả các đội bóng góp mặt tại giải VĐQG Australia đều toạ lạc ở các tiểu bang giáp biển phía Nam. Tại tiểu lục địa Ấn Độ thì cũng chỉ có 2 đội bóng tham chiến ở Indian Super League (Delhi Dynamos và North East United) là nằm tại các bang không giáp biển.
Ngay cả tại một vương quốc bóng đá như Brazil, nơi bóng đá gần như đã trở thành một tôn giáo và được phổ biến đến khắp mọi người, mọi nhà thì các bang phía Nam và Đông Nam giáp Đại Tây Dương vẫn là nơi có mật độ cầu thủ và CLB dày đặc nhất.
Chúng ta đã quá quen với hình ảnh các cầu thủ nhí Brazil chơi bóng trong các khu ổ chuột ở Rio de Janeiro, trên đường phố Sao Paulo hay bên bãi biển Copacabana, nhưng tại những khu vực miền Trung và Bắc thì bóng đá gần như là con số không tròn trĩnh. Đơn cử, toàn bộ vùng phía Bắc Brazil rộng lớn với diện tích lên đến gần 4 triệu km2 cũng không đóng góp nổi một CLB nào chinh chiến tại Brasileirao 2015, và nếu không phải nhờ World Cup 2014 (có một số trận đấu được tổ chức tại Manaus, thủ phủ bang Amazonas) thì có lẽ bóng đá sẽ vẫn còn là thứ gì đó rất xa vời với vùng đất được phủ kín bởi rừng rậm Amazon này.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Argentina, khi vùng đại đô thị Buenos Aires (bao gồm tỉnh Buenos Aires và thành phố trùng tên) là nơi đóng trụ sở của hơn 1/2 số CLB tham gia tranh tài tại Primera Division cho dù nó chỉ chiếm khoảng 11% diện tích toàn quốc, trong khi cả 3 vùng tiếp giáp dãy núi Andes là Tây Bắc, Cuyo và Patagonia chỉ có tổng cộng 2 CLB tham dự giải VĐQG.
Nhiều tiền, nhiều thông tin
Lời giải thích đơn giản nhất cho sự vượt trội trong bóng đá của những khu vực gần biển là vì họ giàu có. Biển chính là một con đường giao thông tự nhiên và hoạt động giao thương tấp nập đã khiến cho các hải cảng lớn như New York, Los Angeles, Sydney, Buenos Aires hay Santos trở nên thịnh vượng hơn hẳn so với phần còn lại của đất nước họ. Cho dù bóng đá về cơ bản vẫn là môn thể thao của giai cấp lao động và không đòi hỏi chi phí quá cao đối với người chơi, nhưng để tổ chức và phát triển các CLB bóng đá một cách bài bản thì vẫn cần phải đầu tư khá nhiều tiền cho sân bãi, trang thiết bị…. và tất nhiên là điều này sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều đối với các thành phố lớn vốn luôn rủng rỉnh tiền.
Một phần vì các nhà khoa học Tây Âu có thể trao đổi thông tin, ý tưởng với nhau một cách rất dễ dàng (các lá thư có thể vượt qua eo biển Anh chỉ sau vài ngày) mà cuộc cách mạng khoa học đã khởi phát từ đây vào thế kỷ 16-17 và đó chính là nguồn gốc cho sự giàu có, thịnh vượng của Tây Âu về sau.
Các ý tưởng trong bóng đá cũng được truyền đi nhanh không kém: Arrigo Sacchi từng đi theo phụ thân, một ông chủ kinh doanh giày dép, đến Hà Lan, Đức, Pháp và các trận bóng đá mà ông theo dõi ở đó đã làm “mở mang đầu óc tôi” – như chính Sacchi thừa nhận. Arsene Wenger lớn lên ở Alsace, gần biên giới Đức, trở thành fan của Borussia Moenchengladbach và thường xuyên nghiên cứu chiến thuật của bóng đá Đức hay Hà Lan. Mỗi trường phái bóng đá có một nét đặc sắc riêng, nhưng nếu bạn sống ở Tây Âu – nơi giao thông cực kỳ thuận tiện – thì sẽ rất dễ dàng để học hỏi và chắt lọc tinh hoa của mọi nền bóng đá.
Lợi thế của việc trao đổi thông tin trong bóng đá được thể hiện rõ ràng nhất qua trường hợp của Anh và TBN: Anh là nơi khai sinh ra bóng đá hiện đại, giàu có và cũng đông dân hơn so với TBN nhưng lại thua kém rất xa về thành tích trên trường quốc tế. Lý do là vì hòn đảo Anh nằm ở vị trí khá tách biệt so với lục địa châu Âu và gặp nhiều bất lợi trong trao đổi thông tin (cho đến trước những năm 1990), còn TBN đã được hưởng lợi rất lớn từ sự hiện diện của Johan Cruyff và tư duy bóng đá tổng lực kiểu Hà Lan – nền tảng cho thành công của Barcelona và lối chơi tiki-taka.
Quá trình tương tự cũng đã diễn ra ở Brazil, Argentina hay Australia và khiến cho Sao Paulo, Rio de Janeiro, Buenos Aires hay New South Wales trở thành những vùng đất đầu tiên được tiếp nhận tri thức bóng đá từ châu Âu lục địa, đồng nghĩa với sự áp đảo của họ trong làng túc cầu nội địa về sau này…
QUANG HẢI
Trong thời đại mà bóng đá bị thương mại hoá một cách cao độ như hiện nay thì việc các tỷ phú đầu tư vào một CLB bóng đá nào đó để biến nó thành “đại gia” không phải là chuyện gì xa lạ, tuy nhiên rất ít người muốn rót vốn vào một đội bóng nằm ở “vùng sâu vùng xa”. Roman Abramovich từng quyết định mua lại Chelsea đơn giản vì đó là CLB nằm gần dinh thự của ông (ở Eaton Square) nhất, hoặc Dmitry Rybolovlev dốc tiền vào Monaco một phần cũng vì ông này sở hữu một căn penthouse ở Monte Carlo. Ngoại trừ trường hợp của Man City, hầu như không có CLB nào nằm ở một thành phố thuộc dạng kém hấp dẫn với giới nhà giàu (cuộc sống ở Manchester nhìn chung là tương đối buồn chán, đặc biệt là trong tương quan so sánh với London) lại thành công trong việc thu hút đầu tư từ giới tài phiệt. Không phải ngẫu nhiên mà hai gã nhà giàu của MLS – New York FC (mới ký HĐ với Villa, Lampard, Pirlo) và Los Angeles Galaxy (từng chiêu mộ Beckham, giờ đang sở hữu Gerrard, Robbie Keane, Giovani dos Santos) – đều toạ lạc ở những thành phố toàn cầu. Vì thế mà những thành phố hay khu vực xa biển (vốn thường nghèo hơn những vùng giáp biển) sẽ rất khó có cơ hội xuất hiện trên bản đồ bóng đá toàn cầu, nhất là ở những nơi ngoài châu Âu.
Việc nằm trên bờ biển không chỉ giúp các thành phố hay khu vực trở nên giàu có hơn, dễ dàng hoà nhập vào mạng lưới trao đổi thông tin toàn cầu hơn mà còn tạo điều kiện thuận lợi về khí hậu, địa hình cho bóng đá. Sự tồn tại của biển xung quanh đó có tác dụng như một chiếc “điều hoà nhiệt độ” khổng lồ và giúp cho nhiệt độ ở những vùng đất này ổn định hơn, phù hợp hơn với việc chơi bóng. Đơn cử, ở trung tâm của lục địa Bắc Mỹ hay Australia là những sa mạc lớn, khô cằn, nơi mà con người thậm chí còn không sinh sống nổi chứ đừng nói là chơi thể thao. Những nơi gần biển cũng thường có địa hình bằng phẳng và việc khởi công xây dựng một sân bóng là đơn giản hơn rất nhiều so với các khu vực rừng núi xa xôi.