Sepp Blatter: Một cuộc đời đầy rẫy biến cố
“Tôi đã nói với ông ấy: Tại sao ông phải làm thế này? Ông không cần phải làm vậy. Ông có thể kết thúc sự nghiệp và sống một cuộc sống tốt,” Mark Pieth, một giáo sư luật, nhớ lại một trong những cuộc trò chuyện gần đây của ông với Sepp Blatter. “Tôi muốn đi bằng cửa trước”, Blatter trả lời, “và để lại một ngôi nhà sạch sẽ”. Có điều, liệu Blatter có đạt được cả hai mong muốn hay không lại là một chuyện khác.
Một điều chắc chắn là Blatter đã theo đuổi những mong muốn của ông trong 17 năm qua ở vai trò của một vị Chủ tịch FIFA và là 40 năm kể từ khi ông bước vào ngôi nhà FIFA. Nhiều người đã tự hỏi làm thế nào Blatter có thể trụ vững lâu đến vậy trên đỉnh cao quyền lực, câu trả lời “FIFA là cuộc đời tôi… Những gì có ý nghĩa nhất đối với tôi là FIFA và bóng đá thế giới” chắc chắn xuất phát từ những cảm xúc thật của người đàn ông đã 79 tuổi và dành gần như cả cuộc đời của mình cho bóng đá.
Blatter sinh năm 1936 trong một gia đình tầng lớp lao động ở một thị trấn nhỏ nói tiếng Đức của Thụy Sỹ là Visp. Ông từng là một cầu thủ trẻ đầy hứa hẹn, thi đấu cho FC Visp ở giải vô địch Thụy Sỹ. Điều thú vị là trong một đoạn hồ sơ từ những ngày Blatter còn là cầu thủ trong tạp chí hàng tuần của FIFA, ông được mô tả là một “tiền đạo nguy hiểm” và có nickname là “Uwe Seeler của vùng Valais Thượng” để so sánh với tiền đạo của Tây Đức lúc đó.
Ngoài ra, hồ sơ cũng ghi rõ năm 1956, Blatter đã giành chức vô địch điền kinh của Valais sau khi ông chạy 100m hết 11,7 giây.
Tuy vậy, nếu bóng đá thế giới có thể mất đi một cầu thủ giỏi, tất cả có lẽ cũng sẽ thừa nhận rằng, thật may là sự nghiệp của Blatter đã rẽ sang một hướng khác. Sau rất nhiều công việc liên quan đến quản lý, trong đó có thời gian ông giữ chức Tổng thư ký Liên đoàn hockey trên băng Thụy Sỹ hay làm việc ở công ty Longines, Blatter gia nhập FIFA năm 1975.
Vào thời điểm đó, FIFA rất nhỏ bé. Stanley Rous, cựu Chủ tịch người Anh vừa từ chức, được thay thế bằng một Chủ tịch đầu tiên không phải là người châu Âu, cựu VĐV bơi lội người Brazil là Joao Havelange. Khi đấy, FIFA chỉ có 11 nhân viên, Blatter là người thứ 12, và có một trụ sở khiêm tốn ở Zurich. Cũng như không có cả tiền.
Vấn đề là Havelange đã thuê Blatter để ký những hợp đồng tiếp thị đầu tiên và tạo ra những dự án phát triển đầu tiên.
6 năm sau, Blatter thay thế Helmut Kaser giữ chức Tổng thư kí và ông bắt đầu từng bước xây dựng một bệ đỡ vững chắc cho tham vọng nắm quyền sau này: biến FIFA thành mỏ vàng và giảm sự phụ thuộc vào châu Âu.
Không có gì ngạc nhiên khi trong 40 năm qua, Blatter đã thúc đẩy bóng đá phát triển ở Nga, Trung Quốc, từ Colombia tới Việt Nam, từ Ethiopia tới Panama. 40 năm trước, FIFA chỉ có 144 thành viên thì nay, con số này là 209. Mỗi liên đoàn đều có quyền bỏ phiếu như nhau, nghĩa là đảo Cook (với sân số 11.000 người) và Trung Quốc (dân số 1,4 tỷ người) bình đẳng ở FIFA.
Nói như Jerome Champagne, cựu cố vấn của Blatter, “nếu anh giúp một quốc gia trong 40 năm, tình thân và niềm tin sẽ được củng cố”. Và cả sự trung thành nữa.
Phần nào thì tất cả cũng hiểu được tại sao, Blatter không dễ dàng từ bỏ ngôi nhà ông đã xây dựng bằng 18 tiếng làm việc mỗi ngày trong 40 năm qua và sẽ hiểu ngay rằng vì sao ông lại muốn đi bằng cửa chính…
5,7 tỷ USD là doanh thu của FIFA trong 4 năm tính tới World Cup 2014, trong đó có 2,6 tỷ USD lợi nhuận thu được từ World Cup 2014.
MẠNH HÀO