Steven Gerrard: Người thủ lĩnh không có duyên với danh hiệu (Kỳ 2)
Chủ nhật cuối cùng của tháng 11, năm 1998. Vòng 15 Premier League, Liverpool tiếp đón Blackburn. Phút 90, chủ nhà đang dẫn 2-0 do công của Paul Ince và Michael Owen. HLV Gerard Houllier sau khi bàn bạc với các phụ tá, quyết định cho 1 cầu thủ trẻ có cơ hội thử lửa. Chàng trai được chọn thế chỗ Veggard Heggem sở hữu vóc dáng gầy gò, thậm chí là như đang bơi trong chiếc áo đỏ. Nhận được sự động viên của trợ lý Phil Thompson, khuôn mặt búng ra sữa vẫn hiện rõ nét căng thẳng đến tột độ, trước sức ép từ hơn 41.000 khán giả trên sân Anfield. Anh đeo áo số 28, với cái tên vẫn còn lạ lẫm Gerrard.
Suốt thời gian được đào tạo tại Học viện cho tới cả khi đã lên đội lớn, chưa một ai từng nghi ngờ về khả năng Gerrard sẽ trở thành ngôi sao sáng trong tương lai. Tuy vậy, có lẽ cũng chẳng ai mường tượng được 17 năm của anh cho Liverpool lại đáng nhớ và huy hoàng đến thế.
Lật giở những câu chuyện cuộc đời của Steven Gerrard, không ít người sẽ liên tưởng đến Tsubasa – nhân vật truyện tranh nổi danh toàn thế giới. Từ lần đầu tiên chơi bóng cùng đám bạn cùng trang lứa ở cạnh nhà, được tin tưởng trở thành đội trưởng và có vinh dự nâng cao những chiếc cúp, cho đến khi ghi được những bàn thắng vô cùng trọng đại và rất khó tin, để rồi trở thành biểu tượng bất tử của đội bóng quê hương.
Từng giây từng phút trong giấc mơ đẹp tuyệt vời đó, Gerrard đã sống và tận hưởng nó. Từ ngày còn là chú nhóc ở khu Huyton, nơi mọi cậu bé đều tưởng tượng mình là Kenny Daglish vĩ đại, tới lúc trở thành đấng cứu thế giúp Liverpool vô địch châu Âu lần thứ 5, bất cứ ai cũng sẽ đều phải ngả mũ kính phục Steven Gerrard.
Và những thời điểm khác nhau, mỗi người trong số chúng ta may mắn được trở thành chứng nhân lịch sử trong chuyến hành trình kỳ diệu đó của Gerrard.
Tấm băng đội trưởng
Đó có lẽ là quyết định táo bạo nhất trong toàn bộ sự nghiệp của HLV Gerard Houllier. Chiến lược gia người Pháp đặt vào tay Gerrard chiếc băng thủ quân, khi đó anh mới 23 tuổi – người mà theo ông là một nhà lãnh đạo bẩm sinh.
Trả lời phỏng vấn, Gerrard không giấu được niềm vui: “Tôi rất bất ngờ khi mình được lựa chọn. Huấn luyện viên luôn nói, ngày nào đó tôi sẽ là đội trưởng của Liverpool nhưng không thể tin được là chuyện lại đến sớm như vậy. Tôi phải nói mình vui sướng không thể tả nổi. Khi nhận trách nhiệm lớn lao này, tôi nghĩ nó sẽ tác động tích cực lên lối chơi của tôi. Tôi hài lòng với phong độ hiện tại, nhưng trong tương lai tôi hy vọng, với tấm băng thủ quân trên tay sẽ giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Từ khi lên đội 1, tôi nghĩ mình đã chơi chín chắn hơn và hiện tại tôi vẫn đang muốn tìm kiếm những thử thách mới. Tôi muốn vươn mình thành cầu thủ đẳng cấp thế giới – điều tôi chưa làm được và hy vọng chiếc băng đội trưởng sẽ giúp tôi đạt được tham vọng đó. Những tiền bối như Alan Hansen, Phil Thompson, Graeme Souness hay John Barnes cho thấy họ rất xứng đáng với tấm băng này, và đã cùng Liverpool giành được rất nhiều danh hiệu. Hy vọng, tôi có thể tiếp bước họ và đưa Liverpool đến đỉnh cao.
Niềm cảm hứng của Steven Gerrard được bắt nguồn từ ông Houllier và đó sẽ luôn là cột mốc quan trọng trong cuộc đời của anh.
TÌnh yêu bất diệt với Liverpool
Los Angeles Galaxy mới chỉ là đội bóng thứ 2 Gerrard thi đấu trong sự nghiệp, nhưng gần 1 thập kỷ trước đó anh đã bước 1 chân ra khỏi vùng Merseyside. Tuy nhiên, tình yêu Gerrard dành cho Liverpool là điều chưa bao giờ khiến ai hoài nghi. Hè 2005, trang chủ của Liverpool chính thức thông báo đội trưởng của họ sắp ra đi, vì những rắc rối liên quan đến quá trình gia hạn hợp đồng. Điểm đến của Gerrard nhiều khả năng là Real Madrid, nơi những “quần hùng” Ronaldo, Figo, Zidane, Beckham, Raul và cả Owen đang tụ hội. Thế nhưng, chỉ 1 ngày sau chính Gerrard đăng đàn gửi thông điệp đến người hâm mộ: anh muốn được tiếp tục gắn bó với đội bóng. Chỉ trong 24h ngắn ngủi, tâm trạng của CĐV Liverpool đi từ tuyệt vọng sang vỡ oà trong sung sướng.
Anh thổ lộ: “Tôi đã phải trằn trọc suốt đêm và cho đến sáng, quyết định của tôi là không muốn rời khỏi nơi đây. Tôi quá yêu Liverpool. Đây không chỉ là CLB mà còn là nhà của tôi nữa. Trái tim tôi đập cùng nhịp với Liverpool. Tôi không cần phải nói điều đó cho ai hết, ai hiểu tôi đều biết tâm tư tình cảm của tôi. Đơn giản là vì tôi không thể rời đội bóng này, còn nếu phải ra đi thì là do miễn cưỡng tôi phải làm vậy.”
HLV Jose Mourinho có câu nói rất nổi tiếng: “Khi dẫn dắt Chelsea, Inter và cả Real tôi rất muốn mua được cậu ấy nhưng đều không thành công – Steven luôn là một trong những đối thủ đáng trân trọng nhất.”
Những chiếc cúp
“Thứ quan trọng nhất trong sự nghiệp của bạn là những chức vô địch bạn từng có được. Còn những chiếc cúp bạn không giành được – cũng không thể định nghĩa con người bạn.” – King Kenny
League Cup 2001 là danh hiệu đầu tiên Gerrard giành được cùng Liverpool. Chức vô địch đó nằm trong chiến tích ăn 3 – thành tích chưa từng có trong lịch sử của CLB, bên cạnh FA Cup và UEFA Cup. Liverpool còn vô địch League Cup vào năm 2003, sau khi đả bại Man Utd trong trận chung kết với 1 bàn của Gerrard. Nhưng sẽ thật thiếu sót nếu nhắc đến Steven Gerrard, mà lại bỏ qua 2 trận chung kết có thể coi là để đời của anh: UEFA Champions League 2004/05 và FA Cup 2005/06
Hai hàm răng nghiến chặt, mạch máu chạy rần rật và trái tim như muốn nhảy tung khỏi lồng ngực, Steven Gerrard kéo tấm băng đội trưởng lên. Anh muốn xốc lại tinh thần cho các đồng đội và đốc thúc họ phải giữ vững niềm tin. Gerrard đã tin và các chiến binh Liverpool xung quanh anh cũng vậy. Sáu phút hiệp 2 trận chung kết tại Thổ Nhĩ Kỳ thực sự điên rồ. Cú lắc đầu điệu nghệ của Gerrard thu ngắn cách biệt xuống còn 2 bàn, và quan trọng hơn đã thắp lên ngọn lửa hy vọng tưởng như đã bị chôn vùi sau nửa đầu trận đấu bị coi là thảm hoạ. Khoảnh khắc đó cũng đưa Liverpool từ cõi chết trở về, đồng thời đẩy Milan vào tình cảnh “sống trong sợ hãi”.
Trận đấu vĩ đại nhất trong lịch sử Champions League, có lẽ cũng là đêm đẹp nhất trong 123 năm tồn tại của Liverpool. Thời khắc Jerzy Dudek đẩy được cú penalty của Shevchenko, các cầu thủ Milan đã gục xuống, Pirlo thậm chí đã muốn từ bỏ bóng đá. Tất cả những mỹ từ đẹp nhất: tuyệt vời, đáng kinh ngạc, ngoạn mục, phi thường, lạnh xương sống hay rợn tóc gáy… đều được dành tặng cho đoàn quân của ông Rafa Benitez. Nhưng bản thân chiếc lược gia Tây Ban Nha cũng thừa nhận: “Đêm Istanbul huyền diệu sẽ không bao giờ thành hiện thực nếu không có Gerrard.”
Và chỉ 12 tháng sau, Gerrard lại biến trận chung kết khác thành sân khấu của riêng mình – trận đấu được coi là kịch tính nhất trong lịch sử FA Cup. Cặp đôi Jamie Carragher và Jerzy Dudek trở thành trò hề và giúp West Ham dẫn 2-0. Tuy nhiên trước giờ nghỉ, Gerrard đặt dấu ấn với cú phất dài chuẩn từng mm để Cisse gỡ lại 1 bàn. Đầu hiệp 2, chính anh vung chân như búa bổ trong vòng cấm tung nóc lưới Shaka Hislop. Tưởng như, The Hammers đã nắm phần thắng trong tay khi dẫn 3-2 lúc trận đấu chỉ còn tính bằng giây. Khi mọi ánh mắt đều hướng về người đội trưởng “siêu nhân”, Gerrard lại lên tiếng với pha nã đại bác không tưởng từ cự ly 30m. Trên loạt đấu súng định mệnh, Lữ đoàn đỏ vẫn là người chiến thắng.
Gerrard còn cùng Liverpool có thêm FA Cup năm 2006 và League Cup 2012.
“Vấp ngã” trước ngưỡng cửa thiên đường
Premier League 2008/09 đánh dấu mùa giải bùng nổ của Steven Gerrard – anh ghi đến 16 tại Premier League, trong đó có màn vùi dập Man United 4-1 ngay trên Old Trafford. Thế nhưng, cuối mùa họ vẫn kém đội bóng thành Manchester 4 điểm.
Năm năm sau, “số 8” được kéo xuống đá vị trí lùi sâu hơn, cung cấp “khí tài đạn dược” cho một trong những hàng tấn công được đánh giá là biến ảo nhất từ thời Kenny Daglish và Ian Rush. Với đội hình đó, Gerrard cùng đồng đội chơi bùng nổ khiến Man City phải bám đuổi cho đến khi mùa giải chỉ còn vài vòng nữa là khép lại. Nhưng thật đáng tiếc, giấc mơ vô địch Premier League của Gerrard vẫn luôn là giấc mơ.
“Thật đáng buồn vì Steven chưa từng được chạm tay vào chiếc cúp Premier League, nhưng điều đó cũng không làm giảm giá trị của cậu ấy đối với Liverpool, cậu ấy quá vĩ đại” – Graeme Souness
Và vô số danh hiệu cá nhân
Bằng tài năng và tầm ảnh hưởng to lớn của mình, không ngạc nhiên khi Steven Gerrard đã giành vô số giải thưởng cá nhân trong sự nghiệp lừng lẫy của mình.
Cùng với danh hiệu cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm do Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) trao năm 2001, Gerrard còn “thầu” thêm Cầu thủ xuất sắc nhất năm của UEFA và Quả bóng đồng FIFA (2005), Cầu thủ hay nhất năm của PFA (2006), Cầu thủ hay nhất năm của FWA – Hiệp hội nhà báo bóng đá Anh (2009) và Cầu thủ hay nhất năm của PFA do CĐV bầu chọn (2001 và 2009). Năm 2013, người hâm mộ Liverpool xếp Steven Gerrard đứng đầu Top 100 danh thủ vĩ đại nhấ trong lịch sử CLB.
Anh còn vinh dự được Hoàng gia Anh trao tặng Huân chương Hiệp sĩ đế chế năm 2007.
Tháng 2 năm 2015, trận đá lại với Bolton Wanderers vòng 4 FA Cup, Liverpool chiến thắng và Gerrard đánh dấu trận đấu thứ 700 của mình trong màu áo Lữ đoàn đỏ. Chỉ 2 người từng đá nhiều trận hơn anh, đó là Ian Callaghan (857 trận) và bạn thân Jamie Carragher (737 trận).
HLV Brendan Rodgers không giấu được sự ngưỡng mộ dành cho Gerrard: “Đây là thành tích không thể tin nổi, tôi không dám chắc điều này có thể lặp lại hay không. Cầu thủ chuyên nghiệp nào cũng muốn làm được như cậu ấy”
“Tôi đã từng chơi cạnh Graeme Souness, tuy nhiên tôi đánh giá Gerrard còn giỏi hơn ông ấy. Đó có lẽ là lời khen tặng xứng đáng nhất mà tôi có thể dành cho cậu ấy.” – Mark Lawrenson
See You Again!
Dù cố nén lại, nhưng những giọt nước mắt đã rơi trong ngày Steven Gerrard vẫy tay chào người hâm mộ. Thứ 7, ngày 16/05/2015, Gerrard khép lại chặng đường dài 17 năm với Liverpool để chọn con đường đi của riêng mình. Lúc gánh nặng áp lực được trút bỏ cũng là thời điểm mọi cảm xúc chỉ chực chờ để vỡ oà.
Ngày hôm đó, các cầu thủ trên sân đã xếp thành 2 hàng danh dự và trên khán đài là những tấm băng-rôn với dòng chữ “Đội trưởng” để tôn vinh những đóng góp không ngừng nghỉ của anh dành cho Liverpool. Tất cả CĐV trên sân đều hô vang: “Steven Gerrard – anh là độc nhất vô nhị”
Bế trên tay cô con gái Lourdes, Gerrard nói trong nghẹn ngào: “Cảm giác lúc này thật lạ. Tôi đã lo sợ khoảnh khắc này sẽ tới bởi vì tôi sẽ rất nhớ các bạn. Tôi yêu từng giây phút được thuộc về nơi này, và trái tim tôi dường như tan vỡ khi nghĩ đến việc sẽ không bao giờ còn được chơi bóng trước sự chứng kiến của những CĐV thêm lần nào nữa.”
“Trước khi không thể kìm nén được cảm xúc, tôi muốn nói điều này: Đã từng thi đấu gần như mọi nơi trên thế giới, nhưng đối với tôi CĐV Liverpool luôn là số 1.”