Tsubasa, từ truyện tranh đến đời thực
Đó không phải là chi tiết bất ngờ dễ dàng có thể phủ nhận, nhất là hỏi những đứa trẻ của thập niên 1980 và 1990, giai đoạn ra đời và bùng nổ truyện tranh Nhật Bản, trong đó có “Captain Tsubasa của tác giả Takahashi Yoichi, với hình mẫu cầu thủ bóng đá mơ ước của làng túc cầu. Và sự kỳ diệu là Oozora Tsubasa - tên cậu bé trong cuốn truyện - không chỉ tồn lại là một hình tượng mà đã trở thành nhân vật của đời thực. Không có cậu, bóng đá Nhật Bản đã không có được ngày hôm nay.
Nó mang đến sự thay đổi bộ mặt bóng đá của mảnh đất Mặt trời mọc, khi ở đó ước mơ và khát vọng trong từng trang được vun trồng, trải dài từ đầu đến cuối chương truyện, tạo ta sự hấp dẫn đôi khi tưởng chỉ là ảo ảnh của cuộc đời nhưng rốt cục là đòn bẩy cho một thế hệ vượt qua giới hạn của những giấc mơ để chạm vào hiện thực. Sức ảnh hưởng của nó trở nên lớn rộng, là thứ văn hóa được truyền bá, như chính “Hoàng tử quần vợt Nhật Bản” Kei Nishikori thừa nhận sự nghiệp của anh được bắt đầu từ Ryoma Echizen - nhân vật truyện tranh quần vợt lấy cảm hứng từ Subasa.
“Captain Tubasa” đã trở thành một hiện tượng xã hội Nhật Bản và nhân rộng giấc mơ của những đứa trẻ. Mỗi quả bóng hay một thứ gì đó xuất hiện trong “Captain Tubasa” là sau đó được bày bán rất chạy trong các cửa hàng, bởi trẻ em đều muốn trở thành một Tsubasa sau này, muốn là ngôi sao sân cỏ và muốn chinh phục World Cup. “Captain Tubasa” cuối cùng đã đạt được cái đích của nó, ấy là một giải đấu chuyên nghiệp Nhật Bản ra đời vào năm 1992, với sự quy tụ của nhiều ngôi sao kỳ cựu thế giới, đặt trong chiến lược và định hướng phát triển rất đáng khâm phục của những nhà quản lý bóng đá Nhật Bản đã sản sinh ra nhiều cầu thủ Nhật Bản thành danh. Kể từ năm 1998, Nhật Bản chưa khi nào lỡ hẹn một kỳ World Cup, tương lai mong chờ họ sẽ đăng quang lần đầu tiên ở sân chơi này.
Cũng từ cốt truyện tranh ấy, bóng đá phong trào ở Nhật không còn bị lép vế bởi bóng chày do lượng trẻ em tham gia chơi bóng tăng theo cấp số nhân trong 2 thập kỷ qua, và quả thực nếu muốn biết sức ảnh hưởng của nó lớn đến đâu thì có thể hỏi những Alessandro del Piero, Zinedine Zidane, Lionel Messi, Andres Iniesta… những người đã thừa nhận Subasa đã ảnh hưởng nhiều đến họ. Fernando Torres, trong một cuộc phỏng vấn, tiền đạo này cũng tiết lộ như thế nào Subasa đã nuôi dưỡng giấc mơ cho Torres trong những ngày đầu tiên.
“Subasa” không chỉ là cốt truyện tranh đơn thuần để giải trí mà đích thực là cảm hứng cho trẻ em toàn thế giới. Đúng như lời tâm sự của "cha đẻ" của bộ truyện, tác giả Takahashi Yoichi: "Khi làm truyện tranh, tôi đã nghĩ tại sao không đưa bóng đá vào trong đó, với hi vọng chia sẻ và thúc đẩy giấc mơ của nhiều đứa trẻ và tôi vô cùng tự hào khi biết nó đã đóng góp một phần vào sự phát triển bóng đá của Nhật Bản”.