Tổng kết các xu hướng chiến thuật 2016 (Phần 2)

thứ sáu 23-12-2016 11:58:54 +07:00 0 bình luận
Câu chuyện của Leicester, màn trình diễn của xứ Wales ở EURO cho đến sự trở lại của sơ đồ 3 trung vệ… góp phần tạo nên những xu hướng chiến thuật mới năm 2016.

“Số 9 ảo” ngày càng phổ biến

Thành công của Pep Guardiola tại Barca trong quá khứ với giải pháp sử dụng “số 9 ảo” đã mở ra một trào lưu mới ở Premier League bây giờ. Ngay cả khi người Anh vốn bảo thủ trong thứ văn hóa bóng đá truyền thống của mình (sơ đồ 4-4-2 thường sử dụng hai trung phong cắm) thì đến thời điểm hiện tại, phong cách “số 9 ảo” và những biến thể tương tự vẫn liên tục xuất hiện rộng khắp trên xứ sở sương mù.

Tất nhiên, hệ thống chiến thuật tại các đội bóng Anh cũng không nhất thiết phải dập khuôn theo mô hình của Pep, nhưng sự tương tự là điều hoàn toàn dễ nhận thấy. Ở Liverpool hiện tại, sơ đồ 4-3-3 của HLV Juergen Klopp với Roberto Firmino hoạt động như một “số 9 ảo” chính là ví dụ điển hình hơn cả. Không chỉ làm nhiệm vụ liên kết giữa hai tiền đạo cánh, ngôi sao người Brazil còn thường xuyên lùi về phía sau để giữ vai trò của một cầu nối liên kết với tuyến tiền vệ.


Firmino được xếp chơi như một "số 9 ảo" tại Liverpool

So sánh với Daniel Sturridge, tiền đạo cắm được xem là chất lượng nhất của The Kop suốt vài năm trở lại đây, rõ ràng Firmino cũng hoạt động năng nổ và nhiệt tình hơn hẳn trong khâu phòng ngự, qua đó có những đóng góp đáng kể vào hệ thống pressing của Klopp. Đây chính là nguyên nhân lý giải vì sao chân sút người Anh phần nào trở nên thất sủng dưới triều đại cựu chiến lược gia Dortmund.

Về phần Pep, dường như nhà cầm quân người Tây Ban Nha không còn cảm thấy “hứng thú” với việc chỉ sử dụng một “số 9 ảo” nữa. Mới đây nhất, trong trận thắng 2-1 của Man City trước Arsenal, thậm chí Pep đã chấp nhận tung ra sân đồng thời… 4 “tiền đạo giả” (De Bruyne, Sterling, Silva, Sane), liên tục hoán đổi vai trò cho nhau một cách cơ động và linh hoạt. Nhờ vào khả năng khai thác không gian hiệu quả, đặc biệt là ở khu vực nằm giữa hàng phòng ngự và tuyến tiền vệ của đối phương, Man xanh đã hoàn toàn kiểm soát được thế trận một cách dễ dàng trước khi tìm kiếm các cơ hội cụ thể để tiếp cận khung thành Arsenal.


Man City dưới thời Pep sở hữu rất nhiều "số 9 ảo"

Kể từ đầu mùa đến giờ, Arsene Wenger cũng thường xuyên bố trí Alexis Sanchez hoạt động như một tiền đạo bao quát bên phần sân đối phương. Trong rất nhiều thời điểm, khi mà ngôi sao người Chile lùi xuống, cả Theo Walcott lẫn Mesut Oezil đều có thể nhanh chóng dâng cao từ phía sau, qua đó đưa ra những phương án tấn công mang tính bất ngờ và khó lường hơn. Chưa kể, Hector Bellerin cũng trở thành một cầu thủ chạy cánh phải dâng cao, thường xuyên leo biên tạo ra những áp lực nhất định lên hàng thủ đối phương.

Một vài ví dụ tiêu biểu khác nữa về việc trào lưu “số 9 ảo” đang ngày càng trở nên thịnh hành tại Premier League chính là hai trường hợp của Tottenham và Manchester United. Trong quãng thời gian Harry Kane vắng mặt vì chấn thương, HLV Mauricio Pochettino đã sử dụng Heung-min Son như một chân sút hoạt động rộng trên hàng công Spurs. Tương tự, Zlatan Ibrahimovic mặc dù thường xuyên xuất hiện ở vị trí mũi nhọn cao nhất bên phía M.U, nhưng trên thực tế, ngôi sao người Thụy Điển vẫn liên tục lùi sâu, chủ động nhường khoảng trống cho các vệ tinh xung quanh khai thác.


Sanchez (trái) đang thi đấu khá bùng nổ trong vai trò mũi nhọn hoạt động rộng trên hàng công

Chiến thuật “phản-phản công” (gegenpressing)

Thêm một lần nữa lại nhắc đến Liverpool và thứ bóng “heavy metal” điên cuồng dưới triều đại của Klopp. Trong một hệ thống luôn yêu cầu mọi mắt xích phải liên tục gây áp lực đến “nghẹt thở”, đồng nghĩa rằng ngay cả những tiền đạo như Mane, Firmino hay Lallana cũng đều phải sẵn sàng lao vào hậu vệ đối phương với tốc độ cao nhất để tranh cướp bóng. Trên thực tế, khả năng tạo ra những cơ hội ăn bàn của đội bóng chủ sân Anfield cũng chủ yếu xuất phát từ chính những tình huống như vậy.


Hình ảnh minh họa cho phong cách gegenpressing của Liverpool

Một trường hợp khác nữa chính là Tottenham. Trong suốt năm 2016, đội bóng của Pochettino đã trình diễn lối chơi “high-pressing”, chủ động gây áp lực mạnh ngay từ 1/3 sân đối phương. Mặc dù vậy, yếu tố thể lực lại trở thành nguyên nhân khiến cho Spurs sa sút và gặp nhiều khó khăn ở giai đoạn cuối mùa.

Cuối tuần vừa rồi, Man City hoàn toàn “vô hại” trước Arsenal trong hiệp một. Tuy nhiên, sau giờ nghỉ, khi mà đội bóng của Pep chấp nhận di chuyển đều đặn đồng thời gây áp lực một cách thường xuyên hơn, họ đã giành được chiến thắng cuối cùng.


Tottenham là một đại diện tiêu biểu cho lối chơi high-pressing

Dẫu vậy, không phải lúc nào gegenpressing cũng có thể giải quyết trọn vẹn mọi vấn đề. Trong số các chiến lược gia hàng đầu thế giới vào thời điểm hiện tại, Jose Mourinho là người luôn theo đuổi triết lý phòng ngự chắc chắn và không bao giờ ủng hộ giải pháp mạo hiểm dâng cao đội hình. Tương tự, Claudio Ranieri cũng giành được chiến thắng Premier League mùa giải vừa qua nhờ lối chơi phòng ngự phản công vô cùng hiệu quả.

Tại kỳ EURO 2016, Bồ Đào Nha chỉ có thể bước lên ngôi vô địch nhờ sự kiên cường trong khâu phòng ngự cũng như khả năng tỏa sáng của các cá nhân ở những thời điểm quan trọng. Trong khi đó, Iceland và Italia đã chứng minh rằng họ không nhất thiết cứ phải dâng cao đội hình để pressing mới có thể thành công.

Cuối cùng, một ví dụ điển hình khác nữa, chính là Barca. Ngay cả khi có thừa khả năng giành quyền kiểm soát bóng và áp đặt trong hầu hết các trận đấu, nhưng tập thể của HLV Luis Enrique bây giờ đã chuyển sang vận hành một lối chơi trực tiếp hơn, sẵn sàng lùi sâu để giành bóng trước khi tìm kiếm cơ hội phản công thông qua việc sử dụng những đường chuyền ít chạm để khai thác khoảng trống bên phần sân đối phương.


Bàn thắng của Barca vào lưới Celtic (Champions League) chỉ được thực hiện qua 3 đường chuyền

Thủ môn trở thành cầu thủ kiến tạo

Ở kỳ chuyển nhượng mùa Hè vừa qua, Joe Hart đã phải nhường chỗ cho tân binh Claudio Bravo sau nhiều năm là sự lựa chọn số một trong khung gỗ Man City. Xét trên một phương diện nào đó, điều này có thể là sự bất công đối với ngôi sao người Anh. Thế nhưng, đặt dưới triều đại của Pep Guardiola và những triết lý của cựu chiến lược gia Bayern Munich, không quá bất ngờ chút nào.

Để có thể vận hành những ý tưởng chiến thuật của mình về một lối chơi kiểm soát bóng đa dạng, xây dựng hệ thống tấn công đa chiều được tổ chức từ tuyến dưới, hơn lúc nào hết Pep cần phải sở hữu một “người gác đền” biết chơi bóng bằng chân. So với Joe Hart, cái tên Bravo, một người từng chơi bóng cho Barca, có vẻ như sẽ làm tốt việc này hơn.


Bravo được Pep lựa chọn thay thế Joe Hart tại sân Etihad

Người ta có thể dè bỉu Bravo hoặc chính Pep mỗi khi thủ thành người Chile mắc một sai lầm ngớ ngẩn nào đó. Tuy nhiên, chắc chắn Pep sẽ không bao giờ thay đổi quyết định của mình, ông muốn người trấn giữ trong khung gỗ phải là một kẻ… biết chơi bóng bằng chân.

Một cái tên khác tương tự như Bravo chính là Loris Karius của Liverpool. Sau những sai lầm tai hại khiến The Kop mất điểm trước West Ham (hòa 2-2), cầu thủ người Đức đã nhanh chóng phải đón nhận những lời chỉ trích nặng nề từ phía dư luận nước Anh, thậm chí cả huyền thoại Jamie Carragher cũng lên tiếng chê bai anh. Mặc dù vậy, đối với HLV Juergen Klopp, Karius vẫn là một nhân tố nằm trong những kế hoạch dài hơi của đội bóng vùng Merseyside.

Khi mà bóng đá hiện đại ngày càng trở nên phức tạp và đòi hỏi nhiều hơn các kỹ năng ở một cầu thủ, vai trò của những thủ môn trong việc xây dựng lối chơi cũng quan trọng hơn bao giờ hết. Ngay cả một CLB chơi phòng ngự phản công thuần túy như Leicester City, cũng sở hữu một Kasper Schmeichel sẵn sàng tạo nên đột biến từ tuyến dưới. Cụ thể hơn thì thủ thành người Đan Mạch chính là nhân tố thường xuyên “châm ngòi” cho những đợt phản công nhanh của thầy trò Ranieri từ tuyến dưới.


Schmeichel ném bóng cho Fuchs mở đầu pha phản công dẫn đến bàn thắng của Vardy trong trận lượt đi gặp M.U mùa giải trước

Tất nhiên, “Schmeichel con” cũng không giống như Bravo hay Karius, những người có khả năng chơi bóng ngắn để giúp đội nhà kiểm soát tốt hơn. Thay vào đó, thủ môn của Leicester lựa chọn giải pháp sử dụng những pha ném bóng hoặc những đường chuyền dài trực tiếp thẳng lên phía trên cho các đồng đội. Bằng cách nào đi chăng nữa, thì vai trò của những “người gác đền” trong thời điểm hiện tại cũng đang dần trở nên quan trọng hơn rất nhiều, thay vì đơn thuần chỉ là một chốt chặn trước khung thành.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội