Trung Quốc trả lương cầu thủ cao nhất thế giới: Cạm bẫy ở thiên đường
Ngay cả khi những khoản lương bổng siêu hậu hĩnh đang vẫy gọi trước mắt thì môi trường bóng đá Trung Quốc vẫn được xem là một mảnh đất đầy cạm bẫy với các cầu thủ từng có một sự nghiệp lẫy lừng như Carlos Tevez hay kể cả tài năng đang ở giai đoạn chín muồi như Oscar...
Trải qua nhiều tin đồn trên khắp các phương tiện truyền thông, cuối cùng Carlos Tevez đã quyết định rời quê hương một lần nữa để tìm kiếm cho mình cuộc phiêu lưu mới tại châu Á. Hôm 18/12 vừa rồi, chân sút người Argentina đã chủ động vẫy tay chào tạm biệt các CĐV Boca Juniors trong trận thắng 4-1 trước Colon Resumen.
Được biết, cựu ngôi sao Man United và Juventus sẽ đầu quân cho Shanghai Shenhua (Thân Hoa Thượng Hải) đồng thời hưởng mức lương lên đến 615.000 bảng/tuần (gần 32 triệu bảng/năm), một con số kỷ lục trong lịch sử bóng đá thế giới. Đích thân ban lãnh đạo Boca Juniors đã lên tiếng xác nhận thông tin này.
Cần phải nói thêm rằng, mới chỉ cách đây không lâu thôi, một cầu thủ tên tuổi khác của bóng đá châu Âu là Oscar cũng vừa quyết định gia nhập Shanghai SIPG (cũng nằm tại Thượng Hải), qua đó nhận mức lương “khủng” 400.000 bảng/tuần (gần 21 triệu bảng/năm). Mặc dù vậy, kỷ lục của Oscar đã nhanh chóng bị Tevez “phá sâu” chỉ trong ít ngày.
Xét trên một phương diện nào đó, người ta không thể phủ nhận rằng việc được thi đấu ở Super League sẽ mang đến cho Tevez hay Oscar những khoản thu nhập kếch xù. Thế nhưng, bên cạnh nguồn lợi nhuận khổng lồ cũng tồn tại rất nhiều cạm bẫy đang chờ đón họ.
Về hưu non ở… vùng trũng?
Huyền thoại một thời của Chelsea, Didier Drogba cho biết anh từng được xem như một “vị thần tối cao” khi vẫn còn chơi bóng tại Trung Quốc. Thậm chí, ngay cả khi đã bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp thì anh và người đồng đội Nicolas Anelka vẫn hoàn toàn “ở một thế giới khác” so với phần còn lại trong màu áo Shanghai Shenhua.
Còn nhớ, lần đầu tiên và duy nhất Trung Quốc giành quyền tham dự một kỳ World Cup đã diễn ra cách đây 14 năm (2002), nhưng suốt cả giải đấu, họ không ghi nổi bàn thắng nào. Trên bảng xếp hạng FIFA vào thời điểm hiện tại, Trung Quốc chỉ xếp thứ 83, thấp hơn cả những quốc gia vô danh như Antigua & Barbuda. Thậm chí, Đảo Faroe cũng chỉ kém nền bóng đá đông dân nhất thế giới đúng một bậc. Nhưng trớ trêu, đây giờ là mảnh đất vàng mà không ít cầu thủ tiếng tăm ngóng về.
Cách đây chưa lâu người ta đã thấy Graziano Pelle sau thời điểm quyết định ký hợp đồng với Shandong Luneng bày tỏ niềm vui mừng khôn xiết. Theo đó, cựu chân sút Southampton sẽ nhận tổng cộng 34 triệu bảng trong vòng 2 năm rưỡi hợp đồng, với mức đãi ngộ lên đến 260.000 bảng/tuần, một con số mà ở châu Âu có “nằm mơ” anh cũng không dám nghĩ tới.
Ngoài ra, việc chuyển sang Trung Quốc thi đấu cũng biến Pelle trở thành 1/5 cầu thủ hưởng lương cao nhất thế giới. Tuy nhiên, chuyện cười ra nước mắt cũng đến ngay sau đấy, đó là khi Pelle phát hiện ra CLB mới ghi thiếu... một chữ "L" ở phần tên của anh trên áo đấu. Rõ ràng, Pelle không thể sánh với Vua bóng đá Pele, mà ở đây sự thiếu chuyên nghiệp mới cần bàn đến.
Câu chuyện cầu thủ đến một giải đấu nào đó chỉ để cày tiền cũng không phải chuyện hiếm. Quay trở lại thời điểm thập niên 1990, khi Juninho gia nhập Middlesbrough, một người đồng đội mới của anh ở sân Riverside là Jan Aage Fjortoft đã phát biểu rằng: “Juninho chỉ cần học ba từ tiếng Anh, bao gồm: tiền, cám ơn và chào tạm biệt”.
Hiện trạng này bây giờ đang lặp lại ở Trung Quốc với một trường hợp điển hình là Ramires, cựu tiền vệ của Chelsea từng nhiều lần khẳng định mình đến chơi tại Super League không đơn thuần chỉ vì tiền.
Ở một góc độ khác, tất nhiên cũng không phải đứa trẻ nào xuất thân từ các favela (khu ổ chuột) tại Rio de Janeiro, Brazil, cũng nuôi dưỡng ước mơ được đến Jiangsu Suning hay Trung Quốc vào một ngày không xa. Tuy nhiên, ngay cả như vậy đi chăng nữa thì người ta cũng không thể phủ nhận rằng nền bóng đá tại quốc gia vừa để thua Syria ở vòng loại World Cup 2018 đang trở thành thỏi nam châm cỡ bự mới nổi trong xã hội kim tiền hiện nay.
Thiên đường hay cạm bẫy?
Carlos Tevez, một kẻ từng giành được vô số vinh quang trong những năm tháng tung hoành khắp các sân cỏ châu Âu, đã quyết định rời bỏ quê hương Argentina, nơi anh đang nhận được tình cảm cuồng nhiệt từ phía người hâm mộ Boca Juniors.
Xét trên khía cạnh sự nghiệp, có thể phần nào thông cảm cho cựu chân sút M.U khi anh chấp nhận chuyến phiêu lưu đến Trung Quốc sau khi đã vươn tới đỉnh cao trong quá khứ. Tuy nhiên, đối với trường hợp của Oscar, lại là một “bước thụt lùi” thực sự khó hiểu hơn cả.
Ở độ tuổi 25, khi mà những năm tháng trọn vẹn nhất trong cuộc đời cầu thủ vẫn chờ đón tiền vệ người Brazil phía trước, thật khó hiểu vì sao khi Oscar lại quyết định rời Chelsea. Đành rằng dưới triều đại của HLV Antonio Conte vị trí của Oscar đang bị đặt dấu hỏi, nhưng trong mắt những nhà tuyển trạch viên hàng đầu châu Âu, anh vẫn là một cầu thủ sáng tạo phù hợp với rất nhiều đội bóng tên tuổi ở lục địa già.
Thậm chí, ngay cả khi đã cảm thấy “chán ghét” bóng đá đỉnh cao vì một lý do bí mật nào đó, Oscar vẫn hoàn toàn có thể tìm kiếm niềm vui tại MLS (giải VĐQG Mỹ), điểm đến quen thuộc đối với các ngôi sao châu Âu, thay vì một giải đấu chất lượng chuyên môn thấp như Super League.
Giờ thì chẳng có gì phải đoán già đoán non mà người ta hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi nghi ngờ về tham vọng cũng như động lực phấn đấu của ngôi sao người Brazil, trước những lời mời gọi sặc mùi tiền ở Đông Á.
Trên thực tế, chúng ta sẽ phải chấp nhận xu hướng các cầu thủ chuyển dịch sang Trung Quốc ngày càng nhiều hơn trong tương lai như một hệ quả tất yếu. Cách đây không lâu, Wayne Rooney, trong bối cảnh đã sa sút phong độ và dần mất đi tầm ảnh hưởng tại Man United cũng vừa nhận được một lời đề nghị từ quốc gia đông dân nhất thế giới.
Trước cánh truyền thông, R10 không phủ nhận khả năng sẽ chuyển đến chơi bóng tại Super League vào một ngày không xa. Tuy nhiên, các chuyên gia tư vấn riêng của “Gã Shrek” cũng liên tục cảnh báo anh về chất lượng các sân cỏ cực kỳ tệ hại ở đất nước Đông Á, những trận đấu thường xuyên bị điều khiển bởi “bóng ma” dàn xếp tỷ số và công tác trọng tài bị mua bán như một món hàng.
Chắc hẳn, Rooney vẫn chưa thể nào quên được những ký ức “bẩn” về trận giao hữu giữa Man Utd với Shenzhen tại Macau vào năm 2007. Sau 4 năm, vị trọng tài chính điều khiển trận đấu đã lên tiếng thừa nhận “ăn hối lộ” 100.000 đô la Hồng Kông (khoảng 8000 bảng) để dàn xếp kết quả.
Về phần bản thân ngôi sao người Anh, trải qua những năm tháng đỉnh cao tại Old Trafford, rõ ràng lựa chọn một giải đấu “vùng trũng” như vậy là không nên chút nào, khi mà anh hoàn toàn nguy cơ bị dính líu vào những vụ việc lùm xùm chẳng đáng có, qua đó ảnh hưởng đến danh tiếng của mình.
Một trường hợp khác là Yaya Toure cũng từng nhận được lời đề nghị lên đến 360.000 bảng/tuần từ Trung Quốc nhưng cuối cùng vẫn quyết định từ chối. Cần phải nói thêm rằng rằng, tiền vệ người Bờ Biển Ngà khá nổi tiếng có tay đại diện Dimitri Seluk lắm chiêu trò “làm tiền” tại các CLB mà anh từng thi đấu trong quá khứ.
Nhiều năm về trước, Rio Ferdinand cũng chấp nhận “ngoảnh mặt” trước cả đống tiền bạc từ đất nước đông dân nhất thế giới sau khi nói lời chia tay M.U. Rõ ràng, vẫn phải tồn tại những lý do nào đó khiến cho các ngôi sao cảm thấy lưỡng lự khi đến Trung Quốc, một nơi ẩn chứa vô vàn cạm bẫy đằng sau vẻ ngoài tưởng chừng như thiên đường.
Bao nhiêu cho vừa?
Những con số điên rồ chi trả lương cầu thủ sẽ còn là câu chuyện dài chưa có hồi kết.
Mới đây CLB Hebei Fortune, một đại gia mới nổi ở Super League còn đưa ra con số... nửa tỷ euro để "thầu" Lionel Messi sang Trung Quốc. Họ tuyên bố sẵn sàng trả lương... 100 triệu euro/năm nếu Messi nhận lời.
Thật điên rồ!