Từ bi kịch của Justin Fashanu: Cầu thủ gay không nên lộ diện?
Gia đình cũng kỳ thị Justin Fashanu
Năm 1990, Justin Fashanu trở thành cầu thủ đầu tiên của bóng đá thế giới thừa nhận mình là gay. Nhưng khi thân phận thật bị lộ diện, cựu tiền đạo Man City, West Ham và Norwich chịu nhiều sức ép từ dư luận, bị kỳ thị và cô lập. Nghiệp cầu thủ đang lên thì bị dập tắt và cuối cùng, sau rất nhiều bi kịch và rắc rối, Fashanu đã tự tìm đến cái chết vào năm 1998.
Nhưng không chỉ xã hội, mà ngay cả gia đình và những người thân của Fashanu cũng không thể chấp nhận giới tính của anh. Ngày hôm qua, 17 năm sau cái chết của Justin Fashanu, em trai cầu thủ quá cố này là John Fashanu - cựu tiền đạo Wimbledon và Aston Villa đã lên tiếng trả lời phỏng vấn về những bi kịch của gia đình. Theo John, khi anh trai cho biết sẽ công bố sự thật với báo chí, John đã ngăn chặn, đe dọa và sẵn sàng đưa cho anh trai 75.000 bảng để đổi lấy sự im lặng, để bảo vệ danh dự của gia đình.
Trên Mirror, John thổ lộ: “Tôi không bao giờ quên được cái khoảnh khắc lần đầu tiên Justin nói với tôi rằng: em trai, anh là gay. Tôi choáng váng! Sau đó Justin nói anh sẽ công bố với truyền thông. Bầu trời như sụp đổ. Với tôi và gia đình tôi, điều đó chẳng khác gì thảm họa hạt nhân Hiroshima và Nagasaki. Tôi phải bảo vệ gia đình mình, tôi cấm anh, đe dọa anh nói ra sự thật. Tôi sẽ cho anh ấy tiền để giữ im lặng. Cầu thủ da đen bị kỳ thị, cầu thủ da đen là gay lại càng không được xã hội chấp nhận. Khi sự việc vỡ lở, mẹ tôi đã chết vì già yếu và sốc”.
Không ngăn được anh trai công bố sự thật, John đã giận Justin, không nói chuyện và quan tâm đến ông anh của mình nữa. Và anh đã ân hận, bởi chính sự lạnh nhạt của những người thân cũng là một phần khiến Justin - cầu thủ da màu đầu tiên có giá chuyển nhượng 1 triệu bảng lâm vào tình trạng khủng hoảng tinh thần rồi tìm đến cái chết.
Cựu tiền đạo Wimbledon hối tiếc: “Tôi mất đi anh trai, tôi rất buồn vì điều đó. Anh ấy tự tử vì thế giới không chấp nhận anh, trong đó có tôi. Tôi rất ân hận. Con gái Amal của tôi hiện đang hoạt động cho tổ chức ủng hộ người đồng tính, nó thường nói về bác mình. Tôi tự hào về con gái”.
Lộ diện là nghỉ chơi
Xã hội ngày nay đã cởi mở hơn, có cái nhìn thoáng hơn rất nhiều đối với người đồng tính. Nhiều người đồng tính được cộng đồng chấp nhận, tôn trọng và yêu quý trong các lĩnh vực chính trị, giải trí và kinh tế. Nhưng dường như trong bóng đá, quan niệm kỳ thị người thuộc “giới tính thứ 3” vẫn không hề thay đổi, so với thời Justin Fashanu. Vậy nên, Justin Fashanu vẫn là cầu thủ đầu tiên và duy nhất tính cho tới thời điểm này dám dũng cảm nói với đời rằng: “Tôi là gay” khi vẫn đang chơi bóng.
Ở Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã ủng hộ chiến dịch bảo vệ cầu thủ đầu tính mang tên “Geh Deinen Weg” của Liên đoàn bóng đá Đức (DFB). Bà đầm thép từng lên tiếng kêu gọi tất cả cầu thủ gay nên dũng cảm tiết lộ giới tính như Ngoại trưởng Guido Westerwelle để được sống thật và bảo vệ. Tuy nhiên, mới chỉ có Thomas Hitzlsperger lộ diện nhưng anh chỉ dám thừa nhận mình là gay sau khi đã giải nghệ. Tương tự, năm 2013, chỉ sau khi treo giày, cựu ngôi sao Leeds United, Robbie Rogers mới dám công khai giới tính.
Trên sân cỏ nước Anh, FA từ lâu cũng đã tuyên chiến với nạn phân biệt giới tính. Bất cứ hành động phân biệt giới tính, kỳ thị nào đối với người đồng tính sẽ bị phạt nặng. Vậy nên, đây là thời điểm thích hợp để các cầu thủ đồng tính lộ diện và chơi bóng một cách bình đẳng như những cầu thủ khác?
Thời còn thi đấu, Graeme Le Saux, Sol Campbell hay Arne Friedrich từng bị nghi ngờ là gay và bị kỳ thị. Những ngôi sao trên hiện là đại sứ của Kick It Out, một tổ chức chống phân biệt giới tính. Tuy nhiên, Le Saux cho rằng, vấn đề giới tính còn nhạy cảm hơn nhiều so với chủng tộc. Khi cầu thủ gay lộ diện, anh ta sẽ phải chấp nhận sức ép khủng khiếp và có thể phải chia tay sân cỏ. Bởi theo Le Saux, bóng đá vẫn nói không với gay.