Bản quyền truyền hình Premier League: “Bầu sữa” châu Á
Châu Á đang cho NHA những gì?
Đối với NHA, châu Á là một vị khách sộp. Đấy là cơ sở để người Anh tin tưởng BQTH giai đoạn 2016-2019 sẽ đội giá lên hơn 3 tỷ bảng, nghĩa là hàng năm sẽ đem về cho NHA nhiều thêm 1 tỷ bảng. Sự kỳ vọng ấy rõ ràng có cơ sở, đặc biệt sau khi Hong Kong vừa gây sốc khi chấp nhận trả giá 3 năm tới cao gấp 116% so với 3 năm trước, từ 42,7 triệu bảng/năm thành 92 triệu bảng/năm. Sở dĩ châu Á chịu chơi như vậy phần nào là do công nghệ thông tin trong khu vực này đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Các chuyên gia ước tính NHA hiện có hơn 820 triệu NHM ở châu Á, mà nhiều người trong số đó hiện sử dụng thành thạo các kiểu điện thoại di động thông minh, iPad và máy tính để xem bóng đá mọi lúc, mọi nơi.
Đánh giá chính xác niềm đam mê của người châu Á dành cho NHA, các nhà đầu tư của “lục địa vàng” cũng tiếp sức cho NHA bằng dòng tiền đổ vào Anh để các CLB tích cực mua sắm. Hệ quả là giờ đây, các thương hiệu châu Á xuất hiện nhan nhản trên áo đấu của các CLB NHA. Thậm chí chỉ tính riêng quảng cáo trên áo đấu của 20 thành viên dự NHA mùa này, có tới một nửa thuộc về châu Á như Thái Lan với Leicester - King Power và Everton - Chang, UAE với Arsenal - Emirates và Man City - Etihad Airways, Hong Kong với Swansea - GWFX và Tottenham - AIA, Philippines với Sunderland - Dafabet và West Brom-Tlcbet, hoặc Macau với Watford - 138.com và Nhật có Chelsea - Yokohama. Chỉ mới 10 năm trước, mấy ai ngờ tới đà “xâm lăng” này khi nhìn khắp NHA 2003/04 chỉ có mỗi công ty truyền thông Kejian của Trung Quốc tài trợ cho Everton.
Cùng với nguồn thu từ BQTH, châu Á còn đem lại lợi nhuận cho các CLB Anh nhờ bán áo và các vật lưu niệm, nên không bất ngờ khi hè nào cũng có các đại diện hùng mạnh từ xứ sở sương mù ghé thăm. Như hè năm nay, Thái Lan đón Chelsea và Liverpool, Malaysia và VN có Man City, trong lúc Singapore quy tụ Arsenal, Everton và Stoke. Sự hiện diện của các CLB mạnh như Chelsea, Man City hoặc Arsenal có thể xem như chuyện thường, nhưng sự xuất hiện của Stoke thật sự đáng chú ý. Bởi lẽ, sự thật ấy chứng tỏ châu Á không chỉ chào đón các “đại gia”, mà vẫn có cơ hội làm ăn cho các CLB nhỏ chăm tìm kiếm.
“Lục địa vàng” còn nhiều tiềm năng
Tuy nhiên, giá trị lớn nhất của châu Á đối với NHA là “bầu sữa” này vẫn chưa được khai thác hết. Bởi tất cả CLB đều biết họ có nhiều NHM ở châu Á, nhưng chưa ai nắm được danh sách cụ thể tên từng CĐV. Vì thế, những kế hoạch xây dựng mạng lưới bán hàng trực tuyến với nhiều ngôn ngữ phổ biến ở châu Á đang được các CLB ồ ạt triển khai chủ yếu nhằm thăm dò và xác định số lượng CĐV từng vùng thật chính xác để từ đó đề ra những chiến lượt quy mô và phù hợp nhằm thu hoạch tối đa.
Song song đó, NHA đang hy vọng những quốc gia đang cấm cá cược có thể hủy bỏ quy định này. Bởi lẽ, mỗi nước cho phép cá cược hợp pháp có nghĩa là thị trường truyền hình của NHA sẽ lại tăng. Đồng thời, ngân sách của các CLB sẽ càng thêm dồi dào nhờ vào nguồn tài trợ từ các công ty cá cược đến từ châu Á. Ngoài ra, sở dĩ cho rằng thị trường châu Á vẫn còn giàu tiềm năng là do các công ty lớn ở khu vực này thật ra vẫn có nhu cầu cực lớn được quảng cáo trên áo đấu của NHA. Đấy là xu thế gần như tất yếu, khi các thương hiệu như AIA muốn mở rộng thị trường ra khắp thế giới thì việc xuất hiện trên áo đấu ở NHA là biện pháp nhanh nhất để cả thế giới biết tới họ khi xem truyền hình.
Theo Sportpromedia, công ty MP & Silva đã lấy lại được quyền phân phối BQTH Premier League trong giai đoạn 2016-2019 tại Nhật Bản từ IMG (cũng nắm giữ BQTH gói 2013-2016 tại Việt Nam). Chi tiết tài chính gói BQTH tại Nhật Bản của MP & Silva không được tiết lộ, nhưng được cho vào khoảng 90 triệu USD, gần gấp đôi (38 triệu USD) mà IMG đã trả. Nhật Bản là lãnh thổ thứ 52 mà công ty truyền thông thể thao có trụ sở tại Anh kiểm soát quyền phân phối BQTH Premier League giai đoạn 2016-2019. Trong nhóm này có Việt Nam, Mông Cổ, Hàn Quốc, Philippines và Quần đảo Thái Bình Dương.