11 cầu thủ Đồng Tháp cá độ và mối nguy của bóng đá Việt
Huỳnh Văn Tiến được xác định cầm đầu nhóm đánh bạc, cá độ ở đội U21 Đồng Tháp. Số tiền phạm pháp thu về, cả nhóm chia nhau. Không chỉ giải U21 quốc gia, các cầu thủ còn cá độ ở cả giải hạng Nhì.
Sau khi báo chí lên tiếng, trước sức ép của dư luận nên VFF mới vào cuộc một cách quyết liệt hơn. Án phạt đối với Huỳnh Văn Tiến và các cầu thủ Đồng Tháp dù vậy vẫn bị xem là “giơ cao đánh khẽ”.
Cụ thể ngoài số tiền phạt 5 triệu đồng, Huỳnh Văn Tiến bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá do VFF quản lý, tổ chức trong 5 năm. Nhóm 10 cầu thủ còn lại chỉ bị phạt 2,5 triệu đồng, đình chỉ tham gia các hoạt động bóng đá trong 6 tháng.
Mười cầu thủ U21 Đồng Tháp sau 6 tháng tới khi trở lại với bóng đá, liệu có đảm bảo sẽ không tiếp tục dính vào tiêu cực hay không? Không ai có thể chắc chắn câu trả lời.
Một thực trạng đáng lo ngại theo phản ánh của giới bóng đá, các giải trẻ và giải hạng Nhất, hạng Nhì hiện nay không được quan tâm đúng mức. Dư luận cũng ít “soi chiếu” nên tình trạng tiêu cực xảy ra không bị kiểm soát. Vụ bê bối ở trận đấu giữa đội U19 Đắk Lắk và U19 Bình Định cách đây không lâu là ví dụ khác, dẫn tới án phạt của VFF với một loạt cầu thủ, trong đó gồm cả thủ môn Y Êli Niê, vốn từng được HLV Park Hang Seo đánh giá tốt về chuyên môn.
Bóng đá trẻ là nền tảng của nền bóng đá, cơ sở cho sự phát triển lâu dài. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ngay từ giải trẻ, tiêu cực xảy ra tràn lan? Hệ quả sẽ ra sao nếu những cầu thủ như Huỳnh Văn Tiến hay thủ môn Y Êli Niê nếu được triệu tập vào các đội tuyển quốc gia rồi phát sinh tiêu cực?
Bóng đá Việt Nam đã có quá nhiều bài học trong quá khứ về các vụ việc tiêu cực mà kéo theo đó là “chảy máu” lực lượng, người hâm mộ và nhà tài trợ quay lưng. Năm 2014, vụ bán độ ở Ninh Bình đã khiến gần chục cầu thủ mất nghiệp, trong đó có cả những tài năng đầy triển vọng của bóng đá Việt Nam như Lê Quang Hùng, Nguyễn Gia Từ, Mạnh Dũng…
Xa hơn năm 2005, vụ tiêu cực ở CLB Ngân hàng Đông Á-Thép Pomina dẫn tới V.League mất một loạt trọng tài giỏi chuyên môn, VFF cũng mất 1 nhân sự “nguồn” đã trải qua quá trình đầu tư rất tốn kém trước đó là ông Vũ Tiến Thành. Từ vị trí Giám đốc điều hành CLB, HLV phó, phiên dịch cho các HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, ông Thành phải nhận án 36 tháng tù, cho hưởng án treo vì tham gia dàn xếp tỉ số.
Năm 2010 ở trận đấu giữa U19 Việt Nam với U19 Singapore tại giải U21 quốc tế, Phan Lưu Thế Sơn đã làm ngỡ ngàng sân Thống Nhất với pha ghi bàn vào lưới nhà “kinh điển”. Từ khoảng cách 40m, cầu thủ này đã quay người đưa thẳng bóng vào lưới nhà khi thủ môn đã lên cao.
“Ngựa quen đường cũ”, tới năm 2014 Thế Sơn có tên trong số 6 cầu thủ bị C45 bắt vì tham gia vụ bán độ ở đội Đồng Nai. Vụ bán độ ở SEA Games 2005 (Bacolod, Philippines) là một bài học khác, “thổi bay” cả một lứa cầu thủ tài năng của bóng đá Việt Nam.
“Trẻ không vin, lớn cậy ngành”, VFF và bóng đá Việt có lẽ vẫn chưa thuộc lời dạy của tiền nhân.