AFF Cup 2018: "Anh cả" Việt Nam và "đòn gió" của Thái Lan
Trong lịch sử 11 kỳ AFF Cup, Thái Lan không chỉ là nhà vô địch đầu tiên, đồng thời là đương kim vô địch, mà còn là đội bóng đăng quang nhiều nhất (5 lần). Bởi vậy, có thể khẳng định họ chính là đối thủ đáng gờm nhất trên con đường chinh phục AFF Cup 2018 của thầy trò Park Hang Seo.
Việt Nam là "anh cả" bảng A?
Việt Nam là một trong 2 đội được xếp hạt giống nhóm 1 của giải năm nay, cùng với ĐKVĐ Thái Lan. Kết quả bốc thăm được cho là thuận lợi khi ĐTVN cùng bảng A với Malaysia, Myanmar, Lào và Campuchia (bảng còn lại gồm Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philippines và Đông Timor).
Theo thống kê của FIFA, trong vòng 3 thập kỷ trở lại đây, ở cấp độ ĐTQG "A" (không giới hạn độ tuổi), Việt Nam từng đối đầu với Malaysia 16 trận, trong đó thắng 9, hòa 2 và thua 5 trận, ghi được 20 bàn và lọt lưới 17 lần. Trong 5 lần gặp nhau gần đây, Malaysia thắng 4 và chỉ thua 1 trận; thật đáng tiếc thay khi đó lại chính là trận bán kết lượt về trên sân Mỹ Đình tại AFF Cup 2014, khiến mục tiêu vào chung kết bất thành.
Với Myanmar, trong vòng 30 năm qua. ĐTVN cũng có thành tích đối đầu áp đảo: Thắng 7, hòa 2 và chỉ thua duy nhất 1 trận, ghi được 34 bàn vào lưới đối phương và chỉ lọt lưới 10 lần. Lần gặp nhau gần nhất tại AFF Cup 2016 ngay trên đất Myanmar có kết quả 2-1 nghiêng về ĐTVN khi ấy được dẫn dắt bởi HLV Hữu Thắng.
Thành tích đối đầu của ĐT Việt Nam với các đối thủ bảng A:
Malaysia: thắng 9, hòa 2, thua 5.
Myanmar: thắng 7, hòa 2, thua 1.
Lào: thắng 10, hòa 1, thua 0. Campuchia: thắng 8, hòa 0, thua 0.
Thống kê đối đầu với 2 đội còn lại (Lào và Campuchia) ấn tượng hơn nhiều. Lào chỉ hòa được 1 trận trong 10 lần đối đầu với ĐTVN, còn Campuchia toàn thua cả 8 trận.
Như vậy, nếu chỉ nhìn từ góc độ lịch sử mà thôi, thì ĐTVN nghiễm nhiên là "anh cả" tại bảng A. Tất nhiên đấy chỉ là trên lý thuyết, vì Malaysia đã 1 lần vô địch AFF Cup vào năm 2010 (VN vô địch năm 2008), còn Myanmar cũng từng có lịch sử huy hoàng ở châu Á hồi những năm 1950-1970 và hiện đang rất nỗ lực để tìm kiếm khả năng gây bất ngờ tại bảng đấu này với một HLV người Đức.
Với rất đông cầu thủ từ lứa U.23, đội tuyển Việt Nam hiện tại có độ tuổi trung bình trẻ nhất lịch sử, lần đầu tiên được dẫn dắt bởi 1 HLV người Hàn Quốc, và đang khao khát sẽ tái lập thành tích giành cúp vô địch sau đúng 10 năm. Nhưng trước tiên, đội tuyển của chúng ta cần thi đấu tốt để đứng đầu vòng bảng, qua đó có thể tránh Thái Lan - đối thủ sừng sỏ nhất ở vòng bán kết!
"Bá chủ" của khu vực Thái Lan cũng chơi... đòn gió
Lịch sử 11 kỳ AFF Cup chứng kiến đội tuyển Thái Lan đoạt chức vô địch vào các năm 1996, 2000, 2002, 2014 và 2016, cùng 3 lần giành ngôi Á quân (2007, 2008 và 2012). Nếu 3 lần vô địch đầu tiên, Thái Lan sở hữu một "Thế hệ vàng" với rất nhiều cầu thủ xuất chúng như Kiatisuk, Dusit, Tawan, Natipong, Worrawoot... thì trong 2 lần vô địch gần đây họ có những tên tuổi rất đáng chú ý như Chanathip Songkrasin - 2 lần liên tiếp là cầu xuất sắc nhất giải, Teerasil Dangda - trung phong lợi hại, Tristan Do - tiền vệ tổ chức, Sarach Yooyen - tiền vệ phòng ngự tài năng...
Đặc biệt, trong 2 ngôi vô địch liên tiếp 2014 và 2016, phải đề cập tới vai trò hết sức quan trọng của HLV trưởng Kiatisuk Senamuang, người đã cùng một lứa tài năng trẻ giúp bóng đá Thái Lan lấy lại vị thế trong khu vực sau 5 kỳ AFF Cup liên tiếp để mất ngôi vào các đối thủ khác (Singapore 2004, Singapore 2007, Việt Nam 2008, Malaysia 2010 và Singapore 2012).
Thành tích đối đầu ĐT Việt Nam - ĐT Thái Lan:
Thắng 2, hòa 4, thua 14.
Hai trận thắng của ĐT Việt Nam diễn ra ở bán kết AFF Cup 1998 (3-0) và chung kết lượt đi AFF Cup 2008 (2-1).
Đầu năm nay, LĐBĐ Thái Lan (FAT) bổ nhiệm tân HLV trưởng thay thế Kiatisuk. Đó là một tên tuổi rất đáng chú ý: Milovan Rajevac, HLV kỳ cựu người Serbia từng dẫn dắt các đội tuyển quốc gia Ghana, Qatar và Algeria. Ông thầy 64 tuổi đem đến cả ê-kíp đồng hương, bao gồm HLV phó, trợ lý HLV thủ môn, trợ lý HLV thể lực...
Hẳn nhiều người vẫn nhớ, Rajevac đã đưa tuyển Ghana vào tới tứ kết World Cup 2010, thậm chí suýt lập kỳ tích vào bán kết khi chỉ chịu thua Uruguay bởi loạt sút luân lưu.
Sau đó, dư luận lại râm ran về việc Rajevac bỏ qua một loạt cái tên như Dangda, Channathip, Kawin hay Bunmathan... để thay bằng nhiều gương mặt mới, trong đó có tới 5 hậu vệ là các "Thái kiều" đến từ châu Âu.
Nhưng tất cả đều chỉ là "đòn gió". Sự thật là, trong trận thắng Trinididad & Tobago mới đây, tuyển Thái Lan lại gần như đủ mặt anh tài, với Bummathan ở hàng thủ, Channathip - cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 2014 và 2016 - ở khu vực giữa sân, hay "sát thủ" Teerasil Dangda trong vai trò trung phong. Vậy mới nói, không thể tin được những "chiêu trò" của một HLV lão làng và thật sự tinh quái như Rajevac!
Thái Lan chắc chắn vẫn sẽ là đối thủ đáng gờm nhất đối với ĐTVN trên hành trình tiến tới ngôi vương Đông Nam Á, điều mà người hâm mộ bóng đá nước nhà đã khao khát chờ đợi suốt 10 năm qua.
Tác giả: Hữu Bình