Bất cập ở bộ phận chuyên môn VFF (tiếp): Ông chủ giúp việc cho người làm thuê
Lãnh đạo giúp việc cho “người làm thuê”
Đó là thực tế, khi triều đại HLV Toshiya Miura bắt đầu ở ĐTVN. Thời điểm đó, ông thầy người Nhật đặt vấn đề với 2 cựu HLV trưởng ĐTVN là ông Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc lên hỗ trợ, giúp đỡ. Tuy nhiên, đích thân ông thầy người Nhật đặt vấn đề nhưng không thuyết phục được 2 ông thầy nội. Trong khi đó, với những gì đã đối xử thì VFF không thể nói chuyện với ông Hùng và ông Phúc. Hàng loạt HLV nội từ chối, trong đó có những người từng lên Tuyển làm trợ lý và được đánh giá tốt về năng lực, tính cách và sự phù hợp. Không tìm nổi người, VFF phải nhấc HLV Lê Tuấn Long đang làm Trung tâm đào tạo trẻ VFF và cả Trưởng phòng các ĐTQG Mai Đức Chung lên như biện pháp “chữa cháy”.
Đây thực sự là cách làm không giống ai, nhất là với những người làm chuyên môn. Nó cho thấy rất nhiều vấn đề bất cập trong việc điều hành hay vận hành các bộ máy ở VFF. Để biết được tính chuyên môn cao hay thấp của VFF người ta thường nhìn vào Hội đồng HLVQG, nơi vạch ra chiến lược, chăm lo cho hệ thống đào tạo trẻ và thẩm định tư vấn trong việc bố trí HLV các tuyến của các ĐTQG. Nói dễ hiểu như HLV Lê Thụy Hải, họ là những người cấp trên của HLV trưởng, nghĩa là có quyền phản biện, chỉ đạo và kiểm soát.
Thế nhưng, từ vị trí của Trưởng phòng các ĐTQG và thành viên của Hội đồng HLVQG, HLV Mai Đức Chung lại ngồi ghế trợ lý cho HLV Miura. Ông Chung là người giúp việc, phụ tá cho ông thầy người Nhật. Từ vị trí của người đại diện VFF và chịu trách nhiệm, ông Chung lại thành người giúp việc cho chính người được VFF thuê về làm HLV trưởng.
Và từ giúp việc lại lên làm quan
Ngồi vị trí trợ lý cho HLV Miura chưa lâu, khi ĐT nữ Việt Nam khuyết vị trí HLV trưởng sau khi HLV Trần Vân Phát nghỉ còn VFF chưa tìm được người thay thế, Trưởng phòng các ĐTQG Mai Đức Chung lại được điều động sang dẫn dắt đội tham dự Asian Games 17. Tại giải đấu này, ông Chung đã đưa các cô gái Việt Nam đoạt hạng Tư, sau khi để thua Hàn Quốc với tỷ số 0-3 trong trận tranh HCĐ.
Chiếc ghế Trưởng phòng các ĐTQG bỏ trống sau khi ông Chung ra đi, mới đây Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã chấp thuận cho ông Chung quay trở lại đảm nhiệm, bởi ở bộ phận này hiện VFF không có nhân sự, sau khi cựu cầu thủ Phạm Như Thuận cũng được “chắp cánh” từ đây để về ngồi vào ghế HLV trưởng T.Quảng Ninh. Và giờ, sau khi ông Trần Quốc Tuấn rút lui khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng HLVQG, ông Chung lại tiến cử ngồi thay vị trí. Một vòng tròn luẩn quẩn cứ thế trong nhiều năm và nó đã có từ thời ông Mai Đức Chung còn làm Trưởng bộ môn bóng đá ở Tổng cục TDTT hay chính vị trí Trưởng phòng các ĐTQG ở các nhiệm kỳ trước.
Từ cách chọn người, đặt tiền tin hay những zíc-zắc phía sau của những cái đã cho thấy nhiều điều về cái gọi là “bộ phận chuyên môn” ở VFF. Và với những vấn đề bất cập như vậy, cựu PCT VFF và từng làm Chủ tịch Hội đồng HLVQG, chuyên gia Lê Thế Thọ phải dùng tới từ “lũng đoạn để phá hoại….”.
Sau khi chia tay B.Bình Dương, ông Mai Đức Chung lại được “dọn đường” để quay lại làm việc tại phòng các ĐTQG. Lý do, phòng ban quan trọng nhất ở VFF lâu nay không có người làm.
"Hội đồng HLVQG có 4 người, trong đó có 2 ủy viên là ông Mai Đức Chung và HLV Lê Huỳnh Đức. Thế nhưng kể từ ngày đại hội VFF tháng 3 năm ngoái, chúng tôi đã được mời họp ngày nào đâu? Chẳng hoạt động gì, chẳng được ai hỏi ý kiến. Họ cứ bày ra như thế chứ Hội đồng gần như “hữu danh, vô thực”. VFF đã không tôn trọng những thành viên còn lại của Hội đồng. Việc mời HLV Miura hay Takashi, chúng tôi cũng không được hỏi han, tham khảo mà chỉ được báo ngắn gọn là ông Miura do PCT LĐBĐ Nhật giới thiệu và sẽ được tài trợ tiền lương…”.
PCT Hội đồng HLVQG Nguyễn Sỹ Hiển.