Nhà báo Nguyễn Nguyên: Bơi trong ao và lội ra biển
Hồi mới nhậm chức HLV trưởng ĐTVN năm 1998, HLV Alfred Riedl có hỏi: “Tôi không hiểu tại sao những nhà làm bóng đá khi thương thảo với tôi cứ nhấn mạnh đến SEA Games và Tiger Cup (nay là AFF Cup) là những giải mà tôi hoàn toàn không biết và không thấy trên hệ thống thi đấu của FIFA trong khi những giải đấu như cúp châu Á hoặc vô địch châu Á, Asiad… thì lại chẳng thấy họ thiết tha đề cập?”.
Câu hỏi đấy ông Riedl thắc mắc vào tháng 9/1998 và giải thích thế nào ông Riedl cũng không hiểu. Cho đến khi ông dẫn dắt ĐTVN tham dự Asiad 13 tại Bangkok và trở về trước dịp Noel 1998 thì ông mới thú nhận mình đã hiểu và hiểu một cách tường tận nữa là đàng khác.
Nhưng không chỉ ông Riedl thắc mắc điều đó. Các HLV như Weigang, Letard hay Dido, Tavares… và hiện tại là Miura cũng hay thắc mắc về việc tại sao BĐVN chỉ thích bơi trong ao mà không thích lội ra biển. Đời HLV nào cũng có cảm nhận rất rõ là những nhà điều hành BĐVN chỉ đầu tư và chú trọng vào sân chơi Đông Nam Á giữa 10 đội trước đây và sau này khi có Đông Timor nữa là 11 đội chơi với nhau. Đó là vì chơi trong ao thì có thành tích và có những cái trước mắt từ việc làm NHM sung sướng đến có những thu hoạch cụ thể như dễ kêu gọi tài trợ, dễ có thưởng và cũng dễ có những cái để báo cáo.
Còn bước ra sân chơi châu Á thì luôn tự ti rằng đi đá cho xong rồi về, bởi các đối thủ quá mạnh và có cố gắng thì cũng “không có phần” ở sân chơi châu Á.
Tôi còn nhớ năm 1998, trước lượt trận cuối, khi đưa trung vệ Đỗ Khải từ tỉnh Nakhon Sawan, Thái Lan (nơi ĐTVN đá vòng bảng Asiad 13 – 1998) ra sân bay để về Việt Nam thi đấu trận Play-off cho Hải Quan thì chính trung vệ này chia sẻ trong buồn bã: “Thầy Riedl nản lắm vì các sếp chẳng có đầu tư lẫn thăm hỏi gì cả. Tập trung thì qua loa, chế độ thì kém cỏi chẳng bằng một góc hồi đá Tiger Cup 1998 tại Hà Nội nên thầy buồn lắm chỉ biết động viên tụi em chơi hết mình thôi…”.
Sau đó thì ông Riedl cũng “nhập gia tùy tục”, tức ông biết chỉ những giải trong ao làng thì được đầu tư chu đáo còn đá giải châu Á thì đừng có mơ mà được đầu tư tốt vì cũng chẳng ai ghi nhận.
Bây giờ với ông Miura thì cũng thế. Vì vậy mà nỗ lực của ông cũng chỉ mình ông với các học trò hiểu và chỉ tiêu cũng do ông đưa ra trong khi chỉ tiêu của VFF chỉ là cố thắng một trận.
Vài ngày nữa thầy trò ông Miura vào sân chơi lớn với mục tiêu vào tứ kết nhưng lạ ở chỗ ít ai tin mục tiêu đấy thành sự thật.
Ít tin bởi nhìn vào sự chuẩn bị và những trục trặc lẫn đầu tư đều cho thấy hình như chẳng ai muốn lội ra biển trừ ông Miura đặt chỉ tiêu cũng giống như lời chào tạm biệt.