Bóng đá Indonesia xuống dốc: Hệ lụy từ những rắc rối ngoài sân cỏ
ĐT Indonesia không thể coi là một nền bóng đá yếu trong khu vực. Môn thể thao vua có lịch sử khá lâu đời tại đất nước vạn đảo. Họ thậm chí còn từng tham dự giải vô địch bóng đá Thế giới năm 1938 (tiền thân của World Cup) khi những Việt Nam, Thái Lan còn chưa thể định hình nền bóng đá.
Thế nhưng, ĐT Indonesia lại chưa từng vô địch giải bóng đá Đông Nam Á. Thành tích tốt nhất của họ chỉ là 5 lần giành ngôi vị Á quân. Và sau trận chung kết AFF Cup 2016, "Đại bàng Garuda" chỉ còn là cái bóng của chính mình.
Án phạt của FIFA
Những năm gần đây, bóng đá Indonesia xuống dốc một cách thê thảm. Cột mốc để đánh dấu từ án phạt cấm tham dự giải đấu chính thức của FIFA, AFC vào 30/5/2015. LĐBĐ Thế giới phạt bóng đá Indonesia vì để chính phủ can thiệp vào hoạt động của LĐBĐ nước này (PSSI), dẫn đến việc trì hoãn các giải đấu trong nước.
“Quyết định đình chỉ PSSI có hiệu lực ngay lập tức và cho đến khi PSSI có thể thực hiện các quyền hạn của mình”, trích thông báo của FIFA.
Án phạt ấy đã cướp đi vòng loại World Cup 2018, Asian Cup 2019 của ĐTQG Indonesia cũng VCK U23 Châu Á 2018 của U23 Indonesia. Những sự kiện đủ nâng tầm cả một nền bóng đá, Việt Nam chính là ví dụ ngày trước mắt.
Có thể nói, những lùm xùm về việc Chính phủ can thiệt quá sâu vào quyền lực của LĐBĐ đã diễn ra từ lâu tại Indonesia. Tuy nhiên, những quan chức đầu ngành của Indonesia cho rằng, FIFA sẽ không làm chặt bởi thời điểm đó cơ quan này đang dính bê bối tham nhũng. Song, án phạt cuối cùng đã được đưa ra và nó không khác gì một đòn giáng mạnh vào "cơ thể mục ruỗng" sẵn có của bóng đá xứ vạn đảo.
Bạo lực, bạo động sân cỏ
Nhìn vào nền bóng đá Indonesia, khán giả dễ dàng nhận thấy nhất là bạo động và bạo lực sân cỏ. "Đại bàng Garuda" vốn nổi tiếng với lối đá rắn, chịu khó va chạm bậc nhất Đông Nam Á. Điều này có thể đã được trui rèn từ những vụ ẩu đả, phạm lỗi triệt hạ "như cơm bữa" tại giải quốc nội.
Năm 2017, thủ môn Choirul Huda của CLB Persela Lamongan (giải VĐQG Indonesia) đã qua đời sau một tình huống va chạm kinh hoàng với người đồng đội Ramon Rodrigues. Đây có thể không phải là một pha ẩu đá, một pha bóng ác ý có chủ đích. Nhưng điều đáng nói là người hâm mộ lấy chính vụ việc này để gióng hồi chuông cảnh tỉnh về nạn bạo lực sân cỏ tại Indonesia, nơi mà cầu thủ luôn ham bóng quá mức. Đã hai năm trôi qua kể từ sau sự kiện ấy, nhưng hệ lụy của bạo lực sân cỏ vẫn còn nguyên.
Các cầu thủ, các CĐV Indonesia vẫn thường vướng vào các vụ bạo động. Gần đây nhất, nhóm CĐV quá khích của "Đại bàng Garuda" đã đốt pháo sáng làm loạn, ném đá và vật cứng về phía CĐV của Malaysia tại "chảo lửa” Gelora Bung Karno. Trận đấu giữa hai đội phải tạm hoãn nhiều lần và cũng có không ít các ultra Malaysia bị thương. Dù đã có rất nhiều lực lượng an ninh can thiệp, nhưng luôn là chưa đủ với ý thức và tinh thần hiếu chiến của CĐV Indonesia.
Đây tiếp tục là một sự việc đáng xấu hổ với nền bóng đá Indonesia. Ngay sau đó, LĐBĐ Malaysia xác nhận sẽ khiếu nại với FIFA về sự hung hăng của CĐV Indonesia cùng khả năng an ninh không đảm bảo tại sân Gelora Bung Karno. Kết quả tới nay ai cũng biết, PSSI buộc phải chuyển địa điểm diễn ra trận đấu với tuyển Việt Nam, từ Jakarta về Bali. Một sự chữa cháy khẩn cấp nhưng kịp thời.
Những lùm xùm ngoài sân cỏ khiến bóng đá trẻ tại Indonesia không thể phát triển ngang hàng với các đội tuyển trong khu vực. Bị FIFA cấm tham dự các giải đấu, những cầu thủ trẻ của Indonesia không có một môi trường tốt để chơi bóng và PSSI đành phải dùng cầu thủ nhập tịch để lấp chỗ trống. Ba năm kể từ sau AFF Cup 2016, những Công Phượng, Ngọc Hải, Duy Mạnh hay Văn Thanh tiếp tục cùng bóng đá Việt Nam lên tầm châu lục. Trong khi đó, các công thần của Indonesia chỉ còn lại số ít và "Đại bàng Garuda" cũng chỉ còn sự oai hùng trong quá khứ.
Trong trận đấu vào lúc 18h30 tối nay (15/10), ĐT Indonesia sẽ phải dùng niềm tin, vận may từ thành tích 23 năm bất bại trước tuyển Việt Nam trên sân nhà để quyết đấu thầy trò HLV Park Hang-seo.