BQTH Premier League - Khi Ban tổ chức bày "ma trận" làm giá
Điều đầu tiên phải nhắc đến đó là thị trường châu Á đã đóng góp ở mức nào trong doanh thu mà BTC Premier League thu về khi bán gói BQTH giải đấu trên khắp thế giới. Chẳng nói đâu xa, tính từ cột mốc 2010, khi giá trị gói BQTH giải Ngoại hạng bán ra ở thị trường nước ngoài lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ bảng, chính xác là 1,437 tỷ bảng cho gói 2010-2013, châu Á đã góp vào tới 531 triệu bảng, tức chiếm khoảng 30%. Và khi gói BQTH Premier League 3 mùa hiện tại (2013-16) ở thị trường nước ngoài mang về cho BTC 2,23 tỷ bảng (tăng 55% so với gói cũ) thì số tiền mà các nước châu Á bỏ tiền ra để sở hữu bản quyền giải đấu đã vọt lên tận 941 triệu bảng (tương đương 1,47 tỷ USD). Tức chỉ sau 3 năm, từ 2010 đến 2013, số tiền châu Á bỏ ra mua BQTH Premier League đã tăng lên tới 77%. Và theo những con số mới nhất được công bố hồi đầu năm nay, số tiền châu Á ước bỏ ra mua BQTH giải Ngoại hạng 3 mùa tới là 1,26 tỷ bảng, tương đương với mức tăng 35%. Nhưng đây có phải dấu hiệu cho thấy giá giao dịch BQTH Premier League ở khu vực này đã hết tăng trưởng nóng và các quốc gia ở châu Á có thể mua rẻ hơn trước?
Câu trả lời chắc chắn là: Không! Bởi sự thật là châu Á vẫn phải bỏ ra nhiều tiền hơn 3 năm trước và nếu tỷ lệ tăng giá có giảm còn 35% thì bởi đó chỉ là hệ quả từ cách thức tiếp cận thị trường cực kỳ bài bản, khôn khéo và cao tay từ BTC Premier League. Thật vậy! Kể từ gói 2013-16, lần đầu tiên BTC Premier League không cho các công ty tiếp thị như IMG và MP & Silva tham gia đấu thầu ở Australia, Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Thay vào đó, người Anh trực tiếp đàm phán với các nhà Đài có tiềm lực mạnh nhất tại đây nhằm củng cố quan hệ, gia tăng tầm ảnh hưởng. Sở dĩ BTC Premier League làm thế bởi những thị trường như Thái Lan, Singapore, Indonesia hay Malaysia vốn đã có lượng Fan ruột của giải Ngoại hạng cực kỳ đông đảo còn những CLB Anh cũng đã khai thác tốt các thị trường này (bằng HĐ quảng cáo, du đấu mùa Hè, bán đồ lưu niệm...).
Và điều quan trọng là giá BQTH ở đây đã được đẩy lên cao ngất ngưởng, ngưỡng có thể xem như chạm sàn. Ví như CTH đã bỏ ra 204 triệu bảng mua BQTH 3 mùa hiện tại ở Thái Lan (và cả khu vực Lào, Cambodia), còn Singtel cũng bỏ ra 190,1 triệu bảng để nắm quyền phát sóng ở Singapore và tại Malaysia bản quyền có giá 120 triệu bảng nằm trong tay Astro. Và trong gói BQTH 3 năm tới, tại Thái Lan, BeIn Sports thắng thầu với giá khoảng 197 triệu bảng (giảm khoảng 3-4%). Ở Indonesia nhà Đài đến từ Qatar này cũng mua bản quyền 3 mùa tới với giá 52 triệu bảng, giảm khoảng 16% so với gói cũ và ở Singapore, Singtel cũng mua rẻ hơn 5-6%.
Rõ ràng, với những quốc gia kể trên, BTC Premier League không cần đến những đối tác thứ ba như IMG hay MP&Silva. Nhưng với nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, “cò trung gian” như IMG hay MP&Silva chính là “những chiếc máy bơm” gián tiếp giúp BTC Premier League đẩy dần giá BQTH giải đấu lên ngưỡng mà họ cho thấy thỏa mãn và tương xứng với một thị trường có hơn 90 triệu dân, độ tuổi dân số trẻ, yêu bóng đá cuồng nhiệt và đặc biệt yêu thích giải Ngoại hạng. Điều đó lý giải vì sao nếu giai đoạn 2010-2013 Việt Nam tốn 6 triệu bảng để mua bản quyền thì 3 năm trước con số này đã đội lên thành xấp xỉ 26 triệu bảng và giờ MP&Silva thậm chí thét giá 56 triệu bảng (hơn 80 triệu đô la).
Đó là con số mà rất nhiều người cho là... điên rồ. Nhưng với MP&Silva và BTC Premier League, đó không phải con số ngoài sức tưởng tượng. Và sự thực, dù Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPay TV) đã nỗ lực liên kết các nhà Đài thành một mối để tìm cách mua với giá tăng không quá 20% so với gói hiện tại, thì MP&Silva cũng đáp trả bằng việc biện dẫn rằng: BTC Premier League nghiêm cấm việc hình thành các liên doanh, các tổ chức với nhiều thành viên cùng tham gia đấu thầu, mà chỉ thỏa thuận trực tiếp với các đài truyền hình riêng lẻ bất kỳ. Quan trọng hơn, nội bộ VNPay TV cũng không thống nhất khi K+ đã tách ra đàm phán riêng lẻ. Điều đó cho thấy vẫn có nhà Đài ở Việt Nam muộn chạy theo mức giá trên trời để nắm BQTH giải Ngoại hạng. Và như thế tất cả diễn ra theo đúng những nước cờ mà người chơi là BTC Premier League đã sắp đặt trước.
Trong khu vực châu Á, Australia là thị trường chi tăng bạo tay nhất để mua gói BQTH Premier League 3 mùa tới. Optus (công ty con của Singtel) đã bỏ ra 131 triệu bảng, tăng hơn 200% so với giá trị gói BQTH hiện tại, để đánh bại Fox Sports giành quyền phát sóng Premier League 3 mùa tới. Trong khi đó, ở Hong Kong, NowTV từng trả 128 triệu bảng (200 triệu đô la) để mua bản quyền gói hiện tại cách đây 3 năm. Nhưng trong cuộc đấu thầu hồi cuối năm ngoái, LeTV, công ty truyền thông đến từ Trung Quốc chấp nhận trả gấp đôi giá hiện tại, tức 256 triệu bảng để giành lấy quyền phát sóng 3 mùa tới tại Hong Kong.
Giá BQTH Premier League tại Trung Quốc cực kỳ... “bèo”, chỉ là 10,7 triệu bảng/năm. Nhưng đấy là bởi Trung Quốc đã mua gói 6 năm, tức đến hết 2019. Và xét về lĩnh vực truyền hình trả tiền, thị trường Trung Quốc vẫn chưa thật sự bùng nổ. Nhưng khi chính phủ Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào bóng đá và BTC Premier League cũng có sách lược cụ thể cho thị trường đông dân nhất thế giới này, việc giá BQTH tăng mạnh sẽ chỉ là vấn đề thời gian.