BQTH Premier League tại Việt Nam - “Thượng đế” được hưởng lợi?
Hồi giữa tháng này MP&Silva đã gửi thông tin chính thức tới các cơ quan báo chí để lý giải về việc từ chối đề nghị mua bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh (EPL) của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV). Nói rõ hơn, MP&Silva (và BTC Premier League) không chấp nhận một liên minh các nhà đài đứng ra đàm phán và đặc biệt là mức giá hỏi mua tăng không quá 20% so với giá trị gói BQTH 3 mùa hiện tại.
Khi ấy MP&Silva viện dẫn việc tăng giá gói BQTH giải Ngoại hạng là “theo mức tăng chung của BTC”. Công ty này cũng chỉ ra rằng giá gói BQTH Premier League ở Thái Lan, Malaysia hay Singapore cao gấp nhiều lần so với Việt Nam dù dân số ở các quốc gia này ít hơn hẳn. Tất cả dẫn tới con số sau cùng là 80 triệu USD mà MP&Silva đặt giá cho gói 2016-2019. Giờ thì rốt cuộc cũng có nhà đài ở Việt Nam giành được bản quyền phát sóng, đó là K+. Không bàn đến chuyện K+ phải trả bao nhiêu để sở hữu bản quyền 3 mùa tới, mà việc đơn vị này tiếp tục nắm độc quyền giải đấu, thậm chí tính chất “độc quyền” còn nhiều hơn so với 2 gói gần nhất (2010-2013, 2013-2016), thì câu hỏi quan trọng đặt ra là: NHM liệu sẽ được hưởng lợi gì, hay ngược lại sẽ thấy… khó chịu nhiều hơn, bởi đến giờ ngoài K+ chưa có bất kỳ nhà đài nào khác ở Việt Nam công bố sở hữu một phần nhất định của gói bản quyền?
Được biết, sau khi phát đi thông cáo báo chí tuyên bố sở hữu gói BQTH Premier League mùa tới, K+ cũng gửi kèm thông điệp về mức giá thuê bao “hấp dẫn” 125.000 đồng/tháng. Trước đấy, mô hình “chất lượng cao, giá cước cao” đã giúp K+ sớm đạt điểm hòa vốn (tháng 6/2015) và bắt đầu có lãi. Tuy nhiên, hạn chế là lượng thuê bao không phát triển nhanh chóng và vì thế đơn vị này đã có bước đi quan trọng là sáp nhập 2 gói Access và Premium HD+ thành 1 gói duy nhất là Premium+, với phí 125.000/tháng, giá này chỉ bằng một nửa so với gói cao cấp Premium HD+ trước đó. Điều này có nghĩa, giờ chỉ cần trả thuê bao 125.000 đồng/tháng có thể xem trọn vẹn các trận đấu trên K+, gồm các trận độc quyền ngày Chủ nhật và đá sớm tối thứ Bảy. Làm một phép tính đơn giản, giải Ngoại hạng kéo dài trong 10 tháng (tháng 8 tới tháng 5 năm sau), vậy nên một mùa NHM sẽ phải trả 1,25 triệu đồng để thưởng thức “món ăn tinh thần” ưa thích bậc nhất của họ. Và nếu trung bình mỗi vòng K+ phát sóng từ 4-5 trận trực tiếp, khoảng 180-190 trận/mùa, tức NHM chỉ phải trả xấp xỉ 7.000 đồng để xem một trận đấu.
Rõ ràng, số tiền thuê bao 125.000 đồng/tháng là chấp nhận được trong mặt bằng chung giá thuê bao truyền hình trả tiền ở Việt Nam hiện tại, đặc biệt trong bối cảnh K+ nắm độc quyền gói Premier League. Và con số 7.000 đồng để xem 1 trận đấu ở nhà cũng kinh tế hơn nhiều nếu so với việc ra các quán café và chi phí tối thiểu 15.000-20.000 xem trận đấu. Nhưng cũng phải đặt ra câu hỏi là liệu các nhà đài khác có mua bản quyền phát sóng những gói nhỏ hơn như hai giai đoạn gần nhất (2010-2013, 2013-2016) để NHM có nhiều hơn một lựa chọn. Và đặc biệt, nếu K+ độc quyền ôm hết quyền phát sóng 3 mùa tới, thì số tiền thuê bao được cho là “hấp dẫn”: 125.000 đồng/tháng, sẽ giữ trong bao lâu?
Một điều dễ thấy, K+ phải hạ giá gói cước và mua bằng được BQTH Premier League để tiếp tục mở rộng thị trường thuê bao qua đó giải quyết bài toán lỗ lũy kế đã ở mức đáng báo động (gần 2.000 tỷ đồng). Trong bài trả lời phỏng vấn mới nhất trên tờ VNEconomy, ông Lê Chí Công, TGĐ của K+ thừa nhận đơn vị này đang phải chịu cảnh lãi mẹ đẻ lãi con từ khoản tiền đi vay, mỗi năm phải trả lãi vay tới 5 triệu đô la và nếu không mua được gói BQTH Premier League 3 mùa tới thì tình hình thua lỗ sẽ càng nghiêm trọng. Giờ thì K+ đã có “vũ khí” quan trọng nhất trong tay, đó là gói BQTH, và hẳn họ biết rõ sẽ phải khai thác thương mại tối đa từ đó như thế nào. Nói một cách đơn giản nhất, là “đánh” trực tiếp vào giá thuê bao, tức một khi không có sự đảm bảo rõ ràng về giá thuê bao thì năm tới hoặc kể từ mùa 2017/18 hay thậm chí ngay đầu mùa tới 2016/17, K+ hoàn toàn có thể tăng giá thuê bao trở lại và điều này ảnh hưởng tới túi tiền của NHM.
6 năm qua NHM đã quen với việc không xem những trận độc quyền vào ngày Chủ nhật (Super Sunday) của K+ bằng mọi giá, nên nếu có “nhịn” 3 mùa nữa cũng chẳng thành vấn đề. Mà vấn đề là nếu những nhà đài khác không nhảy vào mua các gói nhỏ hơn để cung cấp còn lại trong thứ Bảy, thứ Hai và giữa tuần, để K+ độc quyền phát sóng tất cả, khi ấy NHM - những Thượng đế trong chuỗi phục vụ - sẽ phải chạy theo người bán hàng là K+ bởi họ gần như không thể “nhịn đói” cả mùa không xem trận đấu nào ở giải Ngoại hạng.