Các Liên đoàn bóng đá địa phương: Sống trong cảnh “sống mòn”?
Trên website của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), có tổng số 71 thành viên trực thuộc của VFF được cập nhật sau Đại hội VFF khóa VIII ngày 8/12/2018. Trong đó, có 20 LĐBĐ địa phương; bao gồm: Hải Phòng, Hà Nội, Kon Tum, Long An, Tây Ninh, Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Định, Lạng Sơn, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Bến Tre, Thừa Thiên Huế, TP. HCM, Cần Thơ, Bình Dương, Quảng Ngãi và Thái Nguyên.
Theo tìm hiểu, để được công nhận là thành viên của VFF và sinh hoạt thường xuyên thì một trong tiêu chí bắt buộc của LĐBĐ địa phương là phải đóng tiền niên liễm. Tuy nhiên, rất nhiều địa phương không đáp ứng yêu cầu này. Thực tế, để duy trì bộ máy hoạt động đúng theo các Ban như VFF (tức là có Ban chấp hành, Ban Tổng thư ký, Ban Trọng tài, Ban Truyền thông,…) đòi hỏi về nguồn lực con người và đặc biệt là kinh phí.
Thế nhưng, một trong khâu yếu nhất của các địa phương là kinh phí. LĐBĐ địa phương thuộc tổ chức xã hội nghề nghiệp nên tự thân các LĐBĐ phải vận động. Họ phải kêu gọi được nguồn kinh phí thông qua xã hội hóa. Song, đây là vấn đề nan giải khiến nhiều LĐBĐ “trôi tay” và tự giải thể. Không có nguồn kinh phí, rất nhiều LĐBĐ hoạt động cầm chừng.
“Từ lâu, chúng tôi không thấy Liên đoàn bóng đá tỉnh nhà hoạt động”, một lãnh đạo CLB đang chơi ở giải hạng Nhất cho biết. Hay như một địa phương “máu” bóng đá như Nam Định cũng không có LĐBĐ tỉnh nhà. “Liên đoàn bóng đá Nam Định đã không còn hoạt động nữa. Thật sự tôi cũng không rõ cơ quan này giải thể hay dừng lại từ lúc nào. Nhưng từ lâu rồi CLB Nam Định không có sự liên quan hay làm việc với liên đoàn bóng đá Nam Định”, GĐĐH CLB Nam Định, Trần Thái Toán cho hay.
Trong khi đó, Liên đoàn bóng đá Thừa Thiên Huế cũng khá mờ nhạt ở các hoạt động chuyên môn. Dự kiến, trong thời điểm này, Đại hội LĐBĐ tỉnh được tổ chức nhưng vì dịch COVID-19 nên khả năng dời sang năm 2021. Hoạt động mang tính thường xuyên của LĐBĐ Thừa Thiên Huế là phối hợp với Liên đoàn bóng đá Na Uy tổ chức các hoạt động thăm các cơ sở bảo trợ, hay tổ chức hoạt động bóng đá vui. Còn vấn đề hoạt động chuyên môn khá ít ỏi, thỉnh thoảng phối hợp với Sở Văn hóa & Thể thao tập huấn trọng tài cho các huyện, thị xã.
LĐBĐ Hà Nội (HNFF) sau nhiều năm không tổ chức đại hội, bị thu con dấu và hoạt động cầm chừng vừa tổ chức lại vào sáng 5/9. 16 năm qua, LĐBĐ Hà Nội bỏ trống chức Chủ tịch và sống trong cảnh "chết yểu". Hầu hết các LĐBĐ địa phương trên cả nước rơi vào tình cảnh "sống mòn". Điểm sáng le lói là Liên đoàn bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh.
“TP. HCM là địa phương hiếm hoi hoạt động chuyên nghiệp, mô hình giống VFF”, một thành viên của LĐBĐ ở một tỉnh miền Trung cho biết. Theo ông Ngô Lê Bằng, Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá TP. HCM (HFF), bộ máy của HFF được kiện toàn, làm việc và hoạt động khá tốt ở mọi mảng như bóng đá phong trào, futsal, bóng đá học đường,…
Ông Bằng cho hay: “Bên cạnh đó, HFF còn tổ chức phối hợp với nhiều liên đoàn khác để mở lớp, dạy lớp khai giảng về bóng đá học đường hoặc futsal”.
Liên đoàn bóng đá TP.HCM có mối quan hệ mật thiết với các đội bóng đang thi đấu ở các thuộc hệ thống của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Ví dụ như hai đội bóng Sài Gòn FC và CLB TP.HCM, Liên đoàn bóng đá TP.HCM cung cấp VĐV trẻ từ tuyến trẻ để tham dự lứa U. HFF có học viện bóng đá Lyon, thành viên Trung tâm bóng đá Lưu Ngọc Hùng, có những VĐV được bổ sung năng khiếu, lên tuyến U thi đấu các giải thuộc hệ thống Liên đoàn bóng đá Việt Nam, cầu thủ trẻ của hai đội bóng ở TP.HCM.
“Tùy mỗi liên đoàn bóng đá ở các tỉnh, họ sẽ có mối quan hệ về quản lý con người hay tài chính với từng đội bóng. Nếu các đội bóng đã cổ phần hóa, giao cho doanh nghiệp thì Liên đoàn không có quyền tham gia việc tuyển người, các thành viên ban huấn luyện như HLV trưởng hay nguồn VĐV cho đội bóng đang chơi ở giải chuyên nghiệp. Với Liên đoàn bóng đá TP.HCM, chúng tôi không tham dự vào hoạt động của hai đội bóng Sài Gòn FC và TP.HCM.
Chúng tôi chỉ bổ sung nhân sự ở tuyến trẻ, bóng đá học đường được tuyển chọn lứa U và các đội bóng chọn và lấy người đăng ký vào lứa U tham dự các giải thuộc hệ thống của Liên đoàn bóng đá Việt Nam tổ chức”, ông Bằng cho biết.
Phương Nam - Pha Lê - Huy Kha