Café 24h: Người Việt và hội chứng… cổ dài
“Sắc” mà đến Việt thì nhiều người vui. Triết lý của Kiatisak trong bóng đá thể hiện ở ĐTQG và U.23 Thái Lan đã thuyết phục được NHM Việt. Thái Lan lâu nay với Việt Nam, riêng trong lĩnh vực thể thao là một chuẩn mực khó chối cãi. Nhiều người tìm hiểu sao người Việt cứ mê Thái. Mê từ cái tuýp đánh răng cho đến chiếc xe máy Honda được sản xuất ở Thái, bao giờ cũng cho sự yên tâm cao hơn.
Một dạo, ở miền Trung (dọc từ Huế ra tới Quảng Bình), cửa hàng Thái Lan tràn ngập Quốc lộ 1. Hàng xách tay từ Thái qua Lào nhập vào Việt Nam, nhiều người giàu có vì hàng Thái.
Hôm rồi đọc báo, có người đặt câu hỏi là “Bao giờ bóng đá Việt được bằng bóng đá Thái?” để rồi tự lý giải: “Khi nào hàng Việt được yêu thích hơn hàng Thái, khi nào các doanh nhân Việt sang Bangkok gom các đại siêu thị về tay mình như người Thái làm với Metro Việt Nam và khi nào hàng Việt tràn ngập Thái Lan… thì đó là lúc nghĩ tới chuyện bóng đá Việt vượt qua bóng đá Thái”.
Nghĩ mà đau, hóa ra chuyện “vượt nhau” trong bóng đá cũng có liên quan tới những vấn đề kinh tế, xã hội, giáo dục con người…
Hôm qua, NHM Việt Nam đón Andy Cole – một cựu ngôi sao Manchester United. Cole tiếng là sang đá bóng nhưng thực tế là đi quảng bá cho một thương hiệu dầu gội đầu. Một lần nữa, NHM Việt lại rơi vào hội chứng “cổ dài” tức là cứ phải “vươn cổ” ngóng sang Thái Lan khi nước này năm nào cũng đón những Chelsea, Liverpool tới thi đấu.
Cũng lại hôm qua, bầu Hiển tuyên bố sẽ mời Manchester City sang Việt Nam thi đấu đúng ngày… Thương binh liệt sĩ 27/07. Thôi thì cũng coi như một phương thuốc chống hội chứng… cổ dài.
Nhưng đó cũng chỉ là một phần, nghĩ đến chuyện “cổ dài” của NHM bóng đá Việt còn là câu chuyện “mỏi cổ” chờ những quyết định, chờ những sự minh bạch cần có của một nền bóng đá.
Câu chuyện đưa – nhận hối lộ ở VFF không phải là chuyện nhỏ. Ấy thế mà NHM cho đến giờ này vẫn cứ phải “vươn cổ” để chờ…
SONG AN