Câu chuyện bóng đá: Tiền vệ Công Minh - Phận long đong
Bao nhiêu năm nay, Công Minh vẫn mải miết đi tìm một chỗ đứng nhưng như là cái số, dù chỉ mong được yên ổn cũng khó với cầu thủ này có tính cách và cách chơi bóng kiểu “ôm bom cảm tử” này.
Cái giá phải trả
Công Minh sinh ra ở huyện Đô Lương và từng được xem là tài năng hiếm của lò Sông Lam. Chuyên môn cứng, chơi nhiệt và hiệu quả nên từ trẻ Minh đã được xem là một “chuyên gia dọn dẹp”.
22 tuổi, Công Minh chững chạc và luôn có suất cứng ở U.23 VN. Khi tham dự SEA Games tại Lào năm 2009, Minh được HLV Calisto xây dựng như một nhân tố chủ lực, thậm chí coi là quân bài chiến thuật. Giải đấu mà U.23 VN chơi rất hay, hay nhất trong 3 năm tại vị của “Thầy phù thuỷ” Calisto, Minh để dấu ấn ở trận đấu quan trọng nhất mà cũng là chìa khoá trên hành trình đi đến trận chung kết: Khai mạc hoà 1-1 với U.23 Thái Lan cần phải phá nát hàng tiền vệ và không cho người Thái cầm tuyến giữa, nhiệm vụ đó được ông Calisto yêu cầu tất cả tập trung và người được giao trọng trách là Minh “ngẩn”.
Cầu thủ có cách chơi bóng của một chiến binh này đã làm tốt nhiệm vụ của một người “hót rác” trước mặt cặp trung vệ, khiến đối thủ chùn chân trong các pha tranh chấp và giúp U.23 VN có được thế trận cân bằng với đối thủ. Đá phũ đúng phong cách lao cả người vào chân, trong một pha vào bóng kiểu phi thân, Minh dính đòn trả đũa khi Arthit đạp thẳng đầu gối. Cú đạp đó khiến gối của Công Minh bể để rồi sau đó, chấn thương đẩy sự nghiệp của tiền vệ này rẽ sang một hướng khác…
Khi câu chuyện Ngọc Hải phạm lỗi với Anh Khoa xảy ra và sau đó là quyết định kỷ luật được đưa ra, rất nhiều đồng đội cùng lứa nhớ và nhắc đến Công Minh. Đa phần cho rằng, nếu có sự quan tâm, chữa trị tốt ngay từ đầu, tiền vệ SLNA chưa chắc đã bị nặng và thời gian phục hồi kéo dài lâu đến như vậy.
Chờ đợi mãi mới được đi phẫu thuật nhờ sự giúp đỡ của bác sỹ Việt kiều Tuấn Nguyễn và bệnh viện Anh Vũ sau thời gian dài tự chữa, trong một điều kiện hạn chế về tiền bạc và điều kiện khi phải thuê nhà để tập, Công Minh cứ lủi thủi một mình chiến đấu với cái gối vỡ ở TP.HCM. Phải đến 2 năm sau, cầu thủ này mới có thể phục hồi và trở lại tập luyện. Tuy nhiên, do di chấn và quãng thời gian nghỉ quá lâu, Minh không còn duy trì đươc phong độ và mất chỗ tại SLNA. Phải ra đi và ra HP.HN theo diện cho mượn để rồi bắt đầu những chuỗi ngày vật vã...
Hết lận đận lại đến long đong
Ra Hà Nội với cái chân chưa lành nên không thành công, thế nhưng khi mọi thứ bắt đầu ổn thì HP.HN giải thể. Khoác áo CLB bóng đá Hà Nội, nhiều trận đá chính nhưng do thể lực không đảm bảo và di chấn của cái gối, Minh chỉ thường đá được khoảng 70 phút và rời sân. Phong cách chơi bóng cùng hệ luỵ từ chấn thương khiến tiền vệ này khó khăn trong việc tìm lại chính mình và khi bầu Kiên bị bắt, đội bóng giải thể thì Công Minh lại “ra đường”. Lại âm thầm tập, chờ và mùa giải 2014, Minh vào QNK.Quảng Nam nhưng do không tìm được tiếng nói chung với BHL nên nửa mùa, anh xin thanh lý hợp đồng sớm và gia nhập Hải Phòng.
Trong thời gian đá ở Hải Phòng, Công Minh được tin tưởng và đôi bên cũng cam kết, gắn bó với nhau thêm 1-2 mùa giải nữa. Chuẩn bị cho mùa giải 2015, cầu thủ này vẫn tập luyện với đội nhưng phút chót, do những bất đồng nảy sinh nên xách ba lô rời đội để tiếp tục những ngày tháng âm thầm tự luyện tập.
Một năm không có đội bóng để luyện tập, thi đấu, Công Minh đã liên hệ nhiều đội bóng, trong đó có CLB Hà Nội, đội bóng mới lên hạng nhưng không được nhận. Nhờ bạn bè liên hệ cho một số đội bóng ở phía Nam nhưng vì “hồ sơ” có chấn thương nặng nên không nhiều đội mặn mà, dù là thử việc. Loay hoay mãi và thông qua giới thiệu của bạn bè, Công Minh mới được đội bóng hạng Nhất là Đắk Lắk nhận thử việc. Chưa biết có được nhận hay không nhưng việc được ra sân tập luyện với cầu thủ này đã là niềm vui, vì có thể nuôi giữ đam mê và hy vọng.
Chấn thương ở trận đấu Công Minh là người phải vào vai phải “hy sinh” khi đá với người Thái đã cướp đi rất nhiều thứ. 6 năm sau, với cái gối tổn thương và những vết hằn tâm lý, giờ Minh “ngẩn” vẫn tìm cách chạy theo trái bóng.