Đường đời lận đận của nhà vô địch V.League từng đi làm...mắm tôm
Phải chạy vạy đi bán cafe, làm mắm tôm nhưng quãng thời gian quý giá đó, Minh Hoàng đã trải đời và biết vận dụng thời cơ để tạo sức bật cho sự nghiệp bản thân.
Học đời...
Sinh ra và lớn lên ở trung tâm thành phố Huế song gia đình của thủ thành Trần Đình Minh Hoàng không quá dư dả. Bố chạy xe ôm còn mẹ chủ yếu phụ giúp gia đình. Thế nên, ngay từ nhỏ, bản thân chàng trai sinh năm 1993 này tự hình thành đức tính tự lập cho riêng mình.
Khi còn đang thi đấu ở các đội trẻ, với những đồng lương khá ít ỏi, Hoàng tích cóp để tự nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình. Càng lớn lên khi bố lớn tuổi cùng xu hướng phát triển của thời đại, nghề xe ôm không còn “màu mỡ”, Hoàng sớm trở thành chỗ dựa tài chính cho gia đình.
Mùa giải 2001, Huda Huế (tiền thân của CLB bóng đá Huế) xuống hạng Nhì và đập bỏ xây lại hoàn toàn. Các cầu thủ lớn tuổi bắt đầu đi tìm bến đỗ mới. Tài chính của đội bóng gặp nhiều khó khăn nên đã đôn lứa cầu thủ trẻ lên thi đấu ở đội 1. Xen lẫn buồn vui song đó là cơ hội để Trần Đình Minh Hoàng cải thiện thu nhập.
Ấy vậy, cơ chế ở bóng đá Huế khá ngặt nghèo. Các cầu thủ chỉ được ký hợp đồng theo mùa giải. Và khi kết thúc giải đấu, họ chỉ nhận một khoản phụ cấp không quá lớn, chỉ đủ xăng xe, cafe trong tháng đó. Có mùa giải chỉ kéo dài 6 tháng nên chỉ nhận lương tròn trèm trong quãng thời gian đó và nếu không tự vận động, tích cóp thì chuyện “túi rỗng” là điều hiển nhiên.
Nhận thức vấn đề đó, ngay khi chưa qua tuổi đôi mươi, Hoàng đã phải vật lộn với cuộc sống ngoài bóng đá để mưu sinh. Kết thúc hạng Nhì 2012, trong đầu chàng trai mới 19 tuổi thời điểm đó lăn tăn: “Nghỉ dài ngày thế thì phí quá”.
Thế là, Hoàng “nhái” rảo quanh thành phố tìm kiếm việc gì đó để làm. Thấy quán cafe đăng ký tuyển dụng, có chút bẽn lẽn trong thời gian đầu, Hoàng rủ thêm một người bạn nữa xin làm. Xin và được nhận, cứ thế, Hoàng quần quật làm việc trong mấy tháng trời khi đội nghỉ đá. Có lần gặp mấy thầy trong đội bóng, khi nhận được ánh mắt khá bất ngờ, không chút ngượng ngịu, Hoàng đáp: “Con đi làm để trang trải cuộc sống, kiếm thêm thu nhập chứ ở nhà lâu ngày quá không hay”.
Với mức thu nhập làm thêm bán cafe ở Huế cộng thêm càng ngày càng lớn, Hoàng chỉ có thể làm một vài năm. Cách đây 3 năm, thủ thành này “chuyển nghề tay trái”. Thông qua người bạn, Hoàng xin vào làm ở cơ sở sản xuất mắm. Vì ông chủ vốn đam mê bóng đá nên Hoàng được nhận ngay tức thì. Cứ thế, ròng rã mấy tháng trời, sáng 6h, Hoàng xách xe đi, làm quần quật đến chiều tối rồi tranh thủ buổi tối đá phủi 1 tiếng đồng hồ để “ra mồ hôi và duy trì cảm giác bóng cũng như thể lực”. Khi đội tập trung song chỉ tập 1 buổi, Hoàng tận dụng buổi còn lại để đi làm thêm.
Bây giờ, khi ngồi lại, Hoàng chiêm nghiệm: “Thời điểm đó, tôi đi làm không chỉ vì kiếm thêm thu nhập mà muốn bươn chải, va chạm với cuộc sống ngoài bóng đá. Quãng thời gian đó quý báu biết nhường nào với bản thân”.
Nắm bắt cơ hội
Kể từ khi lên đội 1 vào năm 2012, cứ đến quãng nghỉ của mùa giải, Hoàng “nhái” lại lăn xăn với công việc mưu sinh của mình. Từ cậu bé khá nhút nhát, bẽn lẽn, những va chạm ngoài cuộc sống giúp Hoàng nhận ra giá trị “cơ hội không tự nhiên mà đến. Tự bản thân mình phải nắm bắt lấy nó”.
Giải hạng Nhất 2017 kết thúc sớm cũng là thời điểm mà hợp đồng đào tạo trẻ của Hoàng “nhái” sắp hết hạn. Có tuổi và đã lập gia đình trong khi “tuổi thọ” của nghề cầu thủ không cao, Hoàng phải tự đưa ra quyết định cho bản thân. Rời CLB bóng đá Huế là sự lựa chọn không chỉ Hoàng mà bất cứ cầu thủ nào khi hết diện hợp đồng đào tạo trẻ đều mong muốn bởi lẽ, đó là cơ hội để đổi đời và kiếm chút vốn lận lưng ở cái nghề tiềm ẩn rủi ro khá lớn này.
Trong bối cảnh V.League vẫn đang diễn ra, chàng trai trẻ bắt đầu phân tích để nắm lấy thời vận cho mình. Hoàng bảo rằng, sẽ thật khó để có cơ hội ở SHB Đà Nẵng vì ở đây có 3 thủ thành trình độ năng lực hơn mình. Trong khi ở S.Khánh Hòa BVN, Tuấn Mạnh và Thế Kiệt khó để thay thế.
Một số đội bóng khác mà nhìn qua nhìn lại cũng khó để xin vào “vị trí số 3”. Nhận thấy thời vận ở Quảng Nam khá sáng, Hoàng bạo dạn chủ động liên hệ đội chủ sân Tam Kỳ. May mắn đến với chàng trai sinh năm 1993 này. Thời điểm đó, thủ môn số 2 Minh Phong gặp vấn đề cá nhân nên chia tay đội bóng trong khi tuyển thủ QG Phạm Văn Cường xin nghỉ phép một thời gian ngắn để làm thiên chức của người cha.
Thế là, Quảng Nam chỉ còn đúng thủ môn số 3, buộc lòng phải đôn cầu thủ trẻ lên để tập luyện. Quá cấp bách, BHL đội chủ sân Tam Kỳ hồi đáp lại Hoàng. Cơ duyên đã đến. Dù không ra sân phút nào ở giai đoạn lượt về song Hoàng vẫn là “của để dành” cho “đàn anh” Phạm Văn Cường ở trong khung thành.
Từ đó, với những gì đã thể hiện trong các buổi tập ở cả chuyên môn lẫn đạo đức, Hoàng là người được chọn với bản hợp đồng chuyên nghiệp đầu đời. Từ đây, cuộc đời đã rẽ sang hướng khác với Hoàng “nhái” trong sự ao ước của lứa cầu thủ tài năng sinh năm 1993 từng giành HCV ở Hội khỏe Phù Đổng cấp độ tiểu học 2004 và vô địch U13 toàn quốc 2006 của bóng đá Huế.