Chọn Phó chủ tịch VFF: Không tư lợi, phải biết kiếm tiền!
Ông Nguyễn Húp (Chủ tịch CLB Quảng Nam): Ứng viên không dùng “chiêu trò” như ông Nghĩa
Đi kiếm tiền là áp lực! Hơn nữa Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính là đi kiếm tiền để phát triển bóng đá. Cho nên, áp lực gấp bội lần. Tôi nghĩ trong số các ứng viên thì hai ứng viên và anh em tâm đắc nhất là ông Phạm Thanh Hùng và Lê Văn Thành. Theo tôi, có ba tiêu chí dành đến cho Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính. Đầu tiên, người đó chỉ cần hiểu biết về chuyên môn bóng đá một phần thôi.
Tiêu chí quan trọng nhất vẫn là kiếm tiền, mà muốn kiếm tiền được thì uy tín của người đó với các doanh nghiệp phải lớn để người ta bỏ tiền ra cho bóng đá. Tiêu chí thứ ba không kém phần quan trọng là đoàn kết, thống nhất. Những người bỏ phiếu cần cân nhắc thiệt hơn, người nào làm được, không có chuyện tôi thương anh nên bầu bán cho anh.
Ví dụ, anh làm không được nhưng anh ra ứng cử mà tôi thích anh là tôi bỏ phiếu cho anh. Tôi bỏ phiếu cho anh chắc gì anh đã trúng, mọi người còn nhìn nhận nữa chứ. Không nên thương người nào thì bỏ phiếu người đó, làm như vậy sẽ loãng phiếu, không tập trung. Không được làm theo duy ý chí, nên phải cân nhắc, lựa chọn đứng trên cán cân công tâm nhất.
Tôi cũng mong rằng, các ứng cử viên không nên dùng tất cả yếu tố khác để lấy phiếu, như ông Cấn Văn Nghĩa vừa rồi là không được. Nếu chúng tôi phát hiện được thì sẽ không bỏ phiếu. Nhưng, tôi tin rằng, các ứng viên tới đây không bao giờ có chuyện đó vì họ đã biết rồi và có uy tín nên không làm.
Ông Nguyễn Hồng Thanh (Chủ tịch SLNA): Tài chính phải làm tốt truyền thông
COVID-19 thì cả thế giới khó khăn không chỉ Việt Nam, nếu muốn kêu gọi nhà tài trợ, quảng cáo hay bất cứ cái gì, thì nguồn lực tài chính của đất nước, quốc gia ấy phải ổn định trước. Bóng đá cũng vậy, không thể khác được. Vậy nên, ghế phó chủ tịch tài chính ở VFF lúc này người nào thật sự dũng cảm, trách nhiệm cao mới có thể ngồi vào. Họ sẽ rất khó khăn, từ việc tìm kiếm tiền quảng cáo, chi phí,..kêu gọi tài trợ thời điểm này không dễ dàng. Việt Nam thì khống chế được dịch nên thuận lợi hơn so với thế giới nhưng nhìn chung chúng ta vẫn bị ảnh hưởng.
Tôi mong muốn vị trí Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính là người có uy tín trong xã hội, có đóng góp lớn cho bóng đá Việt Nam, tâm huyết cho bóng đá. Về mặt tài chính phải làm tốt truyền thông. Người ta bỏ tiền để làm bóng đá thì anh phải cho thấy được hiệu quả về truyền thông. Đó là điều tôi nghĩ quan trọng nhất.
Truyền thông tốt nhà tài trợ vui, truyền thông tốt, bóng đá thật sự phát triển. Ghế Phó chủ tịch tài chính lúc này, tôi nghĩ ai xung phong làm là đã dũng cảm rồi. Tất cả các nước trên thế giới, trong khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch. Vậy nên, bầu ra Phó chủ tịch lúc này là mong muốn có được nhà tài trợ để hài hòa, cân đối các đội bóng phát triển là điều đáng mừng chứ chưa thể kỳ vọng nhiều.
Ông Nguyễn Văn Đệ ( Chủ tịch CLB Thanh Hóa): Không được cảm tính khi bỏ phiếu
Vai trò của Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính phải có những tiêu chí cụ thể, phải xác định người đó có đạo đức, có lương tâm trách nhiệm với công việc. Thứ nhất tìm người có nền tảng nhiều năm tham gia hoạt động bóng đá Việt Nam. Thứ hai con người có năng lực tài chính, khi họ nhận trách nhiệm của ghế phó Chủ tịch không suy nghĩ tư lợi cho bản thân, doanh nghiệp của mình. Thứ 3 là tất cả các nước đang bị ảnh hưởng của dịch thì con người đó phải có tầm, uy tín, ảnh hưởng đến cộng đồng bóng đá mới làm việc được. Nếu bầu bán một người chưa biết tên, chưa biết lý lịch thì tôi nghĩ không nên.
Thực chất ghế Phó chủ tịch nhiều người muốn ngồi vào ghế ấy lắm. Nhưng họ phải tự xác định, đặt mình vào vị trí đó để có được hiệu quả, phải làm được việc để thúc đẩy bóng đá Việt Nam phát triển. Trước thềm Đại hội, tôi chỉ mong muốn người trúng cử ghế Phó chủ tịch tài chính phải vì cái chung, phải làm được việc, không có tư lợi hay lợi ích nhóm mà hỏng cả một nền bóng đá. Mong các Bộ ban ngành, VFF và VPF hãy sáng suốt, phải nhìn thấy và vì cái chung, tránh “trao trứng cho ác”.
Người được chọn phải có tâm, có tầm, có trách nhiệm không nó làm ảnh hưởng đến uy tín của bóng đá Việt Nam. Bản thân tôi mong muốn rằng những người cầm lá phiếu bầu trên tay, phải thật sự có trách nhiệm khi bầu bán. Phải vì cái chung, vì tương lai bóng đá Việt Nam chứ đừng vì cá nhân một ai cả. Chúng ta lựa chọn vị trí Phó chủ tịch tài chính phải cân nhắc phẩm chất đạo đức của con người đó, tránh lợi dụng, quen biết, mối quan hệ để dồn phiếu vào một vị trí nhất định, để thực hiện lợi ích nhóm. Cái đó hoàn toàn không được, cái đó chỉ khiến bóng đá Việt Nam đi xuống, chứ không phát triển được.
Ông Bùi Xuân Hòa (Chủ tịch SHB Đà Nẵng): Phép thử cho nhiệm kỳ tới
Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính phải kiếm tiền, có tâm và trình độ. Anh có tiền mà không có kiến thức làm tiền thì không được. Anh làm vì đam mê, làm không lợi nhuận, vì tập thể vì bóng đá Việt Nam chứ không vì cá nhân. Với tình hình kinh tế hiện tại sau dịch COVID-19, vị này sẽ gặp áp lực rất lớn. Nhưng đây là thử thách vì như phép thử cho nhiệm kỳ tới khi nhiệm kỳ này còn hai năm.