Chúng ta đã thực sự vượt qua Thái Lan chưa ?
Trong chỉ khoảng 2 năm trở lại đây, bóng đá Việt đã giành được những thành tích đáng kể mà đội bóng láng giềng phải mơ ước ở thời điểm hiện tại như giành ngôi á quân tại U23 châu Á 2018, hạng tư ASIAD 2018 và cả lần thứ 2 vào đến tứ kết Asian Cup. Mặc dù vậy, "tầm cỡ" của bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể vượt lên được người Thái, ít nhất là ở thời điểm này.
Sau những chiến tích mà chúng ta vẫn tự coi với nhau là kỳ tích, lịch sử thì trở về nước, về với các CLB, các cầu thủ của ĐT Việt Nam vẫn chỉ cạnh tranh trong một giải đấu với nhiều hoài nghi từ một ông chủ nhiều đội bóng đến các vấn đề trọng tài rồi cổ động viên quá khích,... Dù đang trong quá trình chuyên nghiệp hóa giải vô địch quốc gia nhưng khi nhìn lại, giải VĐQG của Thái Lan (Thai League) đã tiến lên chuyên nghiệp trước chúng ta nhiều năm rồi.
Đặng Văn Lâm ngay sau chiến tích cùng ĐT Việt Nam giành ngôi vô địch AFF Cup đã lập tức được một đội bóng nhà giàu của Thái Lan là Muangthong United mua về, Quang Hải, Văn Hậu,... sau những tháng ngày thành công từ các đội trẻ đến ĐTQG cũng được các đội bóng Thái Lan đánh tiếng và nhận được sự ủng hộ rất lớn từ người hâm mộ nếu được chuyển sang đất nước chùa vàng thi đấu.
Vậy mới thấy, giải đấu VĐQG của Thái Lan - bộ mặt của bóng đá nước này có giá trị như thế nào, ít nhất là trong mắt người Việt. Trong khi các cầu thủ nội chất lượng của Thái Lan khi thành công được các đội bóng ở các giải đấu hàng đầu châu lục như J. League mua về. Đơn cử có thể kể đến Chanathip Songkrasin, Teerasil Dangda,...
Không chỉ có sức hút với cầu thủ Việt, giải đấu cao nhất của xứ chùa vàng còn là điểm đến uy tín của các cầu thủ châu Âu, Nam Mỹ thay vì Việt Nam. Rất nhiều "Tây" của các CLB Việt Nam trước khi đến V. League chỉ biết đến Thái Lan như một đất nước có nền bóng đá ổn của khu vực Đông Nam Á còn Việt Nam ở đâu, họ cũng không biết. Đơn cử có thể kể đến cựu binh của Hà Nội FC - Loris Arnaud. Cầu thủ từng chơi cho CLB Paris Saint Germain chỉ đến với đội bóng thủ đô sau khi đi... du lịch và quyết định sẽ thử sức ở đất nước mới lạ này.
Nếu chỉ dừng lại ở giải đấu vô địch quốc gia, có lẽ sẽ là chưa đủ. Khi so sánh bóng đá Việt Nam với những nền bóng đá khác ở châu lục và cả thế giới, thường người ta cũng chỉ dám so sánh với... Thái. Bởi lẽ, cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á và cùng chung nhau những tham vọng vươn tầm châu lục và cả thế giới, hành trình của các đội tuyển Việt Nam thường xuyên bị ngáng đường bởi người láng giềng này.
Nếu chúng ta tự hào vì thầy trò HLV Park Hang Seo giành chiếc cup vô địch AFF Cup 2018 sau 10 năm chờ đợi thì bóng đá Thái thậm chí đã làm được điều đó 5 lần và 2 trong số đó ở các giải đấu gần đây. Nếu Olympic Việt Nam tự hào về hạng tư tại ASIAD 2018 thì 4 năm trước ở Hàn Quốc, Thái Lan cũng làm được điều tương tự,...
Nhìn chung, bóng đá Việt Nam giờ đã có thể vươn tầm so với những nền bóng đá khu vực nhưng nếu so với Thái Lan, chúng ta vẫn phải cố gắng hơn nhiều. Có thể chuyên môn cầu thủ Việt tốt nhưng bóng đá cần sự vào cuộc của cả một hệ thống và Thái Lan rõ ràng đã và đang làm tốt hơn chúng ta. Trong năm 2019, U23 Việt Nam sẽ chạm mặt Thái Lan trên sân nhà ở vòng loại U23 châu Á 2020. Dù được đánh giá cao hơn nhưng chắc chắn trong lòng người hâm mộ Việt Nam vẫn trực chờ một nỗi sợ khi gặp đối thủ này.