Chuyện dị nhân bóng đá nữ Thùy Trang: 35 tuổi băng băng cùng thầy Chung đến World Cup
Cô cử nhân từ bỏ giấc mơ giảng đường theo nghiệp "quần đùi áo số"
Trang sinh ra ở Đại Lộc (Quảng Nam), miền quê thanh bình bên dòng sông Vu Gia hiền hòa. Thuở nhỏ, Trang có niềm đam mê với thể thao. Cô gái sinh năm 1988 này có sở thích đặc biệt với cầu lông và bóng đá. Từ đó, cô có những đắn đo để chọn lựa cho tương lai khi chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học.
"Tôi có chút suy nghĩ, lưỡng lự giữa bóng đá và cầu lông. Mọi người nói con gái theo bóng đá khổ, dầm mưa dãi nắng. Tại sao lại không chọn cầu lông. Nhưng, theo lời khuyên của anh trai và anh trai cũng như bản thân thích bóng đá nên tôi chọn”, Trang nhớ lại quyết định thời điểm 18 tuổi của mình.
Thế là, năm 2007, cô khăn gói từ quê nhà vào TP. HCM, nhập học khóa K29, chuyên sâu bóng đá, chuyên ngành huấn luyện thể thao Đại học Thể dục Thể thao TP. HCM. Trang vừa học vừa chơi bóng như đam mê ngày nào.
Đến năm 2009, cô đại diện cho trường tham gia giải sinh viên sân 5 người thành phố mở rộng. Cô sinh viên năm 3 nào đâu biết, trong đội có các bạn, các chị là tuyển thủ futsal. Ở giải đấu này, các HLV của Trung tâm TDTT quận 1 theo dõi rất kỹ.
Trang cùng đội đoạt hạng Nhì, riêng cô được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất giải. Trang ngạc nhiên với thành tích này và thừa nhận: "Tôi có chút năng khiếu nhưng chơi theo bản năng là chính”.
Chứng kiến một cô sinh viên nhỏ nhắn nhưng tài năng, các thầy trong trung tâm TDTT quận 1 có nhã ý mời lên đội để tham gia CLB. Trang từ chối bởi cô vẫn chưa ra trường. “Tôi còn học năm 3, muốn tốt nghiệp đại học trước đã. Tôi suy nghĩ, đắn đo nhiều vì độ tuổi theo chuyên nghiệp trẻ còn tôi đã 22 tuổi rồi.
Lúc đó, bản thân định hướng làm giảng viên đại học hoặc dạy các trường cấp 2, cấp 3 chứ không nghĩ theo bóng đá. Ba mẹ, gia đình lo lắng, vì con gái theo bóng đá vất vả, nhất quyết không ủng hộ", Trang thổ lộ.
Nhưng rồi, niềm đam mê trái bóng tròn cháy bỏng, cùng với lời khuyên của những ngôi sao bóng đá nữ Việt Nam như Đoàn Thị Kim Chi hay Lưu Ngọc Mai, Trang đã ngã lòng. Cô cũng dần thuyết phục gia đình. Từ đó, Trang chính thức bước vào con đường bóng đá chuyên nghiệp vào năm 2010. Lúc này, cô cử nhân với tấm bằng Đại học đã bước sang tuổi 22.
Dị nhân mới tập 1 năm lên tuyển futsal Việt Nam, 4 năm lên ĐTQG nữ
Đó là thời điểm tháng 10, Trang lên đội tập, trong vai trò thử việc. Gia nhập Trung tâm TDTT Quận 1 TP. HCM, Trang là cầu thủ vô cùng đặc biệt. Cô vừa đá ở cả sân futsal lẫn sân cỏ 11 người.
Song, từ một người chơi phong trào, khi lên sinh hoạt, tập luyện và thi đấu chuyên nghiệp, có quá nhiều khó khăn xảy đến. “Tôi không được tập luyện cơ bản như các bạn bây giờ. Trước chỉ chơi phong trào, với sân 5 người là chính. Lúc đá sân 5, rồi lên đội đá sân lớn, gặp rất nhiều khó khăn”, cô nhớ lại.
Lúc đó, Trang yếu cả kỹ thuật cơ bản lẫn nền tảng thể lực. Cô bảo: “Tôi chỉ chuyền bóng nhỏ, ngắn ban bật nhiều hơn là đá bóng dài. Nền tảng thể lực không có, đá khoảng 60 phút là chuột rút. Kỹ thuật cơ bản không tốt, chỉ chơi theo bản năng”.
Khó và phải vượt khó. Thời điểm của trưởng thành tuổi 23, Trang có đủ bản lĩnh, suy nghĩ chín chắn. “Tôi chọn là phải theo. Lúc đó, mình có lập trường vững rồi. Người miền Trung có ý chí, cần cù. Đó cũng là tính cách của tôi”.
Thế là, cô lao đầu vào tập luyện, tự hoàn thiện các kỹ năng. Cô kể: "Ngoài giờ tập luyện cùng đồng đội trên sân, tôi tập thêm buổi tối, không đi chơi. Tôi tập một mình ở sân Tao Đàn, đến 8-9 giờ tối mới xong.
Tập như thế cũng buồn nhưng có đam mê, mục tiêu đặt ra và lấy đó làm động lực cố gắng. Nhiều lúc tập luyện trên sân bị thầy cô, các chị nói, chỉ bảo nhiều nên mình còn yếu nhiều. Tôi cố gắng tập nhiều hơn để không bị nói nhiều như thế. Nhiều lúc vừa chạy vừa khóc nhưng phải cố gắng, vì không muốn thua bất cứ một ai hết”. Cứ thế, Trang trải qua 2 năm đằng đẵng.
Trang tâm niệm: “Mục tiêu đề ra là đi theo con đường chuyên nghiệp, mà chậm hơn thì phải nỗ lực gấp nhiều lần”. Thế nhưng, nhiều thời điểm, Trang thấy mình thiệt thòi, thua kém hơn so với đồng đội, “đôi lúc buồn, chán nản rồi nghĩ hay mình dừng lại”. Nhưng rồi, lúc chơi bóng, niềm đam mê trỗi dậy, lớn dần không thể bỏ. “Cứ đâm lao phải theo lao, muốn khẳng định mình làm được”, cô nói.
Quả ngọt đến với cô. Năm 2011, Trang tham futsal giải thành phố mở rộng tuyển chọn SEA Games. Cô được gọi bổ sung lên tuyển futsal Việt Nam. Sau đó, cô cùng đội giành HCB SEA Games 2011.
Trang cũng đá song song ở cả sân lớn 11 người. Và năm 2014, cô được gọi lên tuyển nữ Việt Nam trong sự ngỡ ngàng. "Khi tôi được gọi tập trung ĐTQG năm 2014, bản thân tự cảm thấy đã khẳng định được mình. Mình có chút gì đó thành công, tự tin hơn. Sau bao cố gắng, những buổi tập luyện một mình, bây giờ có chỗ đứng”.
Vừa lên cả tuyển nữ lẫn tuyển futsal Việt Nam, Trang bảo: “Đó, nhìn vậy, họ nói tôi dị”.
Nghẹn ngào khoảnh khắc dự World Cup và đằng sau những nỗi niềm
Đầu năm 2022, Trang cùng các cô gái kim cương giành tấm vé dự World Cup 2023 sau hành trình quá đỗi đặc biệt. “Lúc có vé dự World Cup, mọi cảm xúc ùa về. Nghẹn ngào, sung sướng, đã lắm. Cảm giác như từ cõi chết trở về. Cả đội rất khó khăn do dịch COVID-19. 23 cầu thủ mà có đến 20 người dính COVID-19, sức khỏe xuống rất nhiều.
Trước trận gặp Hàn Quốc, đội chỉ cầu mong đủ người đá. Từ Tây Ban Nha qua Ấn Độ đủ 16 người và trong thâm tâm chỉ biết đá, đá, đá; thua càng ít càng tốt, chứ không nghĩ mình lọt vào vòng trong.
Đến khi đạt được, cảm xúc vỡ ào, cả đêm không thể nào ngủ được. Tôi còn không tin toàn đội làm được điều kỳ diệu. Đó là chiến tích, ngoài sự nỗ lực của toàn đội thì có chút may mắn”, Trang kể trong sự xúc động.
Ở hành trình chinh phục tấm vé dự World Cup, Trang ở ngưỡng cửa tuổi 34. Một độ tuổi mà nhiều đồng nghiệp đã giải nghệ cũng như bên kia sườn sốc sự nghiệp. Thế nhưng, giữa cơn bão COVID-19, “máy chạy” Thùy Trang không ngừng nghỉ.
Cô đá chính trọn vẹn 270 phút ở vòng bảng Asian Cup 2022. Thời điểm đó, cả đội bị COVID-19 càn quét và thấp thỏm lo sợ không đủ quân để đá. Giữa muôn trùng thử thách đó, Trang vẫn chạy hùng hục. Cô chỉ nghỉ ngơi ở tứ kết gặp Trung Quốc. Nói là nghỉ ngơi nhưng Trang vẫn đá hơn 30 phút cuối khi vào sân thay người.
Đến hai trận play-off gặp Thái Lan và Đài Loan, Trang trở lại đội hình đá chính. Trung bình mỗi trận, cô đá 60 phút và là ngôi sao thầm lặng ở tuyến giữa, giúp tuyển Việt Nam giành vé đến ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Đằng sau chiến tích đó, cùng tấm HCV SEA Games 31 trên sân nhà, là quãng thời gian 2 năm gian khó. Trang được gọi lên tuyển liên tục từ năm 2014-2019. Nhưng đến trước SEA Games 30 ở Philippines vào năm 2019, cô bất ngờ không có tên.
“Chắc thời điểm đó, bác Chung (HLV Mai Đức Chung) không gọi vì nghĩ tôi thích chuyển đổi futsal hơn hoặc có vấn đề gì đó. Tôi cũng rất buồn”, Trang tâm sự. Nhưng với cô, mọi suy nghĩ tiêu cực chỉ loáng qua, cô bắt tay trở lại với hành trình mới.
“Tôi cũng cảm thấy có gì đó bất công, nhưng lấy đó làm động lực, cố gắng nhiều hơn nữa. Đôi lúc nghĩ mình chưa có khả năng, hoặc chưa có thể hợp với chiến thuật HLV đưa ra, nên cần cố gắng nhiều hơn nữa. Trong thời gian đó, tôi tập luyện nhiều hơn”, Trang kể.
Đến năm 2021, HLV Mai Đức Chung gọi trở lại và câu hỏi ngày nào cũng được giải đáp. “Bác Chung có nói là bác nghĩ con thích futsal hơn nên không gọi. Hai năm đó như bắt đầu lại một hành trình mới. Tôi cũng muốn khẳng định bản thân vì không nghĩ con đường sự nghiệp lại dừng lại như vậy. Và tôi đã làm được”, cô giãi bày.
Đóa hoa thiện lành lặng lẽ ngày 8/3
Trang rắn rỏi, đầy ý chí, nghị lực phi thường và tài năng trên sân. Ngoài đời, cô còn là người có trái tim thiện lành. Mỗi lúc rảnh rỗi, cô thường dành thời gian cho gia đình và đi thiện nguyện.
Tấm lòng của Trang lặng lẽ, góp nhặt cho đời để vơi bớt nỗi khó khăn cho đồng bào. Trang bảo: "Gia đình có hoàn cảnh không khó khăn. Tôi may mắn hơn nhiều người ngoài xã hội, tôi muốn đóng góp chút ít cho những hoàn cảnh còn khó khăn. Nếu có điều kiện nhiều hơn sẽ giúp đỡ nhiều hơn còn không có thì theo khả năng của mình”.
Cô gái tuổi 35 đó, dành tình yêu mãnh liệt cho gia đình, công việc và công tác thiện nguyện. Trang chưa nghĩ nhiều đến gia đình nhỏ cho bản thân bởi cô bảo "do sự lựa chọn của mình cũng như duyên chưa tới”.
Với Trang, ngày 8/3, nó trôi qua lặng lẽ nhưng bao ngày bình thường khác. “Hầu như mọi năm ngày 8/3 đều tập trung đội tuyển, tập luyện, có năm trùng với thi đấu, ít có thời gian cho riêng mình hay gia đình”.
Trước mắt, Trang đặt ra mục tiêu của bản thân trong năm 2023. Cô bảo: “Mùng 10/3 tập trung đội tuyển, tôi cố gắng thể hiện tốt, trước hết thi đấu tốt ở vòng loại Olympic, bảo vệ thành công HCV và thi đấu tốt ở World Cup 2023”.
Ở tuổi 35, Trang vẫn không ngừng chạy. Cô vẫn hướng mục tiêu trong tương lai: “Trước mắt tôi chưa nghĩ giải nghệ, thi đấu tốt trong năm nay và có tiếp kế hoạch cho tương lai”.
Bí quyết để “cỗ máy” 35 tuổi chạy trơn tru
“Ngoài tập luyện, tôi tập thêm thường xuyên. Những ngày nghỉ, chủ nhật, thay vì nghỉ 1 buổi thì tôi tập 1 buổi hoặc đi làm thêm trọng tài để trau dồi thể lực. Sau đó, chế độ sinh hoạt nghiêm ngặt, ngủ nghỉ đúng giờ, ăn uống khoa học, không sử dụng chất kích thích, uống thuốc bồi bổ”.
“Nhiều em bây giờ không có ý chí, mục tiêu rõ ràng nên khó có thể làm được như mình. Nếu có ý chí, mục tiêu, tôi nghĩ họ sẽ làm được”, Trang nhắn gửi.