Café 24h: Đi đi, đừng về...
Có thể hiểu câu chuyện ở đây là một lời chia sẻ: Những người tài, lĩnh hội kiến thức, tác phong và tư duy chuyên nghiệp khi đi du học thì tốt nhất, nên tìm cơ hội làm việc ở nước ngoài thay vì về nước, bởi môi trường làm việc không phát huy được hết khả năng.
Cũng là câu chuyện du học, chia sẻ của Á quân cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” mùa đầu tiên Nguyễn Thành Vinh không khỏi khiến những nhà làm giáo dục suy nghĩ. Vinh - lúc này đã là Tiến sĩ khoa học và định cư ở Australia - nói: “Tôi cũng định quay về sau khi học xong Đại học. Nhưng khi đó, tôi nhận thấy tôi không có một cơ hội công việc nào rõ ràng cả. Về Việt Nam khó cho tôi làm được trọn vẹn con đường tôi chọn, nên tôi quyết định ở lại nước ngoài”.
Và Vinh nói nếu những người như anh trở về là lãng phí: “Lãng phí thì rõ ràng rồi. Vì chúng tôi đã bỏ hết tuổi trẻ ra để học, để đeo đuổi một con đường và muốn làm những thứ chuyên môn đúng nghĩa nhưng ở Việt Nam thì chắc chắn là khó làm được vì điều kiện, môi trường làm việc ở nước ngoài chắc chắn tốt hơn…”.
Tại sao cứ nhắc đi nhắc lại câu chuyện giáo dục và du học ở đây? Là bởi hôm qua, Công Phượng chính thức được CLB Mito Hollyhock của Nhật Bản xác nhận là sẽ ký hợp đồng, mức lương Công Phượng được hưởng khoảng 65 triệu đồng/tháng, không phải quá nhiều nhưng quả là đáng mơ ước đối với một cầu thủ trong nước.
Ở góc độ nào đó, chuyến đi của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, và có thể một số cầu thủ HA.GL nữa, được coi là những chuyến du học. Tất nhiên đặc thù của bóng đá là ngắn hạn, theo hợp đồng và rất ít cơ hội “đi đi, đừng về”.
Lĩnh vực thể thao cũng từng chứng kiến nhiều trường hợp đi nước ngoài tập huấn nhưng quyết định bỏ trốn như các đô vật ở lại Hàn Quốc để làm… công nhân, một số tay chèo thuyền của Hà Nội chấp nhận cuộc sống bất hợp pháp tại Australia. Họ quyết định bỏ nghề thay vì trở về.
Tôi không khuyến khích Công Phượng, Tuấn Anh ở lại Nhật Bản nhưng nếu chất lượng V.League hay nền BĐVN không có những thay đổi lớn trong thời gian tới thì thực sự câu chuyện “du học” và “trở về” của lứa cầu thủ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường lại là sự lãng phí.
Chúng ta đã từng lãng phí cả trăm cầu thủ tài năng, bởi cơ chế và môi trường V.League như chất a-xit ăn mòn tài năng ấy cũng như nhiệt huyết của những người muốn chấn hưng bóng đá.
Đặt sự đổi thay nền bóng đá vào bầu Đức đúng là một canh bạc nhưng có vẻ như BĐVN ít sự lựa chọn trong thời điểm này. Và cần phải làm gì đó để những tài năng khi ra đi và trở về không thấy mình đã bị lãng phí quá nhiều…