Café 24h: Đội bóng và những cái ghế VFF
Chuyện này nó cũng giống như… kinh doanh chứng khoán. Bên Tây họ chia sẻ thông tin, ai cũng có tiền. Việt Nam thì tranh nhau dìm hàng, cuối cùng “tèo” cả. Chứng khoán thì thế này, khi anh có 1 cổ phiếu, nghĩa là anh đã sở hữu một phần công ty đó nên họ ra sức bảo vệ, ra sức làm mọi điều để kiểm soát công ty. Với người Việt, khi bán hết cổ phiếu của công ty thì quay sang nói xấu như thể giá trị của công ty đó chỉ còn 0 đồng. Chính những điều này khiến chứng khoán Việt không “ngóc đầu” lên được”.
Đúng là cách so sánh của kinh doanh, thực tế khái niệm thành công ở đây nó quyết định tinh thần làm việc và ứng xử với các đồng nghiệp. Quan điểm làm ăn của phương Tây là win-win, cùng thắng, của bên Ta là “khôn sống, mống chết”, tao thắng là tao dìm được đối thủ xuống bùn. Không lộ liễu được thì âm thầm bắn tỉa…
Tác động của lối suy nghĩ này ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực. Người Việt làm việc nhóm kém. Cái này đã nói rồi. Trong bóng đá cũng vậy, đây là điểm Việt Nam giống… Trung Quốc: Những môn cá nhân khá nhưng những môn đòi hỏi tính tập thể là rất kém.
Người Thái từng nói về bóng đá Việt thế này: Cầu thủ Việt thì ngang cầu thủ Thái, nhưng đội bóng Thái bao giờ cũng có tổ chức hơn một đội bóng Việt. Điều này thì chính xác bởi họ sẵn sàng bỏ những cái tôi cá nhân để cùng nhau làm việc. Hồi SEA Games 2015 có chuyện ông Kiatisak nhỡ mồm nói về đội tuyển U.23 của họ là “ai làm cũng vô địch”, điều này chạm tự ái của ông phó Choketawee. Ông phó bực bội vì nói vậy là coi thường mình. Chuyện ầm ĩ trên cộng đồng mạng cho đến khi “Sắc” thẳng thắn xin lỗi và chủ động làm lành.
Ở Việt Nam, có một chi tiết lọt vào ống kính truyền hình cứ quay đi quay lại ấy là hình ảnh pha giao bóng đầu tiên giữa Công Vinh và Công Phượng khi hai cầu thủ này lần đầu đứng trong một đội hình. Vinh đá thẳng quả bóng vào… ống đồng Công Phượng. Nó là chi tiết nhỏ nhưng cho thấy đội bóng cũng là một bộ máy, chỉ là những chi tiết chưa “khớp” với nhau thì kiểu gì cũng hỏng.
Lại nhớ câu nói: đội bóng nào thì Liên đoàn ấy. VFF nhà mình các sếp thỉnh thoảng vẫn “chuyền mà như sút” bóng vào chân nhau. Cả bộ não cao cấp VFF, mỗi người một kiểu, cứ rời như cơm nguội. Chỉ có thế phát triển và làm tốt công việc nếu có thái độ win-win, hoặc thật sự chuyên nghiệp trong công việc.
Nhưng nếu mà xét tính đoàn kết, chưa bao giờ VFF đoàn kết thì phải, cho dù họ luôn cố gắng chứng minh điều ấy.