Café 24h: Già tư duy mới đáng sợ
Khác phương Tây, trong môi trường còn nặng tình cảm và những ràng buộc đạo lý của người Á Đông, việc góp ý, phản biện, chê lãnh đạo hay chê tổ chức… ở ta thường dễ bị coi là “phạm húy”. Cho nên, gần đây nhiều người đã chọn giải pháp giải tỏa ẩn ức thông qua các “kênh” khác. Ví như cô giáo chê lãnh đạo tỉnh An Giang trên mạng xã hội.
Khi sự dân chủ càng tăng, cùng với mối tương tác trên mạng xã hội ngày càng sâu rộng thì quyền lợi và thế thắng chưa hẳn nghiêng về những người có địa vị khi có tranh cãi liên quan cá nhân. Câu chuyện ông Nguyễn Tăng Cường phát biểu công khai lãnh đạo trong một cuộc hội nghị cũng chẳng lạ ở ta. Ông Cường có thể nói đúng, khi phản ánh 2 lãnh đạo chủ chốt của VAMI đã trên 70 tuổi, sức khỏe và năng lượng đã hao khuyết, cần nhường nhiều sứ mệnh cho thế hệ trẻ.
Nhưng chính một vị lãnh đạo của VAMI đã phản hồi ngay lúc đó là: “Chúng tôi muốn rút nhưng có được đâu”, cũng phải suy ngẫm. Ông Cường cũng có thể sai, bởi ở một số lĩnh vực, hoặc một số trường hợp cụ thể, thực ra tuổi tác nhiều khi không đồng nghĩa với trí tuệ, tư duy và sự cống hiến kém cỏi.
Tóm lại, có những người trẻ nhưng đã già nua trong tư duy hơn cả người già. Bổ nhiệm cán bộ trẻ, hay vẫn trọng dụng người già, luôn nhạy cảm là thế.
Nhưng dù là già hay trẻ, việc đánh giá cán bộ vẫn phải căn cứ vào những gì làm được trong một quá trình.
Tôi lại muốn liên hệ sang bóng đá. VFF lâu nay luôn bị chỉ trích là “bãi đáp” của một số vị. Cho đến hiện nay, trong Thường trực cũng tồn tại khá rõ vấn đề này. Và một đơn vị non trẻ, chuyên nghiệp để làm bóng đá chuyên nghiệp như Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF cũng vậy.
Xét kết quả một quá trình, rõ ràng hoạt động của 2 tổ chức này chưa hiệu quả, thể hiện tư duy xơ cứng và dư luận có quyền soi rọi nhiều vấn đề, trong đó việc lãnh đạo già nua cần xem xét lại. Khi lãnh đạo già nua cả tuổi tác lẫn tư duy và cả địa vị xã hội khi đã nghỉ hưu thì dứt khoát các lãnh đạo trẻ trong tổ chức đó cũng khó mà trẻ trung trong tư duy.
Hôm rồi ngồi với mấy quan chức bóng đá, họ nói rất thật: “Ví dụ như anh X, anh Y ở VFF, tính tình rất quý nhưng để tìm người hiền lành, năng lực và chỉ đâu làm đó không dám để lại dấu ấn như thế thì ở Việt Nam có mà đầy”.
Người ta kỳ vọng vào VFF có sự tươi trẻ dù người hưu trí nhiều trong tổ chức này là có thực nhưng sau gần 2 năm của nhiệm kỳ VII, VFF vẫn như pháo đài cũ kỹ. Tiếc cho nền bóng đá vốn có tiềm năng, và chắc chắn người tài cũng không ít, bao nhiêu năm vẫn không tạo được nguồn sinh khí mới mẻ, không cho thấy bóng dáng thanh xuân ở tổ chức tiêu tiền như nước này.