Giải mã chuyện SLNA “chảy máu”
Đồng tiền không đủ để níu kéo và phía sau đó là rất nhiều câu chuyện khó nói liên quan đến chữ “nghèo” mà SLNA luôn dùng để bào chữa cho mọi vấn đề.
Thực hư chuyện 30 tỉ đồng/mùa giải
Từ năm 2013 đến nay, ngân hàng Bắc Á thắt chặt thu chi và chỉ còn rót cho SLNA 30 tỉ đồng/năm. Theo quy định của VFF, mỗi đội bóng phải chứng minh tài chính đủ mức 35 tỉ đồng/mùa mới được phép tham gia giải đấu cao nhất Việt Nam. Để đủ điều kiện, đội bóng xứ Nghệ phải vận động từ nhiều nguồn khác, trong đó có việc thành lập Công ty Cổ phần bóng đá Sông Lam Nghệ An, tận thu từ bán vé, quảng cáo để tối thiểu có thêm khoảng 5 tỉ đồng.
Khó khăn nên cách đây 2 năm, đội bóng xứ Nghệ đã từng đề nghị “xin” 5 tỉ đồng từ nguồn đào tạo trẻ sang cho đội 1. Dù vậy, yêu cầu này đã không được chấp nhận, do 20 tỉ tiền từ ngân sách, tỉnh Nghệ An thống nhất chỉ chi cho công tác đào tạo trẻ. Để giúp SLNA có thêm kinh phí, tỉnh Nghệ An đã đứng ra chủ trì một cuộc gặp với các doanh nghiệp để vận động tài trợ. Tuy nhiên, sau một năm phát động, số tiền thu được từ gần 100 doanh nghiệp chưa đến… 50 triệu đồng.
Chưa kể, số tiền 30 tỉ mà NH Bắc Á tài trợ không phải trao tay mà giải quyết theo đề nghị, bằng các văn bản, tờ trình và chịu thuế nên số tiền thực nhận của mỗi mùa giải chỉ còn lại khoảng 26 tỉ đồng. Bởi vậy, SLNA với đặc thù bộ máy hành chính cồng kềnh, cộng thêm cứ mỗi năm lại có 4-5 cầu thủ hết hạn hợp đồng nên chi tiêu hợp lý là điều hết sức khó khăn.
Nỗi khổ nhà đông con
Ở SLNA, ngoài lãnh đạo, ban huấn luyện và các cầu thủ, còn có khoảng 20 người làm công tác hành chính, kế toán, nhân sự… Chưa kể, vì muốn nâng cao chất lượng đào tạo trẻ, đội bóng xứ Nghệ phải tuyển thêm thầy và trả tiền lương hàng tháng (tiền này không nằm trong gói 20 tỉ của đào tạo trẻ nên đội 1 phải chi).
Nhà “đông con”, khi NH Bắc Á cắt giảm đầu tư, SLNA đã tiến hành tinh giản nhân sự nhưng không đáng kể, bởi đa số đều đã gắn bó với đội bóng lâu năm và tâm huyết nên khó gạch tên ai đó.
Bộ máy hành chính ngốn không ít tiền bạc, SLNA lại là đội bóng đặc thù khi đa số cầu thủ nội đều được đào tạo từ “lò” Sông Lam. Theo chu kỳ ấy, cứ mỗi năm, có khoảng 4-5 cầu thủ hết hạn hợp đồng đào tạo trẻ và ra đi tự do. Ông bầu các đội bóng thường “kết” khí phách, tinh thần chơi bóng của các cầu thủ xứ Nghệ nên đưa ra lót tay khá cao. Vì vậy mà trong các cuộc đua tiền bạc để giữ quân, SLNA thường thất bại.
Mỗi năm chỉ có thể chi khoảng 5-6 tỉ đồng để giữ quân nên với việc hàng loạt cầu thủ hết hạn hợp đồng, SLNA đành bất lực. Đó là lý do vì sao hết năm này qua năm khác, SLNA “chảy máu” nhân tài.
Nếu đầu tư thêm 200-300 triệu/năm, SLNA đã có thể giữ được Hoàng Thịnh, Quang Tình. Việc đội bóng xứ Nghệ mất hàng loạt trụ cột một phần cũng vì chi tiêu hàng năm đã được khép kín, khi NH Bắc Á chỉ cho phép “cầu thủ A bao nhiêu, cầu thủ B bao nhiêu” nên SLNA không thể nâng giá, dù số tiền không quá lớn.
Sau khi không thể ký hợp đồng với Quang Tình, Đình Đồng và Hoàng Thịnh, SLNA đã xoay sang phương án “trói” những cầu thủ còn hạn hợp đồng, để thực hiện phép tính dài hơi. Nguyên Mạnh là hợp đồng đầu tiên với lót tay 2 tỉ đồng/mùa. Nếu căn cứ vào chỉ tiêu đầu tư giữ trụ cột, SLNA vẫn còn dư ra 2-3 tỉ đồng và đó là cơ sở để họ đàm phán với Ngọc Hải.