Lăng kính Phạm Văn Quyến: Giao thời
Việc hàng loạt đội bóng từ SLNA, HA.GL, S.Khánh Hoà đến HN.T&T, CLB Hà Nội, Đồng Tháp… đều sử dụng quá nửa đội hình là những cầu thủ dưới U.23 có thể coi là một “cuộc cách mạng”. Nó cần thiết với các CLB và cả nền bóng đá. Những tên tuổi một thời như Công Vinh, Quang Thanh, Tài Em, Tấn Tài, Thành Lương… cũng bắt đầu lùi lại, do sức khỏe và tuổi tác để nhường chỗ cho một thế hệ mới.
Giai đoạn giao thời luôn rất khó khăn, nó có thể làm suy yếu cả một nền bóng đá nếu không có những chiến lược đào tạo trẻ và định hướng tốt. Ngay như nền bóng đá lớn nhất khu vực ĐNÁ là Thái Lan, sau khi gặt hái rất nhiều danh hiệu họ đánh mất vị thế thống trị trong khoảng 4-5 năm. Người Thái đã phải mất 5 năm để xây dựng và làm lại trước khi có những thành công như hiện nay.
Với BĐVN, theo cách nhìn nhận của tôi đây chính là giai đoạn như thế. Rất may, khi chúng ta đang có được những lứa cầu thủ kế cận đủ tin tưởng. Những cái tên như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Ngọc Hải, Duy Mạnh, Văn Thanh… đã đủ lớn và theo tôi họ hoàn toàn có thể gách vác trọng trách trong tương lai gần.
Ở V.League, khi các cầu thủ trẻ được tin tưởng và sử dụng nhiều hơn, tôi nghĩ ĐTQG dưới thời HLV Hữu Thắng cũng sẽ hưởng lợi. Mục tiêu lọt vào chúng kết AFF Cup 2016 và vô địch SEA Games 2017 là có cơ sở, tính toán chứ không phải đặt ra cho có, nếu nhìn tích cực. Vì có những kế hoạch dài lâu và định hướng cho đấu trường SEA Games, thời của HLV Hữu Thắng sẽ tiếp một bước trẻ hoá với chính ĐTQG.
Khó khăn thì nhiều và có vẻ chỉ tiêu với HLV Hữu Thắng là nặng nề nhưng về lực lượng và quá trình chuyển giao của cả nền bóng đá, tôi nghĩ anh Thắng may mắn, nhất là khi nhận được sự ủng hộ của số đông, trong đó có VFF và các CLB. Cộng với sự hiểu biết về BĐVN, ở giai đoạn giao thời của BĐVN như thế này, tôi dự cảm rằng nhiều thứ sẽ khác khi HLV Hữu Thắng “cầm cờ”.