Hải Phòng lại dính rắc rối, phải đền bù cho ngoại binh cả tỷ đồng
Nguồn cơn của sự việc xảy đến từ xung đột của đội bóng này với tiền đạo Joseph Mpande vào tháng 3/2021. Sau đó, hai bên không tìm được tiếng nói chung và đưa vấn đề lên FIFA thụ lý giải quyết.
Một tháng sau, hai bên đã đạt được thỏa thuận và CLB Hải Phòng buộc phải thanh toán cho tiền đạo người Uganda số tiền 14.250 USD (tương đương hơn 300 triệu đồng); kèm theo đó là cam kết không được khiếu kiện.
Tuy nhiên, ngày 7/5, FIFA ra phán quyết buộc CLB Hải Phòng phải trả cho Mpande số tiền 56.500 USD (gần 1,3 tỷ đồng). Đội chủ sân Lạch Tray có động thái gửi văn bản thỏa thuận giữa họ với tiền đạo Mpande tới FIFA và VFF.
Đến ngày 1/10, VFF yêu cầu Hải Phòng cung cấp các tài liệu chứng minh về việc hoàn tất nghĩa vụ tài chính theo quyết định của FIFA để hoàn thiện các hồ sơ cấp phép thi đấu ở mùa giải 2022.
Sau khi nhận văn bản này, phía CLB Hải Phòng phản ứng và cho rằng, đó là lỗi của Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh.
Vấn đề mà đội bóng này đưa ra là thỏa thuận giữa họ với Mpande đã được gửi từ tháng 5 nhưng sau 5 tháng, cả FIFA lẫn VFF đều không có ý kiến gì. Trong khi đó, Mpande không khiếu kiện và đã trở về nước.
Chủ tịch CLB Hải Phòng Văn Trần Hoàn cho rằng, trong trường hợp VFF thấy văn bản của CLB chưa đảm bảo tính hợp pháp với phán quyết của FIFA thì phía VFF phải có trách nhiệm phúc đáp; đồng thời hướng dẫn các hồ sơ để CLB hoàn thiện.
Ông Hoàn đặt vấn đề, liệu VFF có đang cố tình gây khó khăn cho phía CLB.
Trao đổi vấn đề này, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho hay, vụ việc tranh chấp giữa CLB Hải Phòng và Mpande thuộc thẩm quyền giải quyết của FIFA bởi có yếu tố nước ngoài. Các bên có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, giải trình và thực hiện theo phán quyết của FIFA. Là tổ chức thành viên FIFA, VFF có nghĩa vụ yêu cầu thành viên của mình thực hiện theo phán quyết.
Ông Hoài Anh cho biết, CLB Hải Phòng không báo cáo ngay với FIFA khi đạt thỏa thuận với Mpande vào ngày 14/4. Cụ thể, sau khi FIFA ra phán quyết ngày 7/5 thì đến ngày 12/5, CLB Hải Phòng mới nộp các hồ sơ thỏa thuận với tiền đạo người Uganda lên FIFA.
“Nguyên tắc giải quyết tranh chấp của FIFA là mọi văn bản, giấy tờ, chứng cứ…phải được nộp trong thời hạn FIFA yêu cầu và trước khi ra phán quyết. Trường hợp không đồng ý với phán quyết của FIFA, CLB có quyền thực hiện thủ tục khiếu nại”, ông Hoài Anh nói.
Tổng thư ký VFF cho biết thêm, CLB Hải Phòng không có động thái phản hồi với văn bản từ phía FIFA sau khi gửi văn bản vào ngày 12/5 lên tổ chức này. Do đó, Liên đoàn bóng đá châu Á đưa lên hệ thống cấp phép trực tuyến mục “Nợ quá hạn” với trường hợp của CLB Hải Phòng.
Ông Lê Hoài Anh khẳng định, tiêu chí cấp phép bóng đá chuyên nghiệp CLB không thể không nắm rõ vì đã được phổ biến từ lâu, đây không phải quy định mới. VFF cũng nhiều lần gửi văn bản nhắc nhở các CLB.
Cách đây không lâu, VFF từng nhắc CLB Hải Phòng thực hiện nghĩa vụ nợ thuế với số tiền hơn 17 tỷ đồng. Khoản nợ này dưới thời của chủ tịch tiền nhiệm Trần Mạnh Hùng.
Nếu không hoàn tất các thủ tục, giấy tờ liên quan đến tài chính, CLB Hải Phòng có thể không được cấp phép thi đấu ở V.League 2022 cũng như các giải đấu do AFC tổ chức.