Huỳnh Quang Thanh: Việt Nam khó tạo “địa chấn” như Oman trước Nhật Bản
Từng đối đầu với Nhật Bản hai lần, trong đó có thất bại 1-4 trước Nhật Bản ở Mỹ Đình thuộc vòng bảng Asian Cup 2007, theo quan điểm cá nhân, anh cảm thấy Nhật Bản trước đó và hiện tại như thế nào?
Sức mạnh của họ lúc nào cũng thế cả, là đội bóng hàng đầu châu Á. Thậm chí, thời điểm hiện tại, tuyển Nhật Bản còn đáng sợ hơn với sự đồng đều về nhân sự. Họ có nhiều cầu thủ thi đấu ở châu Âu, chỉ ít cầu thủ ở trong nước. Trước đó, Nhật Bản chỉ có một vài cá nhân nổi bật, đội hình chủ yếu thi đấu ở giải quốc nội.
HLV Miura cho rằng, lối chơi của Việt Nam và Nhật Bản khá giống nhau. Đó là thiên về bóng ngắn. Sự khác biệt trong điểm chung này là gì?
Cả hai đều có triết lý chơi bóng ngắn nhưng rõ ràng, có sự khác biệt đáng kể về đẳng cấp và trình độ. Họ thi đấu ở châu Âu nên ở trình độ vượt hẳn, từ cách chơi bóng đến tâm lý.
Nhật Bản thi đấu rất chuyên nghiệp. Họ đá bình thường vậy thôi nhưng khó chịu, cách đan bóng, bật bóng chuẩn xác; chỉ cần đối thủ đứng sai vị trí, sơ suất nhỏ thì họ sẽ ghi bàn.
Liệu Nhật Bản có điểm yếu?
Điểm yếu của Nhật là khâu dứt điểm còn tôi chưa thấy yếu nhiều. Tôi nghĩ, ở trận đấu tới, thật khó để tìm ra điểm yếu của đội bóng này. Mình phải mạnh thì họ mới lộ ra điểm yếu còn mình không mạnh, không gây áp lực, không giữ bóng thì làm sao có thể khai thác điểm yếu từ họ.
Ở một vài thời điểm, họ có thể yếu hơn so với chính bản thân họ nhưng khoảng cách giữa bóng đá Nhật Bản với Việt Nam vẫn còn rất xa. Việt Nam không thể so sánh với Nhật Bản được.
Thế còn chiến thắng mang tính “cơn địa chấn” của Oman trước Nhật Bản ở vòng 1 thì sao? Có tiếp thêm tự tin cho tuyển Việt Nam về cơ hội giành điểm?
Đó là sự may mắn của Oman mà thôi. Nhật Bản thua là do chính họ khi hàng tiền đạo có quá nhiều cơ hội nhưng lại không tận dụng được. Một trận đấu mà đội tạo ra quá nhiều cơ hội, không thể ghi bàn thì việc bị thủng lưới và nhận thất bại cũng là điều không quá bất ngờ. Đó mới chính là bóng đá. Nhưng, điều đó sẽ không đến nhiều lần.
Ở trận đấu tới, HLV Moriyasu triệu tập hàng loạt ngôi sao từ châu Âu, đặc biệt ở hàng công. Trong khi đó, hàng thủ Việt Nam để thủng lưới đến 10 bàn ở 4 trận vừa qua. Vậy, hàng phòng ngự có cần thay đổi?
Theo tôi, hàng thủ cũng không phải chỉnh lại mà vẫn đá như vậy vì đối phương rất mạnh. Mình chỉnh cũng vậy, thậm chí là rối hơn. Con người như thế nhưng tại sao vào vòng này lại thủng lưới nhiều? Vì mình toàn đối đầu với đối thủ đẳng cấp cao.
Ở Đông Nam Á, Việt Nam có thể tự tin để chơi phòng ngự tốt nhưng khi ra châu Á thì khác hoàn toàn rồi. Các đối thủ đều khéo léo, nhanh nhẹn và có kỹ thuật tốt.
Trước đối thủ mạnh như Nhật, tuyển Việt Nam cần làm gì?
Chúng ta cần giữ lối chơi, tinh thần chiến đấu, hãy cứ là chính mình. Lối chơi thời HLV Park Hang Seo áp dụng thế nào thì cứ giữ như vậy. Tức là, chú trọng vào khả năng phòng ngự trước, rồi khi có cơ hội mới nghĩ đến tấn công, ghi bàn và có kết quả khả quan.
Anh dự đoán thế nào về kết quả trận đấu này?
Là người Việt Nam, tôi luôn ủng hộ đội tuyển nhưng ở trận này, tôi xin phép không dự đoán kết quả. Chúng ta chỉ cần là chính mình, thi đấu tự tin, tự khắc chuyện gì đến sẽ đến.
Khi thi đấu với dàn sao đến từ châu Âu, tôi hy vọng các em sẽ cống hiến, chơi tốt nhất có thể. Mình cần tận dụng các trận đấu như thế này để xem mình đang ở đâu và cần gì cho tương lai.
Cảm ơn anh về cuộc trao đổi này!
Huỳnh Quang Thanh từng là hậu vệ cánh phải số 1 của tuyển Việt Nam. Anh có 45 lần khoác áo đội tuyển quốc gia giai đoạn 2005-2014 và gặt hái những thành công như vô địch AFF Cup 2008, lọt vào tứ kết Asian Cup 2007.
Cựu tuyển thủ sinh năm 1984 từng hai lần đối đầu với Nhật Bản. Đó là trận đấu thuộc vòng bảng Asian Cup 2007 và trận giao hữu năm 2011. Ở hai trận đấu này, Huỳnh Quang Thanh đều đá chính, thi đấu trọn vẹn 90 phút.