“Kích động viên” của bóng đá Việt Nam từ đâu mà ra?

thứ ba 16-10-2018 11:48:04 +07:00 0 bình luận
Việc LĐBĐVN (VFF) vừa bị AFC phạt 12.500 USD (gần 300 triệu đồng) vì có cổ động viên đốt pháo sáng tại Asiad 18 thật sự đáng buồn, bởi đây không phải lần đầu tiên VFF chịu thiệt hại (cả về tiền bạc lẫn uy tín) bởi những hành động quá khích của những kẻ "đội lốt" cổ động viên. Vậy đâu là nguồn cơn?

Việc LĐBĐVN (VFF) vừa bị AFC phạt 12.500 USD (gần 300 triệu đồng) vì có cổ động viên đốt pháo sáng tại Asiad 18 thật sự đáng buồn, bởi đây không phải lần đầu tiên VFF chịu thiệt hại (cả về tiền bạc lẫn uy tín) bởi những hành động quá khích của những kẻ "đội lốt" cổ động viên. Vậy đâu là nguồn cơn?

1. Tại vòng loại Asian Cup 2019, VFF từng bị phạt 11.000 USD cũng vì hành vi đốt pháo sáng của một nhóm người mang danh nghĩa "cổ động viên". Còn xa hơn, tại AFF Suzuki Cup 2016, mức phạt dành cho VFF từng lên tới 38.000 USD (hơn 860 triệu đồng) vì có kẻ đã ném đá vỡ kính xe chở đội tuyển Indonesia… Tất nhiên, kèm theo án phạt tiền là cảnh cáo của AFC, AFF, thiệt hại về uy tín thì không "đong" được bằng tiền!

Chiếc xe chở ĐT Indonesia bị CĐV Việt Nam ném vỡ kính tại AFF Cup 2016

Thử hỏi: Những kẻ chỉ vì thỏa mãn cái sự tùy hứng (và cả ngông cuồng) của mình, bất chấp quy định của BTC, coi thường nguyên tắc về an ninh – an toàn của cuộc chơi, đương nhiên cũng không hề đếm xỉa đến những hệ lụy của hành vi mình gây ra với những người xung quanh, tới uy tín của VFF (đến nỗi "thiệt đơn, thiệt kép") hay hình ảnh và uy tín nói chung của bóng đá Việt Nam có xứng đáng với danh xưng "cổ động viên"? Không, nên gọi đấy là những kẻ kích động, thậm chí là những kẻ phá bóng đá Việt Nam!

2. Những "kích động viên" đó từ đâu mà ra? Có phải từ thói quen đốt pháo sáng?

Pháo sáng từ lâu đã được xem là "đặc sản" của một nhóm tự xưng là cổ động viên Hải Phòng. Làng bóng đá không lạ gì cái tên Hoàn "pháo", một anh nhiều tiền, từng có mặt ở nhiều sân chơi bóng đá lớn, là "nguồn cung vô hạn" cho các cổ động viên thích "chơi trội" trên khán đài tại các trận đấu có đội bóng đất Cảng (rồi đem cả đến những trận có đội tuyển Việt Nam).

Một lãnh đạo bóng đá lão làng rằng ông từng đích thân gặp Hoàn "pháo", ngồi tâm sự như những người anh – em, để anh ta, với tầm ảnh hưởng của mình có thể thay đổi ý thức và tác động tới những người khác "cùng hội". Ngờ đâu, câu trả lời chỉ là một quả pháo sáng được đốt lên kèm theo câu trả lời: "Đấy, nó có nguy hiểm gì đâu!".

Pháo sáng từ lâu được xem là "đặc sản" trên sân Lạch Tray

Một "nguồn cung cấp pháo sáng" đã rõ như thế? Thuyết phục không được thì ngăn chặn bằng biện pháp cứng rắn có được không? Đương nhiên là được, bất kể anh ta có "mối quan hệ" cỡ nào. Vấn đề nằm ở sự dung dưỡng, thờ ơ, thiếu trách nhiệm của lãnh đạo CLB bóng đá Hải Phòng – trong mối quan hệ với Hội cổ động viên, hay đúng hơn là từ chính ý thức chưa vì cái chung của họ; rộng hơn là sự thiếu trách nhiệm của chính quyền hữu trách địa phương, trong đó có Công an Hải Phòng!

Thế là pháo sáng vẫn cứ tiếp tục được đốt, không chỉ ở sân Lạch Tray, mà còn trên nước bạn, nơi đại diện của bóng đá Việt Nam thi đấu. Và rồi…

3. Nhiều người có lẽ còn chưa quên những sự cố vô cùng đáng buồn liên quan tới khán giả quá khích trong bóng đá Việt.

Trong quá khứ, từng có không ít vụ ẩu đả giữa các nhóm CĐV (Huế - Đà Nẵng, Hải Phòng – SLNA…) chỉ vì sự phân biệt vùng miền một cách thái quá cũng như thiếu ý thức về cổ động, rồi những cái "đầu nóng"  bốc hỏa sau một hành động mang tính "châm ngòi" nào đó. Từng có vụ "kích động viên" đuổi đánh, thậm chí… lùng sục trọng tài sau trận đấu vì cho rằng đã xử ép đội nhà, khiến các "vua sân cỏ" bất đắc dĩ phải chui lủi chẳng khác nào "tội phạm trốn nã".

Và trong rất nhiều trận đấu tại V.League hay giải hạng Nhất bấy lâu nay, chuyện các khán giả đồng thanh hoặc riêng lẻ chửi trọng tài, cầu thủ hay HLV của đội bạn đã trở thành cơm bữa. Gần như không có sự nhắc nhở lẫn nhau trong các nhóm "cổ động viên", để rồi những mồi lửa đã không được ngăn chặn kịp thời mà cứ thế tiếp diễn và chờ dịp bùng lên…

Chủ tịch HĐQT của VPF, trưởng Ban điều hành V.League - ông Trần Anh Tú từng gửi gắm những lời tâm huyết để thuyết phục CĐV bóng đá Hải Phòng, với hy vọng thiểu số "mê pháo sáng" hãy nghĩ tới cái chung. Ông cũng mong mỏi người hâm mộ sẽ cổ vũ bóng đá một cách văn minh và ý thức. Buồn thay, những lời kêu gọi ấy chỉ như gió thoảng qua, hay như nước đổ lá khoai...

Hình ảnh xấu xí vẫn tồn tại nhiều trong cộng đồng bóng đá Việt Nam

4. Vấn đề gốc rễ không nằm ở chỗ "Ban điều hành giải làm gì" mà là "CLB đã làm gì"; bởi có một thực trạng là họ ở "quá xa" đối với những CĐV tại các CLB (trong đó có các thành phần "kích động viên"). Như đã đề cập ở trên, một nguyên lãnh đạo VFF từng chọn giải pháp tiếp cận trực tiếp mà còn không giải quyết được vấn đề…

Vậy nên, để giải quyết mắc mớ, dứt khoát cần sự cộng đồng trách nhiệm từ chính các CLB. Cổ động viên có thành "kích động viên" hay không một phần do mối quan hệ giữa lãnh đạo các CLB với các Hội cổ động viên và lãnh đạo các Hội cổ động viên với các thành viên của mình.

Nếu VPF, trong vai trò điều hành cao nhất có thể nêu yêu cầu trực diện đối với các CLB (Hải Phòng chẳng hạn, trong trường hợp pháo sáng), rồi lãnh đạo CLB làm việc cụ thể với Hội cổ động viên, cũng để kêu gọi, thuyết phục (nếu cần thì sử dụng biện pháp mạnh hơn như yêu cầu lực lượng chức năng địa phương vào cuộc) họ hãy vì CLB, vì quyền lợi của BĐVN mà cổ động một cách văn minh, ý thức hơn!

Tất nhiên, để làm được điều ấy, trước hết cần mối quan hệ tương hỗ giữa các CLB với Hội cổ động viên của mình (Một số CLB như Hà Nội hay Than Quảng Ninh đều đã làm khá tốt điều này). Cần lắm sự tăng cường công tác truyền thông, quảng bá những hình ảnh đẹp, văn minh trong cổ vũ bóng đá từ phía các CLB thay vì chỉ bận lo chuyên môn mà thôi.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội