Sân Vinh và nỗi buồn ngày “thay áo mới”
Sân Vinh được lắp thêm ghế, được sơn lại và đầu tư nhiều hạng mục để trở nên lộng lẫy hơn. Đó là ước mơ từ hàng chục năm nay của những người yêu bóng đá xứ Nghệ. Thế nhưng, khi nó đã trở nên rất đẹp thì lại vắng như “chùa bà đanh”.
Là nơi sẽ tổ chức cả lễ khai mạc lẫn bế mạc của Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc 2016 nên sân Vinh được ưu tiên đầu tư hàng chục tỷ đồng để cải tạo và nâng cấp. Theo đó, toàn bộ khu vực khán đài B đã được lắp ghế ngồi. Hai khán đài C, D cũng được sơn lại. Kèm theo đó, các phòng chức năng, các hạng mục khác cũng được sửa chữa lại một cách chu đáo.
Thời điểm này, dự án cải tạo sân Vinh đã chính thức hoàn thành và ai đến với sân Vinh, đều bị hút hồn. Đó là ước mơ của rất nhiều người, bởi trong quá khứ, sân Vinh luôn bị đánh giá là sân bóng cũ kỹ, chật chội và thậm chí, đã từng có tai nạn chết người diễn ra ở đây.
Thế nhưng trớ trêu thay, những trận đấu vừa rồi, sân Vinh vắng một cách đáng sợ. Trận đấu gần đây nhất trên sân Vinh giữa SLNA gặp S.Khánh Hoà, có chưa đầy 2.000 khán giả xứ Nghệ đến chứng kiến trận đấu. Đây cũng là một trong những sân bóng có lượng khán giả ít nhất ở vòng 16 V.Laegue 2016.
Điều đáng nói, số khán giả ít ỏi ấy như bị xát thêm muối vào nỗi đau khi trong trận đấu với S.Khánh Hoà, đội chủ nhà bị thua đau. Đã không biết bao nhiêu lần ở mùa giải này rồi, SLNA thất bại ngay trên sân nhà.
Tan trận, nhiều người nói vui với nhau nhưng nghe cũng thấy đau lòng. Họ bảo với nhau rằng, sân bóng đẹp hơn nhưng đội bóng thua, khán giả không ai đến thì thà như ngày xưa còn hơn. Sân bóng cũ, chật chội cũng được nhưng cầu thủ đá có nhiệt, có không khí thực sự của bóng đá.
Sân Vinh xấu hay đẹp, đông hay ít khán giả; tự bản thân nó không có lỗi. Nó có hồn, có sức hút hay không, cái chính là ở con người. Ngày xưa, các trận đấu diễn ra lúc 15 giờ dưới cái nắng chang chang của mùa Hè. Thế nhưng, với tình yêu, người ta chẳng ngại ngùng gì, lũ lượt kéo nhau đến với sân Vinh từ lúc 13 giờ.
Mỗi trận đấu của SLNA trên sân Vinh là mỗi lần giống như lễ hội, khi không chỉ khán giả thành Vinh mà còn khán giả ở khắp các huyện thị đổ về. Dòng người đông đúc kéo dài qua nhiều tuyến phố xung quanh sân Vinh và nhìn cảnh ấy đã thấy sướng, chứ chưa nói trực tiếp vào sân Vinh.
Kiếm một tấm vé để vào sân, có khi người ta phải chấp nhận mua vé “chợ đen” cao gấp nhiều lần. Thế nhưng, người ta vẫn vui vẻ, vì vào sân, họ cảm nhận được những giá trị của bóng đá. Cầu thủ hồi ấy chưa có khái niệm lót tay, lương không quá vượt trội nên ra sân chỉ biết làm sao, phải thật nhiệt để giành chiến thắng.
Tinh thần xứ Nghệ là nét đặc trưng và thế hệ cầu thủ xứ Nghệ trong quá khứ đã tạo nên thành tích vô tiền khoáng hậu, đó là không thua trên sân nhà trong 6 năm liên tiếp, từ 1995 đến 2000.
Bây giờ sân Vinh đã được lắp đèn, các trận đấu diễn ra lúc 17 giờ 30. Cầu thủ sướng, khán giả cũng sướng vì ngoài đá muộn, thời tiết mát mẻ, việc kiếm cái vé vào sân cũng quá dễ dàng. Thế nhưng, cầu thủ xứ Nghệ bây giờ khác xưa quá nhiều và đó là lý do, bi kịch... diễn ra.
Kỳ 5: Giải pháp nào để hâm nóng “chảo lửa”