Kỳ quặc V.League: Giải VĐQG nghỉ 46 ngày nhường sân cho đội trẻ
V.League phải "phục vụ"... U20 và U22
“Tôi chưa từng gặp giải đấu nào có 2 quãng nghỉ dài như thế này. Nó sẽ gây khó cho tất cả các CLB. Ngay cả ở Thái Lan cũng chỉ có một quãng nhưng không dài như này”, HLV Bozidar Bandovic của CLB Hà Nội chia sẻ.
Nhà cầm quân người Serbia có lần đầu tiên đến đất nước hình chữ S làm việc. Ông cảm thấy khó hiểu với cách sắp xếp lịch của VFF và VPF. Theo đó, V.League đá "dồn toa” trong vòng 16 ngày với 4 vòng đấu; mật độ thi đấu 4 ngày/trận.
Sau đó, giải nghỉ đến ngày 6/4, tức đến 46 ngày mới trở lại. Trong quãng thời gian này, giải đấu nghỉ chỉ vì U20 Việt Nam tham dự VCK U20 châu Á 2023. Không một giải đấu nào trên thế giới lại nghỉ chỉ để U20 làm nhiệm vụ quốc tế. Nên nhớ, trong đội hình của U20 Việt Nam, chỉ có lác đác một vài cầu thủ được xem là trụ cột ở CLB như Phi Hoàng (Đà Nẵng), Bùi Vĩ Hào (Bình Dương),...
Ngoài ra, trong thời điểm này, U22 Việt Nam tập trung đúng 1 tháng để chuẩn bị cho SEA Games 32, giải đấu Việt Nam giành 2 tấm HCV liên tiếp. Tất nhiên, quãng nghỉ FIFA Days là hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhưng, theo công bố từ VFF, ĐTQG lại tập trung lệch với FIFA Days. Sau đó, V.League quay lại đá 3 vòng, từ 6/4 đến 17/4, cũng với mật độ 4 ngày/trận.
Sau ngày này, giải đấu tạm dừng 32 ngày để U22 Việt Nam tham dự SEA Games 32. Có quá nhiều bất cập từ cách sắp xếp lịch từ VFF, VPF.
Ngay ở Thái Lan, sau khi Hiệp hội bóng đá nước này đề xuất đổi lịch để U22 dự SEA Games 32, các CLB lên tiếng phản đối cật lực. Kế hoạch này đã bị đổ bể. Chủ tịch CLB Buriram United, Newin Chidchob chỉ trích: “Phá hủy hệ thống giải đấu chuyên nghiệp để vô địch SEA Games là tầm nhìn của những người nghiệp dư, không biết gì về bóng đá.
Chức vô địch SEA Games có ý nghĩa với Hiệp hội đến mức không quan tâm đến các giải chuyên nghiệp trong nước ư? Nếu chỉ nghĩ về SEA Games thì đừng lừa người hâm mộ về giấc mơ World Cup”.
Người bức xúc, người mừng thầm
HLV Vũ Hồng Việt không thể kìm nén cảm xúc khi nhắc đến vấn đề này. Vị thuyền trưởng của CLB Nam Định kêu gọi các CLB phải lên tiếng. Ông nói: “Nghỉ dài ngày ảnh hưởng nhiều đến nhịp chơi của các cầu thủ. Tôi nghĩ các CLB nên có tiếng nói hơn trong việc này. Chẳng có giải VĐQG nào đá mấy vòng lại nghỉ hơn 1 tháng, rồi sau đó đá 3 vòng thì lại nghỉ tiếp 1 tháng. Điều này thực sự bất cập.
Nếu nghỉ để cho ĐTQG trong một thời gian dài như vậy đã là quá rồi. Còn nghỉ dành cho một đội tuyển trẻ (U20) như vậy là không nên”.
HLV Chu Đình Nghiêm của Hải Phòng bức xúc: “Quãng nghỉ không chuẩn bị được gì nhiều khi nhân sự đã chốt đăng ký rồi. Nghỉ xong, HLV phải tính toán lại kế hoạch. Cầu thủ mất thời gian lấy lại nhịp độ thi đấu. Giải đấu bị cắt vụn quá nhiều".
Là người khá trầm tính song HLV Nguyễn Thành Công của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh lên tiếng: "Quãng nghỉ thực sự bất cập, ảnh hưởng nhiều đến tất cả mọi khía cạnh của các đội bóng như kế hoạch thi đấu và tài chính".
Theo tìm hiểu, chi phí trả lương, hoạt động để “nuôi” đội bóng trong 1 tháng không dưới 2 tỷ đồng.
Bên cạnh những ý kiến phản đối, có ý kiến dung hòa. CLB CAHN đang có khởi đầu không như ý khi có 4 điểm sau 4 vòng đấu. Tân binh V.League trải qua chuỗi 3 trận liên tiếp không thắng.
HLV Paulo Foiani hay: "Quãng nghỉ 48 ngày có thể là dài, nhưng đối với chúng tôi thì có thể vẫn thiếu. Vừa rồi chúng tôi cũng chưa có nhiều thời gian để chuẩn bị, nên quãng thời gian này sẽ giúp cho đội hoàn thiện đội hơn. Các giải đấu trên thế giới diễn ra liên tục, không bị nghỉ nhiều. Nhưng ở đây là lịch của BTC, có những đội bóng sẽ tận dụng khoảng thời gian này để hoàn thiện hơn”.
Đó cũng là quãng nghỉ để các đội có kết quả không tốt như Đà Nẵng, Bình Dương, SLNA nhìn lại vấn đề đang gặp phải và tìm cách khắc phục.