Lời hứa của lãnh đạo VFF: Việt Nam dự World Cup, đạt doanh thu 1.500 tỷ đồng
Đại hội 9 đã bầu ra 4 chức danh chủ chốt của Ban chấp hành VFF. Ông Trần Quốc Tuấn trúng cử chủ tịch. Phó chủ tịch chuyên môn là ông Trần Anh Tú. Ông Nguyễn Trung Kiên ngồi vào ghế phó chủ tịch tài chính. Ông Nguyễn Xuân Vũ đảm trách phó chủ tịch truyền thông. Tất cả đều đưa ra những lời hứa hẹn trong nhiệm kỳ mới (2022-2026).
Ông Trần Quốc Tuấn cho biết: "Thời gian qua, bóng đá Việt Nam có bước chuyển mình và đạt được thành tích ấn tượng. Chúng ta có 1 năm thu được nhiều thành công trên các lĩnh vực như bóng đá nam, nữ, futsal. Đội tuyển nữ Việt Nam giành vé dự World Cup 2023, U23 Việt Nam 2 lần liên tiếp giành HCV SEA Games, futsal giành vé dự World Cup.
Nhiều đội tuyển trẻ Việt Nam giành vé dự giải châu Á, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng lớp kế cận cho bóng đá Việt Nam. Thời gian tới, hi vọng sẽ có thêm sự bổ sung lực lượng cho đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế trong giai đoạn. Đây là nhiệm vụ vinh dự và áp lực khi bóng đá Việt Nam có nhiều thành công. Trong chu kì thể thao, cần có sự tính toán để duy trì thành tích và tạo ra sức bật thành tích, mục tiêu hướng đến World Cup 2026 và 2030.
Chúng ta phấn đấu đưa bóng đá Việt Nam lọt vào Top 10 châu Á và sớm có mặt tại vòng chung kết World Cup. Nhiệm vụ này áp lực và đòi hỏi bộ máy mới VFF cần có quyết định mang tính đột phá. VFF có chuỗi chuẩn bị liên tục, chúng ta có sự chuẩn bị 4 năm qua như việc đội tuyển Việt Nam có mặt ở vòng loại thứ 3. Đây là cơ hội quý báu để chúng ta được thi đấu với đội bóng mạnh ở giải đấu chính thức và thu được nhiều kinh nghiệm. Trong thời gian tới, đội tuyển Việt Nam sẽ phát huy ở nhiều giải đấu lớn”.
Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Anh Tú nói: "Việc tìm HLV mới cho ĐT Việt Nam không hề dễ dàng. HLV mới phải phù hợp với văn hóa Việt Nam, với cầu thủ và tình hình tài chính của VFF. Với khả năng tài chính hiện nay của VFF, tôi tin tưởng chúng ta đủ khả năng gánh vác các chi phí cho các mục tiêu của bóng đá Việt Nam. Tất nhiên chúng ta phải chi tiêu, tính toán, liệu cơm gắp mắm”.
“Trước đây, việc bán được bản quyền V.League là chuyện không đơn giản. Tuy nhiên trong thời buổi hiện nay, mọi thứ đã thuận lợi hơn. Về VAR, VPF đã muốn triển khai sớm. Nhưng tình hình tài chính trước đây chưa đủ. Khi làm việc với FIFA, họ đã sang và làm việc với VPF, tới bước phê chuẩn thì không được do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Khi khởi động lại dự án, mọi việc đã thuận lợi hơn”, ông Tú nói thêm.
Phó chủ tịch phụ trách tài chính Nguyễn Trung Kiên nói: "Tôi đã chia sẻ trên báo chí những dự định từ trước khi làm Phó Chủ tịch VFF. Tôi sẽ cố gắng từng bước cùng Thường trực và BCH VFF, hướng tới cam kết ban đầu như đã đưa ra. Trước khi tranh cử, tôi cũng chia sẻ với giới truyền thông về việc doanh thu của VFF tăng trưởng 50%. Khi đã trúng cử, tôi sẽ xây dựng kế hoạch, phối hợp với Ban lãnh đạo, các phộ phận chuyên môn để hướng tới điều đó”. Theo báo cáo tài chính nhiệm kỳ 2018-2022, doanh thu của VFF đạt mức 1.000 tỷ đồng.
Phó chủ tịch phụ trách truyền thông Nguyễn Xuân Vũ cho hay: “Tôi định hướng ngoài giải chuyên nghiệp và ĐTQG, các giải ngoài chuyên nghiệp như hạng Nhì, hạng Ba, bóng đá nữ, giải phong trào… cũng cần được quan tâm hơn nữa về khía cạnh truyền thông. Ví dụ như sẽ có đơn vị truyền thông truyền hình trực tiếp những trận đấu thuộc giải đó”.