Môn thể thao nào dễ gặp sốc nhiệt nhất?

thứ tư 11-4-2018 7:49:00 +07:00 0 bình luận
Các VĐV chơi môn thể thao sức bền dù ngoài trời hay trong nhà đều có thể bị sốc nhiệt.

Các VĐV chơi môn thể thao sức bền dù ngoài trời hay trong nhà đều có thể bị sốc nhiệt.

Sốc nhiệt là tình trạng gây ra bởi cơ thể quá nóng, thường do tiếp xúc kéo dài hoặc gắng sức ở nhiệt độ cao. Đây là hình thái tổn thương do nhiệt nghiêm trọng nhất. Chẩn đoán sốc nhiệt khi nhiệt độ trung tâm cơ thể tăng quá 40 độ C, đi kèm các rối loạn về tri giác và ý thức.

Bóng bầu dục

Theo cơ quan kiểm soát và phòng chống bệnh Hoa Kỳ (CDC), mỗi năm ở các trường cấp 3 có trung bình 9237 trường hợp sốc nhiệt do thể thao. Báo cáo của Hiệp hội bóng bầu dục Hoa Kỳ năm 2008 cho thấy có 31 vận động viên tử vong do sốc nhiệt gắng sức (Exertional Heat Stroke - EHS) từ năm 1995. Riêng năm 2008 có tới 6 trường hợp. Theo một nghiên cứu của tạp chí Y khoa thể thao Mỹ, các ca tử vong do sốc nhiệt gắng sức trong giai đoạn 2005-2009 nhiều hơn bất kỳ giai đoạn 5 năm nào trong 35 năm trước đó.

Tại Mỹ, môn bóng bầu dục là môn thể thao có nguy cơ gặp hiện tượng sốc nhiệt gắng sức lớn nhất. Tỷ lệ gặp EHS khi chơi bóng bầu dục chuyên nghiệp là 4,5/100 000. Số ca EHS trong hệ thống giải các giải thể thao khối trường học cũng khá cao với tỉ lệ 1,45/100.000. Theo Mayo Clinic, các VĐV trẻ chưa phát triển đầy đủ về mặt sinh học nên cơ thể chưa đủ khả năng để đối phó, thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ. Chính vì vậy, nhóm trẻ có nguy cơ cao bị EHS khi chơi thể thao.

 


Môn bóng bầu dục là môn thể thao có tỉ lệ sốc nhiệt cao

Trong giai đoạn từ 2005-2011, dựa trên báo cáo được trích xuất từ Hệ thống giám sát chấn thương thể thao của các trường học ở Mỹ cho thấy có 51.943 trường hợp EHS của 9 môn thể thao xảy ra trên toàn nước Mỹ. 75,2% trong số các sự cố liên quan đến EHS rơi vào giai đoạn trước mùa giải, chỉ có 23,6% các trường hợp xảy ra trong thời gian diễn ra mùa giải.

Không ngạc nhiên khi những thành phố, bang có thời tiết nóng có tỉ lệ EHI cao vượt trội: Florida (21,60/100.000), Alabama (17,92), Arizona (13,63) và Kentucky (13,08). Trong số các ca EHI, các VĐV thi đấu ở vị trí tiền đạo gặp nguy cơ cao nhất với 35,7%, tiền vệ đứng thứ hai (16,9%) và hậu vệ (9,7%).

Điều đáng ngạc nhiên là các ca EHS ở đối tượng học sinh còn bắt gặp ở môn bóng chuyền nữ (4,8%) mặc dù các VĐV chơi môn này được thi đấu ở trong nhà. Tháng 8 là giai đoạn cao điểm trong năm của EHS tại nước Mỹ với tỷ lệ số ca EHS lên tới 60,3%, trong đó hơn 90% trường hợp rơi vào thời kỳ tập luyện chuẩn bị cho mùa giải.

 


Naoki Matsuda, hậu vệ ĐT Nhật Bản dự World Cup 2002 qua đời ở tuổi 34, chỉ 1 ngày sau khi bị sốc nhiệt trong buổi tập

Các môn thể thao sức bền ngoài trời: bóng đá, chạy đường dài, ba môn phối hợp...

Ngoài môn bóng bầu dục, các môn thể thao đòi hỏi sức bền cao như chạy bộ đường dài hay ba môn phối hợp cũng dễ gặp hiện tượng sốc nhiệt gắng sức.

Tại Olympic 1984 ở Los Angeles, Gabriela Andersen Scheiss bước vào sân vận động trong tình trạng lắc lư, gần như không thể điều khiển được cơ thể. Vòng cuối trong SVĐ của Gabriela Andersen Scheiss như dài vô tận vậy khi cô lảo đảo di chuyển. Cô đổ sụp xuống tại vạch đích.

Xem video Gabriela Andersen Scheiss đi lảo đảo tại Olympic 1984:

 

Ở giải VĐTG Ironman 1995 tại Hawaii, huyền thoại triathlon Paula Newby-Fraser, người 7 lần vô địch Kona trong vòng 10 năm từ năm 1986 đến năm 1996, khi bị mất vị trí dẫn đầu đã nôn nóng bỏ qua trạm nước trong giai đoạn cuối của cuộc đua để đuổi kịp đối thủ và cô phải trả giá khá đắt. Paula Newby-Fraser gục ngã vì sốc nhiệt. Chỉ sau khi được một trọng tài dội nước kịp thời, nhà vô địch người Zimbabwe mới tỉnh táo trở lại. Cô đi bộ chân đất về đích và hoàn thành cuộc đua ở vị trí thứ 4. 

Xem video Sian Welch và Wendy Ingraham thi nhau... bò ở Ironman:

Năm 1997, hình ảnh cuộc đua...bò giữa Sian Welch và Wendy Ingraham đã trở thành một trong những hình ảnh ấn tượng nhất của cuộc thi Ironman trong lịch sử.

 


Paula Newby-Fraser may được trọng tài dội nước đá khi bị sốc nhiệt do bỏ trạm nước. Nhờ được xử lý kịp thời, huyền thoại Ironman này tỉnh táo trở lại và vẫn đi bộ được về đích

Tại gải London Marathon 2012, một nạn nhân nữ 30 tuổi đã quị ngã trong khi chạy khi đến gần công viên St James Park, dù được chăm sóc y tế ngay sau đó nhưng cũng không thể qua khỏi. Cũng trong giải này, Sophie Raworth, một nạn nhân thoát chết khác đã kể lại: "Tôi đã quị ngã vì sốc nhiệt ở km thứ 37. Thời tiết nóng và tôi uống không đủ nước. Tôi bất tỉnh trong khoảng 20 phút và đã nghĩ rằng mình sắp chết. Đó là một trải nghiệm đáng sợ trong cuộc đời. Đội y tế cấp cứu đã bao bọc tôi bằng những túi đá và đổ nước lên người tôi". 

Cách đây 7 năm, Naoki Matsuda, cầu thủ từng giúp đội tuyển Nhật Bản lọt vào nhóm 16 đội mạnh nhất thế giới tại World Cup 2002 trên sân nhà, cũng tử vong vì sốc nhiệt trong một buổi tập. Sau 2 ngày điều trị, hậu vệ xấu số 34 tuổi này không thể qua khỏi. 

 


VĐV Muay Thái tử vong vì sốc nhiệt khi mặc áo khoác nặng trong khi tập để giảm cân

Không chỉ các VĐV chơi thể thao ngoài trời mới bị sốc nhiệt, những người thi đấu trong nhà với cường độ cao vẫn có thể bị sốc nhiệt. Tháng 3 năm ngoái, một VĐV Muay Thái người Anh 19 tuổi đã qua đời vì sốc nhiệt trong lúc luyện tập tại Thái Lan. VĐV này vừa tập vừa mặc áo khoác nặng để giảm cân.  

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội