Nghịch lý V.League bước sang tuổi 23: Những cái tên CLB bị đổi và sân chưa đủ chuẩn

thứ sáu 20-10-2023 10:54:32 +07:00 0 bình luận
V.League 2023/24 có bước chuyển mình khi “vắt” qua hai năm. Tất cả phục vụ ĐTQG theo dòng chảy thế giới, để đúng lịch trình FIFA Days. Nhưng, V.League vẫn tồn tại những vấn đề xưa nay cũ. Đó là cái tên bị đổi và sân vận động chưa đủ tiêu chuẩn.

Sau mùa giải mang tính bản lề 2023 với thời gian ngắn, chỉ khoảng 5 tháng (trừ thời gian để các ĐTQG thi đấu tại giải quốc tế), V.League mùa này có bước đột phá. Theo đó, giải VĐQG "vắt" qua hai năm, từ tháng 10/2023 kéo dài đến tháng 5/2024. Sự thay đổi này đến từ việc tạo điều kiện để các CLB Việt Nam thi đấu ở những giải châu Á và phù hợp với FIFA Days.

Quy Nhơn Bình Định là được đổi tên từ Topenland Bình Định. Ảnh: QNBDFC

Đây là xu hướng của bóng đá thế giới đương đại, giống với nhiều nước châu Âu đã áp dụng thời gian dài vừa qua. Nó cho thấy, V.League có bước chuyển mình, phù hợp với dòng chảy hiện tại. Trước đây, khi vừa mới chuyển sang mô hình giải bóng đá VĐQG chuyên nghiệp, hai mùa giải đầu, V.League đều đá "vắt" hai năm.

Mùa 2000/01 kéo dài từ 3/12/2000 đến 27/5/2001. Mùa thứ hai diễn ra trong quãng thời gian từ 2/12/2001 đến 12/5/2002. Thời điểm bấy giờ, V.League đang trong giai đoạn “chuyển giao”, không có sự ổn định về số đội thường xuyên tham dự. Và chỉ sau hai năm, khi cơ chế chuyển đổi dần thành hình hài, V.League 2003 mới có 12 đội và đá trong 1 năm.

Sau 23 năm, giải đấu lại có sự thay đổi mới, ổn định hơn về tài chính. Điều này mang tính tích cực, cho một mô hình bóng đá chuyên nghiệp hiện tại. Thế nhưng, đó chỉ là hình thức, “vỏ” bên ngoài. Còn thực tế, giải đấu chưa có sự chuyên nghiệp cao, khi những cái tên liên tục bị đổi và sân chưa đủ tiêu chuẩn.

Ở mùa giải năm nay, Topenland Bình Định thay thế bằng Quy Nhơn Bình Định. Trước đó là Thép Xanh Nam Định (2022), Đông Á Thanh Hóa (2021), Topenland Bình Định (2021), Nam Định (2020, mùa giải 2019 là Dược Nam Hà Nam Định), Khánh Hòa (2019, mùa giải 2018 là Sanna Khánh Hòa BVN), Thanh Hóa (2019, mùa giải 2018 là FLC Thanh Hóa)...

Sự thay đổi này thường xuất phát từ sự thay đổi trong nội bộ đội bóng, mà chủ yếu là nhà tài trợ. Chính sự phụ thuộc quá lớn vào nhà tài trợ, không tự chủ tài chính từ các nguồn lực bóng đá dẫn đến thay đổi này. Điều này cũng mang đến hệ lụy khôn lường. Đó là sự bấp bênh về ngân sách hoạt động. Một vài thời điểm, đội bóng có thể là thiếu gia, nhưng sau đó, lại “bổn cũ, soạn lại” khi nhà tài trợ gặp... vấn đề.

Ở các giải đấu có tính chuyên nghiệp cao trên thế giới, rất hiếm khi, tên của CLB bị thay đổi. Đó là biểu tượng, niềm tin và lòng tự tôn của bản thân các thành viên cũng như CĐV đội bóng. Ngay cả khi đổi chủ, họ vẫn giữ cái tên, vốn là gốc gác của đội bóng. 

Quảng Nam FC chưa thể đá sân nhà dù mới 6 năm trước đó, từng lên ngôi vô địch ở Tam Kỳ. Ảnh: QNFC

V.League luôn xảy ra vấn đề đổi tên CLB và kéo theo đó, thông thường có những sự thay đổi lớn xảy đến một thời gian sau. Hoặc là CLB lên “đời” hoặc là chìm nghỉm. Thép Xanh Nam Định đang rủng rỉnh để sở hữu dàn cầu thủ chất lượng trong hai năm nay. Nhưng, người hâm mộ vẫn luôn đặt câu hỏi, sự ổn định đó sẽ kéo dài đến bao giờ. Hay như bóng đá Bình Định từng được ví là thiếu gia cách đây 3 năm nhưng hiện tại, những vấn đề đã và đang dần hiện hữu. 

Quy Nhơn Bình Định thuần hơn với người dân đất Võ. Tuy nhiên, đâu đó, lẻn trong tâm trí họ là những câu hỏi về tương lai của đội bóng.

Không chỉ tên đội bóng, câu chuyện những sân vận động không đủ chuẩn, và được du di càng khiến cho V.League thiếu đi sự long lanh, chuyên nghiệp dù đã bước sang tuổi 23. Sân 19/8 của Khánh Hòa, Quy Nhơn của Bình Định được “bật đèn xanh” dù cho trước đó không đủ các tiêu chuẩn. Họ có thêm thời gian để chạy nước rút, nhằm kịp đá trên sân nhà.

Trong khi đó, cựu vương Quảng Nam buộc phải chọn Hòa Xuân làm sân nhà. Sân vận động luôn là niềm kiêu hãnh, biểu tượng của một đội bóng, mang tính bản sắc địa phương. Du di hay đi mượn sân để làm sân nhà càng khiến cho người hâm mộ thấy chạnh lòng và cũng từ đó đặt ra vai trò giám sát từ VFF, VPF; cách tự chủ, xây dựng kế hoạch cho mùa giải của các CLB.

V.League 2023/24 sẽ chính thức khai màn vào ngày hôm nay (20/10) và tất cả cùng hy vọng, giải đấu diễn ra suôn sẻ. Những vấn đề tồn đọng vẫn đang tiếp diễn, đừng để các yếu tố liên quan đến chuyên môn, điển hình là trọng tài làm ảnh hưởng đến giải đấu. Đó là bài toán không hề đơn giản, đặt ra những thử thách lớn cho VFF, VPF trong thời gian tới.  

Phương Ngọc
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội