Nhà báo Nguyễn Nguyên: Cõng hàng ngoại đá hàng nội
1. Nếu trước đây hàng Thái Lan mon men vào thị trường Việt Nam một cách rụt rè thì bây giờ các doanh nhân Thái lại “mở rộng thị trường” ở Việt Nam. Họ không chỉ đưa hàng Thái qua Việt Nam mà còn mở rộng cả các siêu thị Việt Nam, khi mua luôn nhiều hệ thống siêu thị lớn. Điều mà nông dân Việt Nam cũng ái ngại vì có lúc cảm thấy thua ở sân nhà hay giới kinh doanh giờ bước vào siêu thị thì nhiều khi phát choáng bởi tràn ngập hàng Thái.
Trao đổi với chúng tôi, một doanh nhân chia sẻ để phát huy hàng nội thì không đơn thuần chỉ là chất lượng và giá thành. Điều này để thực hiện được thì phải là cả một chiến lược song song với chiến dịch “người Việt dùng hàng Việt”.
2. Sân cỏ Việt Nam vừa rộn ràng qua lượt đấu khai mạc gắn với những nét mới. Trong nhiều cái mới đấy có cái mới được “tô” rất đậm là V.League 2016 dùng bóng ngoại của Thái Lan thay cho quả bóng Động Lực gắn với V.League từ cuối những năm 1990 đến nay.
Nói Động Lực thua ngay trên sân nhà cũng đúng nhưng sâu sa hơn thì cần phải đề cập đến “cái đích” của những nhà tổ chức “giận hờn” đối tác tài trợ BĐVN từ những lúc khó khăn nhất.
Bỏ qua yếu tố cái tình giữa Động Lực với bóng đá Việt để đi vào phần chất lượng thì chính các đội sau lượt đấu đầu đã khẳng định quả bóng Thái mới nhập không “đầm” và không “đã” như quả bóng nội dù cả hai đều có dấu công nhận của FIFA.
Nói như một thành viên của VPF là phải mở cửa cho bóng ngoại tràn vào “dập” bóng nội là vì có những mâu thuẫn không giải quyết được nên phải cứu mình trước khi trời cứu (!?).
3. Nhiều người thắc mắc vì chiến dịch “người Việt dùng hàng Việt” lại bị đảo chiều rất nhanh ở V.League 2016. Sau Nike đến Lining thì giờ “bắt tay” với hãng dụng cụ thể thao Thái Lan. Đó là hợp tác 2 chiều với đối tác và phần này được xem là mối lợi 2 chiều. Nó khác hẳn với việc quả bóng tài trợ của Việt Nam bị đẩy ra và thay bằng việc mua quả bóng Thái về đá rồi bị các đội chê tơi bời.
Tìm hiểu cặn kẽ thì Thai.League không chơi với quả bóng ngoại ta mua về và “tự sướng” mà là những hạng dưới. Đáng nói hơn là ta dẫn đường cho hàng Thái vào mà chắc chắn là mặt chất lượng không bằng “người Việt dùng hàng Việt”.
Còn nhớ ngày 24/12 khi PVF tổ chức họp báo công bố nhà tài trợ V.League 2016 thì quả bóng Động Lực vẫn nằm quen thuộc trên bàn chủ tọa đoàn.
Nói như một số người thì chắc là có “đánh đấm” gì trong đó bên cạnh sự sòng phẳng, minh bạch trong hợp tác mà thực tế là số bóng lẫn tiền tài trợ Động Lực vẫn nợ giải nhưng với nhiều người hiểu cuộc chơi thì mua hàng ngoại có thể hơn là chơi với bóng tài trợ.
Mong là mọi người chỉ nghĩ vì đa nghi chứ những nhà tổ chức không vì cái lợi riêng mà cõng hàng ngoại về dập hàng nội.