Câu chuyện U22 Việt Nam (kỳ 2): Lứa Quang Hải, từ thua Thái 0-6 đến World Cup U20 và...
Với những trận thua bẽ bàng như vậy, ở thời điểm đó, sự thất vọng, chê trách mà lứa U19 này phải nhận còn thậm tệ hơn U22 Việt Nam đang đối diện là rất nhiều. Nhất là khi trước họ là những đàn anh với nòng cốt là học viên khóa một của lò đào tạo HAGL Arsenal JMG. Một thế hệ cầu thủ làm vực dậy niềm tin đang nguội lạnh sau những thành tích nghèo nàn của cả một nền bóng đá.
Nhưng bóng đá là vậy, hành trang của thầy trò ông Hoàng Anh Tuấn đến VCK U19 Châu Á năm đó là một sự quyết tâm cao độ, một tinh thần có phần thoải mái hơn khi không phải nhận nhiều áp lực từ sự kỳ vọng, hay soi mói của truyền thông.
Phần còn lại là lịch sử, chúng ta bất bại ở vòng bảng trước những đối thủ đến từ Iraq, Triều Tiên hay UAE. Vượt qua cả sức ép từ những khán đài để đánh bại đội chủ nhà U19 Bahrain ở tứ kết với cú vô lê đầy cảm giác của Trần Thành, và chỉ chịu dừng bước trước nhà vô địch năm đó là U19 Nhật Bản.
Nhưng như thế là quá đủ để U19 Việt Nam giành được chiếc vé đến Seoul dự World Cup U20 như mục tiêu mà ông Tuấn “con” đã đặt ra trước thềm giải đấu.
Phải bản lĩnh lắm thì những con người chỉ mới vừa thua tan nát ở "ao làng” lại dám đặt mục tiêu vươn mình ra thế giới và đạt được nó như đúng kế hoạch như vậy. Thành công đó được kết tinh từ nhiều yếu tố, bản lĩnh của đội bóng, tài năng của đội ngũ huấn luyện và cả sự may mắn...
Họ từng thất bại, nhưng dám nhìn nhận nó nghiêm túc để bước tiếp, gạt đi những lời dè bỉu. Cùng sự thờ ơ từ phía dư luận đã vô tình giúp các cầu thủ không phải đối mặt với quá nhiều áp lực, để rồi Quang Hải và các đồng đội khiếm tốn tiến từng bước một vững chắc đến kỳ tích năm đó.
Để giờ đây chúng ta sỡ hữu một Quang Hải kiệt xuất trăm năm có một của bóng đá Việt Nam. Một Đoàn Văn Hậu giàu tiềm năng bật nhất và được đánh rất cao về khả năng thành công khi xuất ngoại. Và "một chuyên gia bắt Tây” dùng óc phán đoán và sự chính xác của mình để trở thành người chơi ở trung tâm hàng hậu vệ xuất sắc bậc nhất nước nhà, dù bất lợi về thể hình như Đình Trọng. Hay thủ môn Bùi Tiến Dũng có khả năng ra vào hợp lý, chính xác cùng tài bắt phạt đền làm nức lòng người hâm mộ,... và tất cả đều còn rất trẻ và đều được "nuôi lớn" từ những thất bại như thế!
Nhưng mọi thứ vẫn chưa dừng lại, những Văn Hậu, Quang Hải, Đức Chinh, Đình Trọng, Tiến Linh hay Bùi Tiến Dũng còn đi xa hơn như thế trong những chiến tích vang dội của bóng đá Việt Nam, dưới thời HLV Park Hang-seo.
Nhắc lại những chuyện đó để thấy rằng, ở một khía cạnh khác, thất bại vừa qua của U22 Việt Nam lại là một sự cần thiết. Những nhà lãnh đạo sẽ phải nghiền ngẫm để giúp cho các cầu thủ và tìm được lối đi đúng đắn cho những bước tiếp theo. Hy vọng, sau giải đấu trên đất Campuchia sẽ giúp những chàng trai của chúng ta trưởng thành lên nhiều, thật nỗ lực hơn nữa và chờ ngày tỏa sáng.
Hãy cùng chờ xem câu trả lời của các cầu thủ tại SEA Games vào cuối năm và trước đó là vòng loại U23 Châu Á trên, nơi mà chúng ta đến với mục tiêu là thi đấu thật thành công để tạo bước đà cho VCK tại Thái Lan, giải đấu mà “thầy Park” đặt tham vọng đưa bóng đá Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành được vé đến Olympic!