Những điểm cần lưu ý trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao
Luật thể dục, thể thao (TDTT) được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2007. Qua tổng kết thực tiễn mười năm thi hành, có thể khẳng định Luật TDTT đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực.
Luật sửa đổi và bổ sung một số điều Luật Thể dục, Thể thao được Quốc hội thông qua với số phiếu tán thành lên 94,46%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật TDTT 2006 đã bộc lộ một số bất cập. Thứ nhất, một số điều, khoản của Luật có nội dung còn thiếu cụ thể dẫn đến việc khó thi hành trong thực tế.
Thứ hai, một số quy định của Luật đã không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Một số hoạt động TDTT phát sinh trong thực tiễn cần phải có sự quản lý trong khi Luật hiện hành chưa có quy định.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thể dục, thể thao nước ta phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
* Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT
Sơ hồ các nhánh của Thể dục, Thể thao Việt Nam.
Nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao
Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo nêu trên và tình hình thực tế, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT trực tiếp sửa đổi, bổ sung 27 điều, bổ sung 2 điều mới; bãi bỏ 1 điều.
Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm: khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động TDTT; khắc phục những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động TDTT; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong quản lý các hoạt động thể thao; sửa đổi tên gọi của cơ quan quản lý nhà nước về TDTT trong Luật TDTT hiện hành để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Dự thảo Luật tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung 10 nội dung.
- Bổ sung quy định về chính sách ưu tiên phát triển môn bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc (Điều 4).
- Sửa đổi, bổ sung quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động thể dục, thể thao (Điều 10).
- Bổ sung quy định về chính sách ưu đãi cho các các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác các công trình thể thao phục vụ hoạt động thể thao quần chúng; chính sách miễn, giảm giá vé, giá sử dụng dịch vụ luyện tập thể dục, thể thao tại các cơ sở thể thao theo quy định của Chính phủ cho trẻ em, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Điều 11).
- Bổ sung các tiêu chí đánh giá phong trào thể dục, thể thao quần chúng: Số người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên; Số gia đình thể thao; Số cộng tác viên thể dục, thể thao; Số câu lạc bộ thể thao; Số công trình thể thao; Số giải thể thao tổ chức hằng năm (Điều 12).
- Sửa đổi, bổ sung Điều 13 về thẩm quyền quyết định tổ chức giải thể thao quần chúng.
Thể thao quần chúng của Việt Nam ngày càng được đẩy mạnh, đặc biệt là phong trào chạy bộ. Ảnh: Hải Đăng.
- Sửa đổi, bổ sung Điều 21: Nhà nước có chính sách dành đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, bảo đảm đủ giáo viên, giảng viên thể dục thể thao cho các bậc học; ưu tiên phát triển môn bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc; quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trách nhiệm phối hợp của cơ sở thể thao công lập với cơ sở giáo dục để sử dụng các công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường.
- Sửa đổi, bổ sung Điều 22: Quy định việc tổ chức thực hiện chương trình môn học giáo dục thể chất theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển môn bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc
- Sửa đổi, bổ sung Điều 25 về thi đấu thể thao trong nhà trường, quy định nhà trường có trách nhiệm tổ chức thi đấu thể thao ít nhất một lần trong mỗi năm học. Nội dung, hình thức và các quy định về thi đấu thể thao phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của người học và điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường.
Trong khi đó, thể thao học đường vẫn chưa có những bước đột phá và phát triển chậm.
- Tại Luật TDTT năm 2006, quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao chưa được phân chia rõ ràng và còn chung chung.
Vì vậy, Luật tập trung sửa đổi, bổ sung quyền và nghĩa vụ của vận động viên thành tích cao theo hướng phân định rõ giữa quyền và nghĩa vụ, tăng cường chính sách ưu đãi cho vận động viên trong trường hợp vận động viên đội tuyển quốc gia, vận động viên thể tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ngành bị tai nạn trong khi tập luyện, thi đấu thể thao (Điều 32); Sửa đổi, bổ sung quyền và nghĩa vụ của huấn luyện viên thể thao thành tích cao theo hướng phân định rõ giữa quyền và nghĩa vụ (Điều 33).
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định về giải thi đấu thể thao, thẩm quyền quyết định tổ chức, trình tự thủ tục đăng cai tổ chức giải thể thao thành tích cao (các Điều 37, 38, 40).
- Bổ sung quy định về cơ quan có thẩm quyền quyết định ban hành hoặc áp dụng luật thi đấu của môn thể thao (Điều 38a).
Sửa đổi, bổ sung Điều 49 về câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; Điều 50 về điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và giao Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện kinh doanh của câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 54 về các loại hình hoạt động của cơ sở thể thao.
- Sửa đổi, bổ sung điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao và giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp (Điều 55).
- Sửa đổi, bổ sung quy định về hộ kinh doanh và các tổ chức khác kinh doanh hoạt động thể thao. Hộ kinh doanh và các tổ chức khác kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm và hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ (Điều 56).
Cơ sở vật chất cho thể thao ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Đến ngay V.League, các CLB bóng đá chuyên nghiệp cũng chưa có điều kiện sân bãi tốt. Trong ảnh sân Hàng Đẫy, nơi được đánh giá có mặt cỏ thi đấu tốt nhất ở V.League. Ảnh: Trung Thu.
- Về đất đai dành cho TDTT: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 65 về đất đai cho thể dục thể thao cho phù hợp với Luật quy hoạch, Luật đất đai và các văn bản pháp luật có liên quan; quy định trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch , kế hoạch sử dụng đất đai dành cho thể dục, thể thao phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao. Trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất dành cho công trình thể dục, thể thao, cơ quan có thẩm quyền phải bố trí quỹ đất tương ứng để thay thế.
- Bổ sung Điều 67a về đặt cược thể thao.
Sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia cho phù hợp với tình hình mới.
Một số cụm từ, tên gọi của cơ quan quản lý nhà nước về TDTT trong Luật TDTT hiện hành.
Điều 79 Luật TDTT 2006 và quy định về hiệu lực thi hành của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT (ngày 1 tháng 1 năm 2019).