Pháp luật thể thao: Đưa người không có vé vào sân, "phe vé" có thể bị xử lý thế nào?
Sự lộn xộn trong quá trình bán vé, soát vé cho trận Việt Nam - Malaysia ở sân Mỹ Đình hôm 16/11 vừa qua đã thu hút sự chú ý rất lớn từ dư luận. Câu hỏi đặt ra là những sai phạm đó có thể bị xử phạt ra sao.
Đối với hành vi đưa người không có vé vào sân xem các trận đấu thể thao, "phe vé", cách thức xử lý là như sau:
Cơ sở pháp lý
1. Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012;
2. Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
3. Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Nội dung tư vấn
1. Đối với hành vi đưa người không có vé vào sân xem các trận đấu thể thao
Đối với các sự kiện thể thao, bao gồm các trận đấu thể thao, thì đơn vị tổ chức sự kiện có thể phát hành vé tham gia vào sự kiện để kiểm soát lượng người vào sự kiện, bố trí chỗ ngồi phù hợp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự tại sự kiện và đơn vị tổ chức sự kiện có thể thu tiền bán vé để đảm bảo quyền của chủ sở hữu đối với sự kiện trong việc có những nguồn thu hợp pháp nhằm bù đắp chi phí tổ chức sự kiện.
Việc đưa người không có vé vào sân xem các trận đấu thể thao trong đó đơn vị tổ chức sự kiện có bán vé, mà không nằm trong các trường hợp quy định được phép vào sân để tác nghiệp hay vì mục đích hợp pháp và được phép của đơn vị tổ chức sự kiện, là hành vi vi phạm đến các quy định về đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự trong việc tổ chức sự kiện và xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị tổ chức sự kiện. Thông thường, hành vi này chỉ có thể được thực hiện bởi chủ thể có quyền kiểm soát việc ra, vào nơi tổ chức trận đấu.
Nếu hành động đưa người không có vé vào sân được thực hiện bởi một cá nhân, thuộc một đơn vị được thuê kiểm soát việc ra, vào khu vực tổ chức trận đấu thì trước hết cá nhân đó sẽ phải chịu các hình thức xử lý tương ứng theo quy định của đơn vị đó, đồng thời, đơn vị phụ trách cá nhân nếu đã có hợp đồng, cam kết với bên thuê là đơn vị tổ chức sự kiện thì sẽ phải chịu các biện pháp phạt theo quy định của hợp đồng giữa các bên.
Trong trường hợp hành vi đưa người không có vé vào sân dẫn đến gây mất trật tự, cản trở hoạt động tổ chức sự kiện của đơn vị tổ chức sự kiện thì tùy theo mức độ vi phạm cá nhân, tổ chức có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
b) Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác;
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
h) Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức;
Trong trường hợp hành vi đưa người không có vé vào sân xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân khác thì có thể bị xử phạt theo Điều 40 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Nếu hành vi đưa người không có vé vào sân dẫn đến hậu quả gây thiệt hại về người và tài sản, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự, và/hoặc phải bồi thường thiệt hại theo các quy định của Bộ luật dân sự.
Rất đông NHM đã chen lấn vì một chiếc vé vào sân Mỹ Đình xem trận Việt Nam - Malaysia
2. Đối với hành vi "phe vé"
"Phe vé" là cụm từ không được định nghĩa trong luật, tuy nhiên có thể hiểu "phe vé" là hành vi mua một lượng vé và bán lại cho người khác nhằm mục đích thu lợi.
Đối với các sự kiện thể thao mà đơn vị phát hành vé có quy định cụ thể về các điều kiện mua, sử dụng vé nhằm đảm bảo việc phân phối vé hợp lý, đúng đối tượng, đảm bảo an ninh, an toàn cho sự kiện và lợi ích cho bên phát hành cũng như người mua vé, thì những người mua vé có trách nhiệm thực hiện các quy định hợp pháp của bên bán về điều kiện mua, sử dụng vé khi các điều kiện mua, sử dụng vé hợp pháp được bên bán công bố rõ và bên mua chấp thuận các điều kiện khi mua vé, việc chấp thuận có thể hiểu là mặc nhiên khi bên mua quyết định mua vé và tham gia sự kiện.
Trong trường hợp bên mua vi phạm quy định hợp pháp do bên bán đặt ra, thì bên bán có quyền áp dụng các biện pháp quy định trong điều kiện mua, sử dụng vé đối với bên mua, ví dụ nếu bên bán quy định người sử dụng phải là người đứng tên đăng ký mua vé thì khi người sử dụng không phải là người đứng tên đăng ký mua vé, bên bán có quyền không cho phép người sử dụng vé vào sự kiện. Trong trường hợp bên mua vi phạm quy định và gây thiệt hại cho bên bán, bên bán có quyền thực hiện các hành vi pháp lý để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Đối với hành vi mua vé và bán lại kiếm lời trong các sự kiện thể thao hiện nay không có quy định cấm trong luật, trừ trường hợp việc mua vé và bán lại kiếm lời gây mất trật tự công cộng hay cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.